Về việc xác định tiêu chuẩn cán bộ, nhiều ý kiến đề nghị không nên đánh đồng trình độ năng lực với bằng cấp, cần quan tâm đến tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, chỉ bố trí cán bộ khi có đủ các điều kiện theo quy định.
Các đại biểu thảo luận tại tổ về tinh giản biên chế, chính sách cán bộ. Ảnh: Thành Chung
Qua thảo luận tổ tại Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI sáng 4.7, nhiều ý kiến tham gia về việc xác định tiêu chuẩn cán bộ khi xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 26 – NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Nhiều ý kiến đề nghị không nên đánh đồng trình độ năng lực với bằng cấp, vì thực tế nhiều cán bộ, công chức “bằng cấp đầy mình” nhưng không làm được việc hoặc làm không hiệu quả. Trái lại, nhiều cán bộ, nhất là cán bộ xã tuy bằng cấp chưa đạt tiêu chuẩn như dự thảo kế hoạch song bằng kinh nghiệm, năng lực thực tiễn và uy tín của mình lại xử lý công việc rất tốt. Tương tự, yêu cầu về trình độ ngoại ngữ đối với cán bộ là cần thiết, nhưng nếu không cẩn thận sẽ rất hình thức và lãng phí. Thực tế, môi trường làm việc của tỉnh không có nhiều cơ hội để cán bộ sử dụng ngoại ngữ. Do đó, cán bộ cho dù đạt chuẩn về ngoại ngữ thời điểm này nhưng sau một thời gian không sử dụng thì lại quay về mốc ban đầu. Vì vậy việc xác định tiêu chuẩn phải đạt “trình độ ngoại ngữ bậc 4 theo khung năng lực Việt Nam” chỉ nên áp dụng với một số chức danh và vị trí cụ thể, căn cứ trên cơ sở vị trí việc làm. Có ý kiến đề nghị đối với ngoại ngữ chỉ là mục tiêu “phấn đấu” đạt được.
Đối với việc xác định cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ, nhiều ý kiến đề nghị cần quan tâm đến tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, nhưng cần quan tâm trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn, chỉ bố trí cán bộ khi có đủ các điều kiện theo quy định. Cần có giải pháp cụ thể đối với cán bộ nữ, cán bộ trẻ, chủ động sớm rà soát trên cơ sở có kế hoạch và biện pháp để bồi dưỡng, tạo nguồn để bảo đảm được năng lực, đáp ứng được yêu cầu.
Đối với chủ trương thực hiện cán bộ chủ chốt cấp huyện không phải người địa phương, một số ý kiến đề nghị cần có định hướng sớm để địa phương chuẩn bị phương án nhân sự. Bên cạnh việc điều từ tỉnh về huyện cần kết hợp với việc điều chuyển cán bộ từ huyện này sang huyện khác; quan tâm chú ý tới các địa phương không còn cán bộ tham gia cấp ủy tỉnh, tạo nguồn cấp ủy tỉnh để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện và tốt hơn cho phong trào toàn tỉnh; cơ cấu tính toán cấp ủy cho phù hợp đối với TP Hải Dương. Đồng thời cần có quy định thật cụ thể về thế nào là người địa phương để áp dụng cho chính xác.
TM