Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa cập nhật Danh mục Thuốc thiết yếu (EML) và Thuốc thiết yếu cho trẻ em (EMLc), bằng cách bổ sung nhiều loại thuốc cải tiến, bao gồm nhiều loại thuốc mới cho bệnh đa xơ cứng, ung thư, bệnh truyền nhiễm và bệnh tim mạch…
Sau khi cập nhật, tổng cộng, 36 loại thuốc đã được thêm vào danh mục thuốc dành cho người lớn và trẻ em, nâng tổng số thuốc cho hai nhóm đối tượng này lần lượt lên mức 502 và 361 loại.
Bằng cách đưa thêm nhiều loại thuốc đã được chứng minh lâm sàng vào Danh sách này, WHO nhằm mục đích đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng đối với nhiều loại thuốc thiết yếu, được đảm bảo chất lượng cho tất cả mọi người, mà không ảnh hưởng tới ngân sách y tế của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
1. Cập nhật một số loại thuốc mới
WHO cập nhật Danh sách Thuốc thiết yếu (EML) và Thuốc thiết yếu cho trẻ em (EMLc)
Lần đầu tiên, ba loại thuốc điều trị bệnh đa xơ cứng đã được đưa vào Danh mục Thuốc thiết yếu (EML), gồm cladribine, glatiramer axetat và rituximab. Theo WHO, những loại thuốc này có thể trì hoãn hoặc làm chậm sự tiến triển của MS (đa xơ cứng).
Một bổ sung mới khác vào danh sách là ‘polypill’ để phòng ngừa các bệnh tim mạch. Đây là sự kết hợp liều cố định của nhiều loại thuốc, bao gồm thuốc hạ cholesterol, thuốc hạ huyết áp có và không có axit acetylsalicylic (aspirin).
WHO cũng đã đưa các loại thuốc mới điều trị các bệnh truyền nhiễm vào EML, cụ thể là ceftolozane + tazobactam để điều trị các bệnh nhiễm trùng khó điều trị do vi khuẩn đa kháng thuốc gây ra; pretomanid điều trị lao đa kháng thuốc; ravidasvir để điều trị nhiễm virus viêm gan C mạn tính ở người lớn (thuốc này được sử dụng kết hợp với sofosbuvir) và kháng thể đơn dòng đối với bệnh do virus Ebola.
Danh sách Thuốc thiết yếu được cập nhật cũng bao gồm hai phương pháp điều trị ung thư mới: Doxorubicin liposomal pegylated – thuốc đầu tiên dùng để điều trị Kaposi's sarcoma (loại ung thư hình thành trong lớp niêm mạc của mạch máu và mạch bạch huyết), và pegfilgrastim để kích thích sản xuất tế bào bạch cầu và giảm tác dụng độc hại của một số loại thuốc trị ung thư đối với tủy xương.
Hai phương pháp điều trị ung thư mới đã được thêm vào danh mục Thuốc thiết yếu
2. Những thay đổi về Thuốc thiết yếu cho trẻ em (EMLc)
Công thức của hơn 70 loại thuốc cũng được cập nhật để đảm bảo dạng bào chế và hàm lượng phù hợp khi sử dụng cho trẻ em.
Với Danh mục này, WHO đã đưa thực phẩm điều trị vào Danh mục Thuốc thiết yếu cho trẻ em (EMLc) để điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dươi 5 tuổi.
Danh sách thuốc thiết yếu của WHO là danh mục những những loại thuốc nên có trong tất cả các hệ thống y tế đang hoạt động. Việc cập nhật danh sách này có ý nghĩa to lớn đối với khả năng tiếp cận thuốc. Đơn cử như quyết định bổ sung thuốc điều trị HIV hồi năm 2002 đã giúp loại thuốc này trở nên phổ biến hơn đối với bệnh nhân AIDS ở các quốc gia nghèo.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, giá cả tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng khiến mọi quốc gia phải đối mặt với những vấn đề ngày càng gia tăng trong việc bảo đảm khả năng tiếp cận nhất quán và công bằng đối với nhiều loại thuốc thiết yếu. Do đó, WHO cam kết hỗ trợ tất cả quốc gia vượt qua những trở ngại này để tăng khả năng tiếp cận một cách công bằng.
Theo Sức khỏe và Đời sống