Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã liên hệ với Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng liên quan để tiếp tục đề nghị phối hợp truy bắt, dẫn độ bà Hồ Thị Kim Thoa về xử lý theo quy định pháp luật.
Tại cuộc họp báo do Bộ Công an tổ chức hôm 7.12 ở TP Hồ Chí Minh, trả lời câu hỏi về việc truy bắt bị can Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương, đại tá Chữ Văn Dũng - Phó Chánh văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an - cho biết ngày 4.9.2020, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đã ban hành quyết định truy nã quốc tế đối với bà Thoa.
Hiện nay Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có thư đề nghị gia đình liên hệ, động viên bị can Hồ Thị Kim Thoa về nước trình diện và thành khẩn khai báo hành vi phạm tội để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã liên hệ với Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng liên quan để tiếp tục đề nghị phối hợp truy bắt, dẫn độ Hồ Thị Kim Thoa về xử lý theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, đến thời điểm hôm qua (8.12), theo thông tin từ website của Interpol, có hơn 62.000 lệnh truy nã đỏ được ban hành bởi Interpol đang có hiệu lực, trong đó có 7.430 lệnh được công khai. 62 người trong số đó mang quốc tịch Việt Nam và chưa có tên Hồ Thị Kim Thoa.
Theo Interpol, lệnh truy nã đỏ (red notice) là quy ước truy nã có phạm vi trên toàn thế giới, được ban hành với những cá nhân đang bị truy tìm để truy tố hoặc bắt giam.
Lệnh truy nã đỏ được chính thức ban hành bởi tổng thư ký Interpol theo yêu cầu của các quốc gia thành viên hoặc một tòa án quốc tế. Interpol không có quyền ra quyết định truy nã và lệnh truy nã đỏ cần tuân thủ hiến chương và quy tắc của Interpol.
Tuy nhiên, lệnh truy nã đỏ không phải là lệnh bắt giữ quốc tế. Do đó, các đối tượng truy nã vẫn được xem là vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội.
Theo Tuổi trẻ