Hiện nay, việc cung ứng nguồn xi-măng do tỉnh hỗ trợ các địa phương xây dựng đường giao thông nông thôn đang rất chậm. Nguyên nhân vì sao?
Một tuyến đường ở xã Hồng Thái (Ninh Giang) đã đổ đá, cát, chỉ chờ xi-măng để hoàn thiện
Ngổn ngang công trườngThôn Chùa Thượng, xã An Châu (TP Hải Dương) hiện còn 8 trong tổng số 16 tuyến đường xóm đã hoàn thành lề, nền đường, chỉ chờ xi-măng đổ bê-tông là hoàn thiện. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng thôn cho biết, nếu có đủ xi-măng, chỉ trong 1 tuần nữa là thôn hoàn thành các tuyến đường còn lại. Với tiến độ cung ứng xi-măng chậm như hiện nay, thôn không khác nào một công trường ngổn ngang không biết khi nào xong. “Chúng tôi đều hưởng ứng rất nhiệt tình khi địa phương mở rộng đường. Nhiều nhà phá cả tường rào, công trình phụ để lấy đất làm đường. Đoạn đường của xóm dài 160 m, rộng 3,8 m, nếu có đủ xi-măng thì chỉ 3 ngày là làm xong”, ông Trần Văn Thanh, chủ một hộ dân trong thôn đã hiến 90 m2 đất để làm đường nói. Theo UBND xã An Châu, hiện xã mới nhận được 178 trong tổng số 245 tấn xi-măng theo kế hoạch. Việc xi-măng về chậm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu về đích trong xây dựng nông thôn mới của xã trong năm nay.
Hồng Thái là một trong hai xã của huyện Ninh Giang đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2014. Hiện nay, xã có 13 tuyến đường thôn, xóm với tổng chiều dài hơn 2 km đang chờ xi-măng về để hoàn thành. Các thôn trong xã đã tháo dỡ các công trình, giải phóng mặt bằng, làm nền đường, thậm chí một số nơi người dân đã đổ đá, cát nhưng không có xi-măng để trộn bê-tông. Theo kế hoạch, đến hết tháng 5, xã sẽ nhận đủ hơn 700 tấn xi-măng đã đăng ký để làm đường nhưng hiện nay các doanh nghiệp mới cung ứng được gần 200 tấn. Ông Ngô Quang Sáng, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết: “Các doanh nghiệp đã ngừng cung ứng xi-măng tới các xã gần nửa tháng nay. Việc cung ứng xi-măng chậm khiến người dân rất bức xúc vì đường đã đào bới khiến cho việc đi lại khó khăn. Trong khi đó, vụ mùa đã tới, nếu không có xi-măng thì việc làm đường sẽ càng khó hơn vì người dân tập trung thu hoạch lúa, không thể huy động nhân công”.
Vì không thể chở quá tải?Đến hết tháng 5-2014, Sở Giao thông vận tải đã đề nghị Công ty Xi-măng Phúc Sơn và Công ty Sản xuất vật liệu xây dựng Thành Công cung ứng cho 138 xã, phường, thị trấn 43.529 tấn xi-măng Phúc Sơn và 5.425 tấn xi-măng Thành Công để làm đường. Tuy nhiên đến nay, Phúc Sơn mới cấp được 29.500 tấn, đạt 68%; Thành Công mới cấp được 2.050 tấn, đạt 38%.
Ngày 3-5, Sở Giao thông vận tải đã chủ trì cuộc họp với các doanh nghiệp cung ứng xi-măng để kiểm điểm tiến độ cung ứng xi-măng cho các địa phương năm 2014. Các doanh nghiệp đã cam kết bố trí đủ phương tiện vận chuyển, cung cấp kịp thời xi-măng cho các địa phương trong tháng 6-2014. Tuy nhiên, đến ngày 12-6 Công ty Xi-măng Phúc Sơn và Công ty Sản xuất vật liệu xây dựng Thành Công đã dừng cung cấp xi-măng cho các xã, phường, thị trấn ở xa nhà máy. Tại một số địa phương ở gần, việc cấp xi-măng cũng chỉ được thực hiện nhỏ giọt, không đáp ứng tiến độ làm đường của các địa phương.
Theo các doanh nghiệp, do cơ quan chức năng xử lý nghiêm xe quá tải, giá cước vận tải tăng cao gấp khoảng 2,5 lần nên việc cung ứng bị chậm. Ông Lê Văn Định, Giám đốc Công ty Sản xuất vật liệu xây dựng Thành Công cho biết, hiện nay năng lực sản xuất của công ty hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu xi-măng của các địa phương. Giá xi-măng và bốc xếp cũng không tăng nhưng do xử lý xe quá tải nên việc vận chuyển đang gặp khó. Công ty đã thúc ép các đơn vị vận chuyển nhưng họ chở quá tải đều bị phạt nặng nên không dám chạy nữa. Nếu chở đúng tải thì không thuê được đơn vị vận tải vì chi phí quá cao, phải bù lỗ.
Tiêu chí giao thông là một trong những tiêu chí khó thực hiện trong xây dựng nông thôn mới. Việc xi-măng về chậm ảnh hưởng rất lớn đến phong trào làm đường giao thông nông thôn tại các địa phương. Xi-măng cung ứng chậm sẽ làm tâm lý người dân đang hăng hái bị chùng xuống, gây khó khăn cho công tác chỉ đạo, tuyên truyền, vận động đóng góp làm đường giao thông nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Tình trạng này cần được quan tâm tháo gỡ để các doanh nghiệp cung cấp xi-măng đủ số lượng, chất lượng và đúng thời gian quy định trong hợp đồng đã ký với các địa phương.
HẠO NHIÊN