Chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng việc tiêm trộn 2 loại vaccine là xu hướng có phần nguy hiểm.
Ngày 12.7, tiến sĩ Soumya Swaminathan, trưởng nhóm khoa học WHO, khuyến cáo không tiêm kết hợp các loại vắc xin COVID-19 từ những nhà sản xuất khác nhau. Bà gọi đây là "xu hướng nguy hiểm", vì hiện có ít dữ liệu về tác động của phương pháp này tới sức khỏe.
“Đây là một xu hướng có phần nguy hiểm. Chúng ta đang ở trong vùng trống dữ liệu và bằng chứng về việc tiêm trộn lẫn”, tiến sĩ Soumya Swaminathan nhận định.
Bà cảnh báo: "Sẽ xảy ra tình trạng hỗn loạn ở các quốc gia nếu người dân bắt đầu quyết định khi nào và ai sẽ tiêm liều vắc xin thứ hai, thứ ba hay thứ tư".
Cảnh báo trên được đưa ra sau khi một số quốc gia như Đức, Thái Lan... chọn cách tiếp cận tiêm kết hợp vắc xin COVID-19 của các hãng khác nhau.
Vừa qua, Ủy ban thường trực về tiêm chủng (STIKO) của Đức cho biết những người được tiêm liều vắc xin đầu tiên của Hãng AstraZeneca "nên tiêm liều thứ hai là vắc xin mRNA (vắc xin của Pfizer-BioNTech hoặc Moderna), bất kể tuổi tác".
Theo STIKO, "các kết quả nghiên cứu hiện nay" cho thấy phản ứng miễn dịch được tạo ra sau khi tiêm kết hợp vắc xin AstraZeneca với vắc xin công nghệ mRNA "vượt trội rõ ràng" so với khi tiêm hai liều đều của AstraZeneca.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (66 tuổi) đã góp phần mở đường cho khuyến nghị tiêm kết hợp vắc xin COVID-19. Hồi tháng 6, bà Merkel được tiêm mũi vắc xin thứ hai của Hãng Moderna, sau khi tiêm mũi đầu tiên của AstraZeneca.
Với việc nhiều nơi xem xét "trộn vắc xin", Đài CNN đặt câu hỏi: "Liệu việc tiêm kết hợp vắc xin có thực sự bảo vệ con người tốt hơn và điều đó có cần thiết?". Nhiều nghiên cứu vẫn đang thực hiện nhằm hiểu rõ hơn lợi ích và rủi ro của phương pháp này.
Theo Hãng tin Reuters, đến nay các quốc gia đang xem xét hoặc đã quyết định tiêm kết hợp vắc xin gồm có: Bahrain, Canada, Indonesia, Ý, Nga, Hàn Quốc, Thái Lan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Đức.
Theo Tuổi trẻ