Chính phủ Mỹ tuyệt đối không thể nhượng bộ việc Trung Quốc dùng biện pháp áp bức quân sự để giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển đảo tại Đông Á.
Các nghị sĩ Mỹ kêu gọi chính phủ tuyệt đối không để yên cho Trung Quốc tự tung tự tác trên biển
Vào ngày 14-1, các nghị sĩ Hạ viện Mỹ phụ trách chính sách về châu Á và sức mạnh hàng hải đã tổ chức một phiên điều trần nhằm bàn bạc về phản ứng của Washington trước những động thái gần đây của Bắc Kinh tại Đông Á.
Nghị sĩ đảng Cộng hòa Steve Chabot thuộc bang Ohio cáo buộc Trung Quốc “hung hăng một cách nguy hiểm” và nhận định Bắc Kinh đang cố chiếm dần các vùng lãnh thổ đang có tranh chấp bằng sức mạnh quân sự, với “hi vọng lệch lạc rằng Nhật Bản, các nước Đông Nam Á và Mỹ sẽ miễn cưỡng chấp nhận”.
Nghị sĩ đảng Dân chủ Ami Bera của bang California bình luận rằng “những động thái dọa nạt và khiêu khích của Trung Quốc nhằm đòi chủ quyền biển đảo là không thể chấp nhận được”, đồng thời kêu gọi Quốc hội Mỹ nên có một thông điệp mạnh mẽ và thống nhất.
Nghị sĩ đảng Cộng hòa Randy Forbes thuộc bang Virginia nói chính phủ Mỹ “tuyệt đối không được nhượng bộ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, cũng như việc nước này dùng đến biện pháp áp bức quân sự để làm thay đổi hiện trạng khu vực”.
Giới quan sát đánh giá rằng, khác với chính phủ, các nghị sĩ thường chọn đường lối không thỏa hiệp trong các chính sách ngoại giao.
Nhưng các ý kiến của họ thể hiện mối quan ngại lan rộng tại Mỹ về các động thái của Trung Quốc vì nước này thách thức vị trí thống lĩnh của quân đội Mỹ tại châu Á trong nhiều thập niên qua.
Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không mới tại biển Hoa Đông vào cuối tháng 11.2013, yêu cầu tất cả máy bay nước ngoài bay qua vùng này phải khai báo với Trung Quốc.
Vào tuần trước, Bắc Kinh tiếp tục đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá phi lý trên biển Đông, quy định rằng tàu thuyền nước ngoài đánh bắt hoặc khảo sát tại vùng biển này phải xin phép Trung Quốc.
Tuy nhiên, Mỹ tuyên bố nước này có quyền lợi về tự do hàng hải và giao thương tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bất chấp nợ công vẫn đang ở mức khổng lồ, chính quyền Obama khẳng định vẫn mong muốn tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực này và gần đây đã đưa ra thông báo gói hỗ trợ an ninh mới trị giá hàng chục triệu USD cho một số quốc gia Đông Nam Á, theo AP.
Được biết, phiên điều trần được tổ chức trong bối cảnh đang có những lo ngại rằng Mỹ có thể bị cuốn vào một cuộc khủng hoảng hoặc một vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ liên quan đến Trung Quốc, do Washington đang có quan hệ quốc phòng với Nhật Bản và Philippines, AP nhận định.
HOÀNG UY (Thanh niên)