Về mặt thủ tục pháp lý, nước Cộng hòa tự trị Crimea (Crưm) đã chính thức là một phần của Liên bang Nga bất chấp sự phản đối của các nước phương Tây.
Người dân Crimea mang cờ Nga ăn mừng sau khi Cộng hòa tự trị này
chính thức trở thành một phần của Liên bang Nga
Khu vực liên bang thứ 9 của NgaNgày 21-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin (Vla-đi-mia Pu-tin) đã ký ban hành các đạo luật đưa bán đảo Crimea và TP Sevastopol (Xê-vát-tô-pôn) gia nhập thành phần Liên bang Nga, đạo luật hiến pháp liên bang về việc Crimea gia nhập thành phần Liên bang Nga và về việc thành lập các chủ thể mới là Cộng hòa Crimea và thành phố cấp liên bang Sevastopol. Tiếp đó, ông Putin đã ký sắc lệnh về việc thành lập khu vực liên bang Crimea và bổ nhiệm ông Oleg Belavensev (Ô-lếch Bê-la-ven-xép) làm đại diện toàn quyền của Tổng thống Nga tại khu vực này. Như vậy, Cộng hòa Crimea và TP Sevastopol sẽ chính thức trở thành khu vực liên bang thứ 9 của Liên bang Nga.
Trước đó cùng ngày, với số phiếu tuyệt đối, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đã nhất trí thông qua Hiệp ước sáp nhập Crimea, sau khi hiệp ước này đã được Duma quốc gia (Hạ viện) Nga thông qua ngày 20-3. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (Xéc-gây La-vrốp) nhận định việc thông qua văn kiện trên là bước ngoặt cho cộng đồng đa sắc tộc tại Crimea và Nga, vốn có mối liên kết lịch sử lâu đời. Theo ông Lavrov, việc Crimea trở lại với Nga sẽ mang lại sự sung túc, thịnh vượng cho người dân nơi đây. Từ ngày 24-3, đồng rúp của Nga sẽ chính thức được sử dụng tại Crimea.
Phản ứng của quốc tếNgay sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh sáp nhập Crimea vào Nga, hãng thông tấn Nga dẫn bài phát biểu của ông Putin khẳng định, Crimea đã và sẽ mãi mãi là một phần không thể tách rời của Liên bang Nga, lên án các nước phương Tây là "đạo đức giả" khi công nhận độc lập cho Kosovo (Cô-xô-vô) sau khi tách khỏi Serbia (Xéc-bi-a), nhưng nay lại bác bỏ quyền tương tự của người dân Crimea.
CNN của Mỹ dẫn lời Thủ tướng tạm quyền Ukraine (U-crai-na) Arseniy Yatsenyuk (A-xê-ni Y-át-xê-ni-úc) nói rằng Kiev (Ki-ép) sẽ không bao giờ chấp nhận việc Crimea là lãnh thổ của Nga. Hãng này bình luận rằng, sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga sẽ làm dấy lên sự phẫn nộ và lên án từ các nước phương Tây và Moscow (Mát-xcơ-va) sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt lớn hơn nữa.
Tờ New York Times thì nhận định, việc Nga "tách Crimea ra khỏi Ukraine" có thể mở ra một kỷ nguyên mới đầy nguy hiểm, hoặc là một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, hoặc nếu không cũng sẽ là một thời kỳ đối đầu lâu dài mà quá trình tái lập trật tự mới sẽ rất xa vời.
Trong bài viết "Crimea gia nhập Nga trong chớp nhoáng, Putin vì sao cứng rắn", hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc cho rằng, Tòa án Hiến pháp và Quốc hội Nga nhanh chóng phê chuẩn hiệp ước sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga và sau đó được Tổng thống Putin ký ban hành cho thấy Moscow đã có sự chuẩn bị kỹ càng trước sự kiện lịch sử này. Thời báo Hoàn Cầu thì bình luận đây là lần đầu tiên sau Thế chiến thứ II, Nga mở rộng đường biên giới và sự kiện này khiến bản đồ châu Âu có sự thay đổi lớn nhất kể từ sau Kosovo độc lập. Báo này cũng nhận định hành động lần này của Moscow vượt ra khỏi mọi tính toán.
Moscow sẽ đáp trả các biện pháp trừng phạtTrước việc Nga sáp nhập Crimea, Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma) đã thông báo một loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các quan chức Nga. Các nước châu Âu cũng trong tư thế sẵn sàng tung các đòn trừng phạt mới vào Nga. Ngoài 11 quan chức Nga đã bị trừng phạt, Mỹ đã có thêm một danh sách gồm 20 nghị sĩ và quan chức chính phủ Nga cấp cao. Về phía châu Âu, Tổng thống Pháp Francois Hollande (Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ) cho biết, Liên minh châu Âu (EU) sẽ thông báo các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga.
Đáp trả lại lệnh trừng phạt do Mỹ và các nước phương Tây, người phát ngôn Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov (Đi-mi-tri Pê-xcốp) ngày 21-3 tuyên bố, Nga sẽ đáp trả bằng các biện pháp tương ứng đối với bất kỳ biện pháp trừng phạt nào nhằm vào nước này. Ông Peskov cũng khẳng định chính quyền sẽ hỗ trợ tất cả các cá nhân và chủ thể bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt.
Trong khi đó người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexandre Lukasevich (A-lếch-xan-đơ Lu-ca-xê-vích) tuyên bố, Nga sẽ đáp trả mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt của Mỹ đưa ra ngày 20-3, trong đó mở rộng danh sách các cá nhân Nga bị trừng phạt.
Ngày 21-3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về việc Crimea và Sevastopol sáp nhập vào Liên bang Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết: “Việt Nam quan tâm theo dõi chặt chẽ tình hình tại Ukraine và Crimea. Chúng tôi mong mọi vấn đề sẽ được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và nguyện vọng chính đáng của người dân để tình hình sớm ổn định, vì hòa bình và ổn định ở khu vực và trên thế giới”. |
PHƯƠNG LINH(tổng hợp)