Vượt qua ''tử thần'' SARS: Truy tìm ''vương miện'' chết người

30/01/2020 14:11

Có khá nhiều điểm tương đồng về đặc điểm chủng virus gây bệnh cũng như diễn biến phức tạp giữa dịch viêm phổi cấp đang hoành hành và dịch SARS khiến dư luận lo sợ nguy cơ 'lịch sử lặp lại''.

Đã 18 năm trôi qua kể từ khi bùng phát dịch hội chứng hô hấp cấp nặng (Severe Acute Respiratory Syndrome - SARS), thường gọi tắt là dịch SARS, dư luận vẫn chưa quên những ngày cả thế giới dồn dập ứng phó với dịch bệnh hô hấp do virus SARS-CoV, một chủng virus corona gây ra.

Truy tìm "vương miện" số 1

Rất nhanh sau những ca đầu tiên, dịch loang ra 29 quốc gia làm 8.096 người nhiễm bệnh, 774 người trong đó đã chết. Tới tháng 7.2003, đại dịch SARS toàn cầu được kiểm soát. Kể từ năm 2004 trở về sau, thế giới đã không còn ghi nhận trường hợp nào nhiễm bệnh này.

Thời điểm ghi nhận những ca nhiễm SARS đầu tiên tới nay cũng có những sai khác giữa các tài liệu. Theo trang web Cơ quan phòng chống và kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Mỹ, ca nhiễm SARS đầu tiên được ghi nhận tại châu Á vào tháng 2.2003.

Tuy nhiên, trong hạng mục về dịch SARS của Từ điển bách khoa Britannica lại ghi nhận những ca bệnh SARS đầu tiên xuất hiện vào tháng 11.2002 tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Tham khảo nhiều nguồn thông tin chính thống khác nhau, chúng tôi nhận thấy phần lớn đồng thuận về khoảng thời gian phát hiện các ca nhiễm SARS đầu tiên là giai đoạn cuối năm 2002 đầu năm 2003.

Virus SARS-CoV gây đại dịch SARS năm 2003 là một chủng virus corona, cùng họ với chủng virus đang gây ra dịch viêm phổi cấp bùng phát đầu tiên tại TP Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). Soi dưới kính hiển vi, người ta thấy mỗi virus này giống như có một chiếc vương miện bao quanh (đó là lý do nó có tên là virus corona, corona có nghĩa là "vương miện").

Những "vương miện" này là các protein nhỏ sống trên bề mặt virus, giúp nó xác định những tế bào nào có thể lây nhiễm. Chủng virus SARS-CoV cùng họ với các loại virus gây bệnh viêm phổi và cảm lạnh thông thường khác.

Đáng chú ý, ca bệnh SARS đầu tiên tại tỉnh Quảng Đông đã được xác định là bệnh "viêm phổi lạ", cách gọi "quen quen" như gần đây giới chức y tế ở Vũ Hán cũng gọi các ca đầu tiên mắc viêm phổi cấp do chủng virus corona mới gây ra.


T
rẻ em ở Hong Kong rửa tay tại trường phòng dịch SARS năm 2003

Đe dọa toàn cầu

Từ Quảng Đông, một bác sĩ nhiễm bệnh đã "mang" virus này tới Hong Kong, trung tâm thương mại quan trọng của Trung Quốc và thế giới. Rồi từ Hong Kong, bệnh lan rất nhanh theo khách quốc tế di chuyển khắp vùng Đông Á, lan tới Bắc Mỹ, châu Âu...

Nhóm bệnh nhân bị ảnh hưởng nặng và đáng chú ý nhất trước khi SARS chính thức được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định là nguy cơ sức khỏe đặc biệt vào tháng 3.2003 là một nhóm nhân viên y tế.

Tới cuối tháng 5.2003, thế giới ghi nhận hơn 8.000 ca mắc bệnh, hầu hết tại Trung Quốc đại lục và Hong Kong, và gần 800 ca tử vong. Dịch SARS gây tâm lý hoang mang, lo lắng tại mọi thành phố lớn của châu Á, từ Singapore tới Bắc Kinh. Nhiều trường học và các trụ sở công phải đóng cửa phòng dịch, người dân tránh xa những nơi có thể phát tán bệnh.

Vào thời điểm đó, giới chức y tế toàn thế giới đồng loạt triển khai nhiều biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ, trong đó có lệnh cấm đi/đến các nước có dịch và cách ly các bệnh viện, địa điểm đã có người nhiễm bệnh. Chỉ mãi tới tháng 6.2003, khi dịch bệnh được kiểm soát ở mức an toàn, lệnh hạn chế này mới được gỡ bỏ.

Cũng theo cập nhật mới nhất trên Từ điển bách khoa Britannica, chủng virus corona mới phát hiện tại Vũ Hán (được đặt tên là 2019-nCoV) có bộ gen (genome) giống tới 89% so với bộ gen của chủng virus corona từng gây đại dịch SARS năm 2003.

Điều này là căn cứ khoa học làm dấy lên lo ngại của giới chuyên môn về nguy cơ có thể phát sinh một dịch bệnh hô hấp nguy hiểm khác. Trường hợp một phụ nữ di chuyển từ Vũ Hán tới Bangkok được xác nhận nhiễm 2019-nCoV chính là người đầu tiên nhiễm bệnh này bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Chưa vaccine, chưa thuốc điều trị

Chủng virus corona gây dịch SARS giai đoạn 2002-2003 đã lây lan từ ổ chứa mầm bệnh trong tự nhiên được giới nghiên cứu xác định là loài dơi móng ngựa (horseshoe bat) sang người. Tuy nhiên, để có khả năng lây nhiễm từ vật sang người như vậy, giới nghiên cứu đồng thuận cho rằng đã có sự biến đổi về gen của virus. Họ ngờ là những biến đổi gen đó đã xảy ra ở loài cầy hương, vì virus corona có tự nhiên trong loài dơi móng ngựa không có khả năng lây trực tiếp sang người.

Hiện chưa có vaccine phòng ngừa virus corona. Các thử nghiệm vaccine phòng chủng virus gây bệnh MERS vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Cũng chưa có thuốc điều trị cụ thể các bệnh do virus này gây ra, việc chữa bệnh vẫn chỉ là điều trị triệu chứng.

Và vì là bệnh do virus gây ra nên các loại thuốc kháng sinh sẽ không phát huy tác dụng. Các bác sĩ có thể giảm nhẹ các triệu chứng bệnh bằng cách kê thuốc giảm đau hay giảm sốt. Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng bệnh sẽ tự hết.

Còn một thực tế nữa là cho tới nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa đưa ra được những nhận định mang tính tiên lượng sức khỏe về dài hạn với những người bệnh đã hồi phục cũng như khả năng tái diễn các dịch bệnh như SARS.

Theo tài liệu của WHO, tỉ lệ người bệnh tử vong vì SARS nằm trong khoảng từ 0-50% tùy theo nhóm tuổi. Những người bệnh dưới 24 tuổi có tỉ lệ tử vong thấp nhất nhưng những người từ 65 tuổi trở lên thuộc nhóm bệnh nhân có tỉ lệ tử vong cao nhất. Đáng chú ý khi đây cũng là nhóm người bệnh có tỉ lệ tử vong chiếm đa số trong những người mắc bệnh viêm phổi cấp do chủng virus corona mới tại Vũ Hán.

Chính vì cho tới nay vẫn chưa có cách điều trị hay vaccine phòng ngừa bệnh SARS nào được chứng minh vừa an toàn, vừa hiệu quả cho người dùng nên việc nhận diện bệnh cũng như phát triển các loại vaccine mới, bào chế các thuốc điều trị SARS vẫn đang là ưu tiên của các chính phủ cũng như cơ quan y tế cộng đồng trên toàn thế giới.

SARS làm 774 người chết và "bốc hơi" 40 tỷ USD

* Dịch SARS do một chủng virus corona chưa từng phát hiện trước đó ở người gây ra.

* Năm 2003, các chuyên gia y tế trên toàn thế giới đã cùng hợp tác, ngăn chặn thành công dịch bệnh này.

* Trong 6 tháng hoành hành, dịch SARS làm 774 bệnh nhân thiệt mạng, gây thiệt hại khoảng 40 tỉ USD trên toàn thế giới.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vượt qua ''tử thần'' SARS: Truy tìm ''vương miện'' chết người