Vai trò của người đứng đầu ở các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị… rất quan trọng. Bởi vậy họ phải hội tụ nhiều phẩm chất tốt.
Tuy nhiên, do công tác cán bộ ở một số nơi làm chưa tốt nên không ít người đứng đầu cơ sở, cơ quan, đơn vị vẫn còn hạn chế về nhiều mặt, trong khi lại ôm đồm nhiều chức vụ. Hệ lụy là, không ít chương trình công tác không thực hiện đến nơi đến chốn, phát sinh tác phong quan liêu, mệnh lệnh, xa thực tế, dẫn đến sai lầm, gây hậu quả nghiêm trọng. Đã thế, lại có những trường hợp, người đứng đầu không gương mẫu trong đạo đức và lối sống, tư lợi, gây bè cánh… nên cấp dưới và những người dưới quyền cũng làm theo. Một thực tế đáng buồn là, mối quan hệ giữa người đứng đầu với tập thể cũng chưa xác lập rõ ràng. Vì thế, không ít trường hợp, khi phong trào tập thể lên thì người đứng đầu được tặng thưởng huân chương, bằng khen, nhưng đến khi phát hiện ra sai lầm, khuyết điểm thì lại không có ai chịu trách nhiệm.
Từ thực tế ấy mới thấy Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" trong ba vấn đề cấp bách có "xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể” là hết sức cần thiết. Việc cần làm ngay là đối với những người đứng đầu quá yếu kém, thì qua đợt phê bình kiểm điểm tới đây cần xem xét cụ thể, có thể tìm người thay thế, không để "tư duy nhiệm kỳ" hay tuổi đời chi phối. Đối với những người đứng đầu mà khả năng còn hạn chế thì phải có chương trình tiếp tục tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện vươn lên và tổ chức cũng cần dành cho họ một thời gian phấn đấu đạt được những tiêu chí cụ thể. Việc lâu dài là phải có quy hoạch cụ thể, tập trung đào tạo, bồi dưỡng về mọi mặt gắn với thực tiễn công tác. Để trở thành một cán bộ tốt theo tiêu chuẩn Đảng đề ra, nhất là thành người đứng đầu trong một cơ quan, đơn vị… thì người đảng viên phải nỗ lực rất cao, không chỉ trong trau dồi kiến thức, bản lĩnh, lập trường tư tưởng mà nhất thiết phải trải qua "trường học" thực tế. Vì thế mà nghị quyết chỉnh đốn Đảng lần này đã xác định người được bố trí vào cương vị cấp trên nhất thiết phải kinh qua nhiệm vụ cấp dưới.
Bên cạnh việc xác định trách nhiệm của người đứng đầu, để tăng cường chất lượng hoạt động của bộ máy (cấp ủy, chính quyền) thì việc xây dựng quy chế, lối làm việc và mối quan hệ giữa người đứng đầu với tập thể cần rõ ràng, cụ thể. Đó là cách khắc phục tình trạng lãnh đạo chung chung, dẫn đến "Thành tích thì vỗ tay vào/ Đến khi khuyết điểm thì nào thấy ai" khá phổ biến hiện nay.
NGUYỄN THẾ(Câu lạc bộ Nhà báo cao tuổi tỉnh)