“Thưa ngài giám ngục, tù nhân bị đưa lên đây toàn những tên cộng sản nòi, rất cứng đầu cứng cổ. Đòn roi cực hình tra tấn ở các trại giam dưới xuôi đều không khuất phục nổi chúng. Gần đây, tôi thấy chúng thường túm năm tụm ba thầm thì chuyện gì đó có vẻ hệ trọng. Vậy kính mong ngài lưu tâm và có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn các cuộc nổi dậy, hoặc vượt ngục”. Viên giám ngục Lơ Bông mỉm cười vẻ đầy tự mãn: “Cảm ơn ông đã quan tâm chia sẻ trách nhiệm với tôi, với chính phủ Đại Pháp. Xin ông cứ an lòng gối cao đầu ngủ kỹ. Bọn này ở Hỏa Lò là những kẻ hung hăng khó trị, thì lên đây, trong cái nhà ngục Sơn La này, chỉ cần 6 tháng thôi, tôi nhắc lại, chỉ cần 6 tháng thôi, lam sơn chướng khí, bệnh tật đủ loại và nhất là vi trùng sốt rét sẽ làm cho chúng kiệt quệ, suy nhược cả ý chí lẫn thể xác. Chúng sẽ trở nên hiền hòa dễ bảo”. Chừng như tâm đắc với câu nói đầy ẩn ý, viên giám ngục tự thưởng cho mình một ly vang nhỏ. Vừa nhâm nhi tận hưởng hương vị thơm dìu dịu của thứ đặc sản vùng Boóc-đô, hắn vừa nói cho kẻ dưới quyền nghe bằng cái giọng như hài hước, như răn đe: “Ngục Sơn La là chiếc quan tài mở nắp sẵn. Chỉ chờ tù nhân cộng sản tắt thở là cái nắp kia sẽ tự động đóng lại”.
Tô Hiệu ngồi tựa lưng vào bức tường đá lạnh ngắt, cắn môi suy nghĩ. Kẻ thù thật nham hiểm. Chúng không từ một thủ đoạn đê hèn nào nhằm giết dần, giết mòn ý chí cũng như thể xác những người cộng sản không may bị chúng bắt. Thực dân Pháp còn lợi dụng trình độ dân trí thấp kém, lạc hậu của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc để gây chia rẽ, hằn thù dân tộc, hòng làm lá chắn vững chắc cho chúng. Ngôn ngữ bất đồng, phong tục tập quán khác nhau cũng tạo nên rào cản không nhỏ khi tiếp xúc giữa tù nhân cộng sản với nhân dân địa phương. Chúng tuyên truyền xuyên tạc trong cộng đồng người dân tộc rằng: “Tù nhân toàn là những kẻ giết người cướp của ở dưới xuôi, bị “mẫu quốc”đưa lên đây lao động khổ sai”. Chúng treo thưởng: Nếu ai lấy được một cái đầu tù nhân cộng sản trốn trại sẽ được thưởng 20 đồng bạc trắng và 500 cân muối. Chả thế mà mỗi lần có đoàn tù nhân nào dưới xuôi lên, giám ngục Lơ Bông đều tập hợp anh em tù lại, tự mãn tuyên bố: “Các anh đừng dại dột tìm cách trốn trại. Vô ích thôi. Các anh không thể thoát nổi đâu. Chỉ cần có lệnh của tôi, lập tức các anh sẽ bị thổ dân quanh vùng chặt đầu mang về đổi lấy bạc trắng và muối ngay”. Hắn nói không sai. Năm 1941, anh Đàm Văn Lý và anh Đàm Văn Sàng vượt ngục. Sau ba ngày chạy trốn trong núi rừng đại ngàn của đất Sơn La, anh Sàng bị mất tích, còn anh Lý bị bọn phản động địa phương bắt được. Chúng chặt phăng đầu anh Lý mang nộp cho viên công sứ lĩnh thưởng. Tên công sứ Sơn La khi ấy là Cút-xô cho bêu đầu anh Lý ngay cửa ngục ba ngày để uy hiếp tinh thần tù nhân.
Ban sáng, Bí thư Chi bộ Trần Quốc Hoàn đi cùng tốp trồng rau đã lợi dụng lúc vắng người, thông báo cho Tô Hiệu biết nội dung của cuộc họp chi ủy đêm qua về vấn đề vượt ngục. Chi ủy hiện có hai quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau. Một ý kiến cho rằng căn cứ vào cuộc vượt ngục thất bại lần trước, chi bộ đã ra nghị quyết “cấm vượt ngục”. Ta chỉ cần tổ chức tốt cuộc sống cho anh em phạm nhân, biến nhà tù đế quốc thành trường học, đợi chờ ngày mãn hạn tù, trở về tiếp tục hoạt động. Nhóm thứ hai nhất quyết đòi vượt ngục. Họ nói nghị quyết năm 1941 của chi bộ đã trở nên lạc hậu so với thời điểm hiện nay. Chúng ta không thể nằm chờ thời cơ. Chờ đến mãn hạn tù ư? Vậy những người như anh Sao Đỏ (Nguyễn Lương Bằng), anh Phạm Quang Lịch, anh Nguyễn Tuấn Đăng (Trần Đăng Ninh) và nhiều đồng chí khác bị cái án chung thân hoặc 20 năm khổ sai thì phải “chờ” đến hết đời à? Vượt ngục dẫu có hy sinh dọc đường cũng là được chết dưới bầu trời tự do. Chứ chết trong ngục tù thế này làm sao nhắm mắt nổi. Anh Trần Quốc Hoàn kết luận:“Bên nào cũng có cái lý của mình. Tôi băn khoăn như kẻ đứng giữa hai dòng nước. Anh là trưởng ban huấn luyện và đào tạo của chi bộ, chắc có quyết định sáng suốt”. Nói xong, anh Hoàn vội vã chạy đuổi theo đoàn tù nhân đã ra đến cổng trại giam. Nhìn theo cái bóng liêu xiêu của người đồng chí, trong lòng Tô Hiệu cồn lên nỗi xa xót vô ngần. Mới hai năm trước, anh Hoàn nhận cái án 10 năm tù khổ sai, khi ấy trông anh còn khỏe mạnh. Mọi công việc nặng nhọc của toán tù nhân đều do một tay anh gánh vác. Thế mà bây giờ… Cuộc sống vô cùng hà khắc của chế độ nhà tù cộng với khí hậu quá khắc nghiệt của núi rừng Tây Bắc đã làm cơ thể anh tàn tạ. May thay anh Hoàn cũng như tất cả cán bộ, đảng viên nơi đây không một ai nhụt ý chí tiến công kẻ thù. Một cơn ho rũ rượi kéo dài cắt đứt dòng suy nghĩ của Tô Hiệu. Căn bệnh lao phổi của anh bước vào thời kỳ trầm trọng. Đây là hậu quả của lần tù trước với cái án 4 năm khổ sai cấm cố tại nhà tù Côn Đảo. Mãn hạn tù, Tô Hiệu trở về quê hương và bị thực dân Pháp quản thúc. Nhưng Tô Hiệu không chịu bó tay. Anh vẫn tiếp tục hoạt động. Lần này khi bị bắt, kẻ thù biết rõ anh đang giữ chức Xứ ủy viên Bắc kỳ kiêm Bí thư Thành ủy Hải Phòng nên vội vã đầy lên Sơn La.
Ý nghĩ của Tô Hiệu luôn bị những cơn ho kéo dài làm đứt đoạn. Anh ôm ngực cuộn người lại chịu đựng. Anh nhổ ra từng bụm máu tươi lớn. Nếu cuộc sống của những người tù cộng sản cứ mãi mãi ở trong đây thì không chết vì đòn roi, súng đạn của kẻ thù cũng sẽ chết vì đói khát và bệnh tật. Không thể được. Phải tìm cách thoát khỏi nơi này. Nhưng vượt ngục bằng cách nào? Chi bộ Nhà tù Sơn La tuy được thành lập từ tháng 12 -1939 cho đến nay vẫn chỉ là chi bộ hoạt động riêng lẻ, độc lập, vì chưa bắt được liên lạc với tổ chức ở ngoài nhà tù. Với kinh nghiệm từng là Xứ ủy viên Bắc Kỳ, Tô Hiệu biết ngoài kia Đảng đang cần rất nhiều cán bộ trung kiên. Trốn ra khỏi nhà tù là điều không khó khăn lắm. Các anh có thể lợi dụng lúc ra ngoài lao động khổ sai lẻn vào rừng rồi tìm cách về xuôi. Vấn đề là làm sao qua được tai mắt của bọn phản động dầy đặc suốt một vùng rộng lớn. Lời tuyên bố của giám ngục Lơ Bông không phải không có cơ sở. Sự kiện vượt ngục tự phát của anh Sàng, anh Lý như một bộ phim quay chậm lần lượt hiện về. Đâu là nguyên nhân thất bại? Nếu không tìm ra cái điểm yếu của chính mình để khắc phục, thì các cuộc vượt ngục tiếp theo chỉ là cái cớ để kẻ thù tàn sát giết hại đồng chí của mình.
Buổi chiều, nhìn thấy anh Hoàn, Tô Hiệu vờ kêu la ầm ĩ. Lấy cớ đó, anh Hoàn chạy sát vào cánh cửa sắt, hỏi to: “Anh Tô Hiệu làm sao vậy?”. Tô Hiệu nói: “Vượt ngục là điều rất cần. Cung cấp cán bộ cho phong trào lúc này là nhiệm vụ cấp bách. Còn đưa ra bằng cách nào thì tôi và các anh cùng nghĩ”. Suốt đêm ấy Tô Hiệu không tài nào ngủ nổi. Hễ nhắm mắt lại là hình ảnh cái đầu anh Lý đặt trên chiếc ghế đẩu cạnh lối ra vào lại hiện về. Tại sao anh Lý bị bắt, anh Sàng mất tích? À phải rồi. Do không thông thuộc đường đi lối lại. Đây là điều kiện tiên quyết cho cuộc vượt ngục thành công. Rồi ngôn ngữ bất đồng. Rồi trang phục khác nhau. Rồi... Cái nút rối rắm kia cứ lần lượt được Tô Hiệu tháo gỡ dần. Đến sáng thì phương án vượt ngục được Tô Hiệu hoàn chỉnh.
Tại cuộc họp khẩn cấp của chi ủy nhà tù Sơn La, sau khi bàn bạc và bổ sung phương án của Tô Hiệu, anh Trần Quốc Hoàn quyết định cử 12 đồng chí đảng viên cốt cán sẽ vượt ngục trong đợt một. Anh Bân là người có uy tín nhất trong tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng có trách nhiệm tìm người dẫn đường. Chỉ mấy ngày sau anh Bân thông báo: “Đã tìm được. Đây là một nhóm người Hoa buôn lậu thuốc phiện đường Hà Nội - Sơn La. Tôi đã thỏa thuận với họ: Phía ta đồng ý cho họ qua vùng du kích an toàn. Phía họ có trách nhiệm bảo vệ, đưa đường cho những người tù vượt ngục về đến Hà Nội”. Nhận được tin báo, Tô Hiệu vô cùng mừng rỡ. Vậy là bước đầu công việc có vẻ thuận lợi. Anh bàn với anh Trần Quốc Hoàn nhắc nhở những người có tên trong danh sách vượt ngục như các anh: Văn Tiến Dũng, Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Văn Trân… phải thường xuyên luyện tập đi bộ. Các anh trong bộ phận nhà bếp phải chuẩn bị gạo rang làm lương thực ăn đường. Quần áo dân tộc Thái lúc nào cũng có sẵn trong các ngôi nhà mồ của người Thái. Anh Bân tiếp tục lo cho 12 cái thẻ thuế thân mang tên người dân tộc. Ngày giờ vượt ngục chưa ấn định cụ thể. Đến giữa năm 1943, nhiệm vụ vượt ngục vô cùng cấp bách. Lúc này bên ngoài Đảng rất cần cán bộ. Nhật Pháp bắt tay nhau đàn áp cách mạng cực kỳ tàn khốc. Nhiều cán bộ đảng viên trung kiên bị bắt, bị sát hại. Nhưng thật không ngờ, đến đúng ngày giờ hẹn thì nhóm buôn lậu người Hoa, do chủ quan, bị thực dân Pháp bắt khi mang thuốc phiện vượt qua biên giới. Thế là phương án tổ chức cho 12 người vượt ngục không thành.
Một không khí trầm lắng bao trùm lên toàn chi bộ. Qua vài lần gặp nhau hiếm hoi, Tô Hiệu động viên: “Đừng buồn. Lần này chưa thành công thì ta tiến hành làm lại. Kẻ thù chưa đánh hơi được gì hết. Lần này người dẫn đường phải là của ta”. Anh Trần Quốc Hoàn lưỡng lự: “Nếu vậy thì được ít người ra lắm”. Tô Hiệu dứt khoát: “Thà ít còn hơn không được ai. Hãy tìm trong tổ Thanh niên cứu quốc ở Mường La xem”. Anh Hoàn như bừng tỉnh: “Anh nói phải lắm. Ngay ngày mai tôi sẽ liên lạc với anh Cầm Văn Thinh”. Buổi chiều hôm sau, anh Trần Quốc Hoàn báo cho Tô Hiệu: “Đã tìm được người dẫn đường. Đó là anh Lò Văn Giá, dân tộc Thái. Đây là một thanh niên có sức khỏe, có bản lĩnh, biết cả tiếng Mông và rất thông thạo địa hình rừng núi Tây Bắc”. Tô Hiệu rất mừng: “Vậy chi bộ cử ai vượt ngục đợt này?”. “Tối qua chi bộ họp, căn cứ vào gợi ý của anh lần trước, chi bộ đã cử ba người: anh Trần Đăng Ninh, anh Nguyễn Văn Trân và anh Lưu Đức Hiểu. Ngoài ra, ba người này còn thông thạo tiếng Thái, biết sử dụng la bàn, bản đồ”. Tô Hiệu nói: “Thế là tốt rồi. Ta có thể tiến hành ngay. Anh nhớ nhắc mọi người chuẩn bị, nhất là lộ trình về xuôi”. Bốn bàn tay xiết chặt. Bốn mắt nhìn nhau tràn trề hy vọng.
Sắp đến ngày khởi sự, anh Sao Đỏ đề nghị bổ sung anh vào nhóm vượt ngục. Chi bộ đồng ý. Đúng ngày giờ quy định, lợi dụng sự sơ hở của kẻ thù, bốn anh em trốn vào rừng. Anh Lò Văn Giá đã đợi sẵn dẫn đường.
Ba ngày, rồi một tuần, rồi nửa tháng vẫn chưa bắt lại được nhóm tù cộng sản vượt ngục. Giám ngục Lơ Bông, công sứ Cút-xô lồng lộn hò hét lũ tay chân lùng sục ráo riết. Lệnh truy nã khẩn cấp được ban bố khắp vùng Tây Bắc. Công sứ Cút-xô tuyên bố: “Cứ mỗi cái đầu của một tên cộng sản vượt ngục là một tấn muối và 100 đồng bạc trắng”. Một tháng trôi qua, bóng dáng của 4 người tù cộng sản vẫn biệt vô âm tín. Anh em trong nhà tù vui mừng khôn xiết. Sau này mới biết đây là cuộc vượt ngục duy nhất thành công do Chi bộ Nhà tù Sơn La lãnh đạo. Nó động viên tinh thần cho những người cộng sản tin tưởng và kiên quyết đấu tranh.
Công sứ Cút-xô ôm đầu đổ gục xuống bàn, rên rỉ: “Thất bại. Thất bại hoàn toàn. Cả một vòng vây rộng lớn dày đặc điệp trùng, thế mà bọn tù cộng sản vẫn trốn thoát. Quả là thần kỳ. Người Pháp chắc chắn không thể đứng vững nổi trên mảnh đất này với những con người như thế”. Điều lo lắng của y, hai năm sau, năm 1945, đã trở thành hiện thực.
Truyện ngắn lịch sử củaNGUYỄN SỸ ĐOÀN