Các loài sâu hại, vi sinh vật gây bệnh và cỏ dại là những "thành viên" không thể thiếu được của tất cả các hệ sinh thái nông nghiệp.
Tất cả các loài trong hệ sinh thái đều có giá trị nhất định. Các loài dịch hại khi số lượng quần thể thấp không làm giảm năng suất cây trồng, mà đôi khi còn làm tăng năng suất cây trồng. Ngoài ra, chúng còn là nguồn dinh dưỡng quan trọng để duy trì các loài thiên địch tự nhiên (loài có lợi) của chúng. Ví dụ: Riêng chỉ một loài sâu đục thân 2 chấm gây hại lúa sống trên đồng thì xung quanh nó có tới hơn 20 loài thiên địch đang cùng tồn tại để khống chế nó. Các loài có hại chỉ trở thành vấn đề cần giải quyết khi tác hại của chúng gây ra là không thể chấp nhận được khi mật độ quần thể đạt đến ngưỡng gây hại kinh tế (EIL). Ví dụ: Loài sâu cuốn lá nhỏ gây hại lúa, thì EIL = 50 con/m2 lúc lúa đang đẻ nhánh và EIL = 10 con/m2 lúa làm đòng và trổ bông.
Thực tế hiện nay, công tác bảo vệ thực vật (BVTV) của nông dân trên đồng ruộng phần lớn là sai nguyên tắc. Nhiều nông dân khi thăm đồng chỉ nhìn thấy vài lá lúa thời kỳ cây đang đẻ nhánh bị sâu cuốn lại đã vội vàng phun thuốc để diệt trừ. Họ không quan tâm đến khả năng đền bù của cây lúa lúc này (2-3 ngày ra 1 lá/thân mới). Tâm lý lo sợ sâu sinh sản lây lan nhanh ra ruộng nếu không phòng trừ ngay từ khi nó mới xuất hiện (thậm chí chưa xuất hiện) đã khiến cho cây lúa ngay từ giai đoạn đầu của quá trình sinh trưởng đã phải hứng chịu hàng loạt đợt thuốc hóa học. Đồng nghĩa rằng hệ sinh thái nông nghiệp đã và đang bị phá vỡ một cách khốc liệt, hàng loạt các loài thiên địch bị tiêu diệt ngay từ đầu vụ dẫn đến giữa và cuối vụ trong hệ sinh thái ruộng lúa bị mất cân bằng (sinh vật có hại nhiều hơn sinh vật có lợi). Sự mất cân bằng đó xảy ra lúc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cây trồng. Bởi lúc này cây trồng không còn khả năng tự đền bù nữa. Hơn nữa thường ở giai đoạn giữa và cuối vụ xuân, do điều kiện thời tiết nóng ấm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các loài sâu hại phát sinh và phát triển, dễ gây thành dịch. Do đó, nông dân phải phun trừ và cứ như vậy sâu hại sẽ ngày càng có sức kháng thuốc, thậm chí là nhờn thuốc. Đó là nguyên nhân hiện nay nhiều loại thuốc hóa học không còn hiệu lực trừ sâu được như trước nữa, khiến nông dân không chỉ phun một lần mà phải nhiều lần mới tiêu diệt được phần nào sâu hại, dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước, lương thực làm ra bị tồn dư thuốc BVTV quá lớn…
Hiện nay, cơ quan chỉ đạo công tác BVTV cơ sở là các Trạm BVTV. Họ có chức năng dự tính, dự báo sâu bệnh hại trong thời gian sắp tới và thông báo tình hình dịch hại hiện tại qua các kênh thông tin. Tuy vậy, nhiều cán bộ của các cơ quan này khi được hỏi họ cho biết: Việc thông báo vấn đề này khi sâu hại mới phát sinh còn rất e dè. Bởi cứ ra thông báo có sâu gây hại đồng ruộng là nhiều nông dân vác bình đi phun thuốc. Người nghe được đi phun rồi lại tuyên truyền cho người không nghe được phun theo và chỉ khoảng 1-2 ngày sau thông báo là cả cánh đồng được phun hàng loạt. Thậm chí có xã nông dân sang xã khác thấy họ phun về cũng đi phun trong khi xã mình chưa ra thông báo.
Để nông dân hiểu rõ mối quan hệ giữa cây trồng và dịch hại, biết được ngưỡng phun trừ của các loài sâu ở từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng là bao nhiêu thì trước hết các cơ quan, tổ chức quản lý tại cơ sở cần phải coi trọng và nâng cao vai trò công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Phối hợp, đôn đốc tổ chức các buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật tại các thôn để nông dân có điều kiện tham gia. Bà con phải tự giác coi việc đến nghe, tham gia các buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật do cán bộ chuyên môn giảng dạy là việc làm cần thiết và thường xuyên, không nên nghĩ đơn giản: “Cấy trồng đã bao năm rồi, cần gì phải học”. Vì sâu bệnh hại mỗi năm, mỗi vụ, mỗi thời điểm mỗi khác, diễn biến cũng khác nhau. Hơn thế, cây trồng hiện nay lại đang phải hứng chịu ảnh hưởng của thời tiết thay đổi, chịu sự tấn công của nhiều dịch hại nguy hiểm mới như bệnh virus lùn sọc đen trên lúa, bệnh hủi trên cây bí xanh…
Đội ngũ cán bộ tham gia tập huấn kỹ thuật cho nông dân phải là những người chuyên sâu khoa học, nắm bắt kịp thời diễn biến của dịch hại tại địa phương để cùng nông dân tháo gỡ những khó khăn, ngăn chặn, phòng trừ tốt dịch hại trên cây trồng, hướng cho họ thực hiện tốt chương trình IPM (hệ thống quản lý dịch hại). Hay nói cách khác, công tác khuyến nông ngày càng phải được xã hội hóa. Có như vậy mới bảo đảm được một cầu nối vững chắc giữa nhà khoa học và bà con nông dân và nền nông nghiệp mới dần đi theo hướng bền vững.
KS. TRẦN THỊ LIÊN(Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách)