Chuyện ở làng quê thì nhiều vô kể. Họ là những người hay chuyện. Dù có kín bao nhiêu thì chỉ được vài ngày là người ta đã bàn luận sôi nổi.
Chuyện ở làng quê thì nhiều vô kể. Họ là những người hay chuyện. Dù có kín bao nhiêu thì chỉ được vài ngày là người ta đã bàn luận sôi nổi. Làm cứ như mình là người quyết định công việc hệ trọng ấy. Nhưng hôm nay cái tin nóng hổi nhất lại là chuyện anh chàng “tỷ phú ruộng” tên Đạt đẹp trai ngời ngời, vô khối bóng hồng chạy theo xin nâng khăn sửa túi, bỗng dưng yêu cô Bưởi, gái một con, bỏ chồng. Ngày mười chạm ngõ, ngày mười sáu ăn hỏi, ngày mười chín đón dâu. Họ ngỡ ngàng, sao nhanh thế nhỉ? Rồi họ bất bình phản đối. Cứ như anh chàng Đạt kia là con cháu họ không bằng.
Năm mười tám tuổi, Đạt bước chân vào giảng đường đại học, cũng là lúc Bưởi lên xe hoa về nhà chồng. Hai người cùng học một trường nhưng khác lớp. Bưởi không thể theo học tiếp được vì bố dượng không đồng ý. Con gái học thế là đủ rồi. Ông ta quát lên như thế. Trong lớp Đạt có nhiều đứa đẹp. Nếu so sánh còn thua xa Bưởi nhiều lắm. Da Bưởi trắng, mũi Bưởi thẳng. Bưởi đẹp dịu dàng, thùy mị. Cha Bưởi mất do mắc bệnh hiểm nghèo khi cô mới ba tuổi. Vài năm sau mẹ Bưởi đi bước nữa. Có thể mẹ cô cần một bờ vai để dựa khi gió tạt mưa bay. Dượng Bưởi góa vợ, chưa con cái, người làng bên. Những năm đầu mẹ con Bưởi cũng được ông chiều chuộng, cưng nựng lắm. Nhưng đến khi hai thằng em cùng mẹ khác cha ra đời thì mẹ con Bưởi thi thoảng lại bị ăn đòn. Nhất là lúc ông dượng say rượu bét nhè.
Những năm mẹ Bưởi sinh con và nuôi con nhỏ thì Bưởi trở thành lao động chính. Mười tuổi Bưởi đã xay được thóc. Cái tràng cối xay cao ngang tầm mặt. Mười một tuổi đã biết lội ruộng cắm cây mạ. Lo lắng bèo khoai, cám bã cho lợn cho gà. Từ sáng tinh mơ tới tận khuya. Chăm chỉ và cần mẫn. Ấy là chưa kể tới hai thằng em nhõng nhẽo khi ăn khi ngủ. Lại còn bài vở ở trường, ở lớp nữa. Thế mà Bưởi vẫn học hành tấn tới. Thực ra dượng Bưởi là người hiền lành, ít nói. Nhưng người lành lại thường cục tính. Hơn nữa cuộc sống túng thiếu quanh năm cũng làm tâm tính người ta thất thường. Ông ta yêu vợ theo dạng âu yếm pha lẫn hằn học. Ông thường xuyên mượn rượu giải sầu, khi say lại đánh vợ, đánh con. Chính quyền đến can thiệp cũng chỉ yên được vài ngày. Có trời mới biết vì sao lại thế. Phải chăng khi người ta cảm thấy mình bị thua thiệt, để lấy lại thăng bằng thì quay ra hành hạ chính người thân của mình? Người làng bảo ông ta ghen với người chồng cũ của mẹ Bưởi. Cô giống cha như hai giọt nước, nên hễ nhìn thấy Bưởi là ông ta nổi cơn ghen. Mẹ Bưởi là người đàn bà sống đơn giản và cam chịu. Sự vất vả và giày vò của người chồng thứ hai đã làm cho bà già hơn tuổi.
Chồng Bưởi tên Hoàng, là một chàng trai khỏe mạnh, hào hoa, làm công nhân ở một công ty liên doanh trên thị trấn, sáng đi tối về. Mọi công việc đồng áng giao khoán tất cả cho Bưởi. Hai vợ chồng chí thú làm ăn. Rồi năm sau con Đào ra đời. Cuộc sống gia đình tưởng như hạnh phúc, ấm êm. Nếu đây là hạnh phúc hẳn Bưởi sẽ yên phận làm vợ. Thực ra Bưởi cũng chưa thể định nghĩa thế nào là hạnh phúc. Bưởi lăn lưng vào làm việc không kể ngày đêm. Nhà cửa lúc nào cũng sạch sẽ tinh tươm. Mảnh đất quanh nhà suốt năm xanh tốt đủ các loại rau. Cứ thế, cuộc sống của vợ chồng Bưởi khấm khá dần lên dưới bàn tay thạo công, thạo việc của Bưởi.
Nhưng ghềnh thác của định mệnh không chiều theo người con gái xinh đẹp. Hoàng đi suốt ngày, nhiều đêm không về. Hỏi đi đâu? Hoàng trả lời ráo hoảnh, đi làm chứ còn đi đâu nữa. Dạo này công ty nhiều việc, yêu cầu công nhân làm thêm giờ, thêm ca. Bưởi không tin. Cô từng nghe phong thanh Hoàng đang cặp với một cô gái cùng công ty. Bưởi hốt hoảng hết lời khuyên can chồng. Nhưng tất cả đã muộn. Cho đến một tối Bưởi chứng kiến tận mắt Hoàng cùng cô gái kia đưa nhau vào nhà nghỉ. Ngay đêm ấy, Bưởi viết đơn li dị. Hoàng cũng thản nhiên ký ngay. Bưởi ôm con về làng với hai bàn tay trắng. Cô chẳng màng tới công sức của mình 5 năm vật lộn với ruộng nương. Hạt gạo còn chẳng cần, tiếc gì hạt tấm.
Người làng cười cợt, nhạo báng, chê bai mãi rồi cũng thôi. Cười 3 tháng chứ chẳng ai dư hơi để cười 3 năm. Họ còn vô vàn việc để lo, để nghĩ. Dần dà mọi người quên đi và cho rằng lẽ đời phải thế.
Khi Bưởi ôm con về làng Bùng đúng vào lúc Đạt đang cần lao động nên cô được nhận ngay. Gọi là công ty chứ thực ra chỉ là một trang trại tư nhân do Đạt làm chủ nhiệm. Sau khi tốt nghiệp đại học, nhận thấy xin việc nơi phố thị khó khăn quá, Đạt quyết định về quê lập nghiệp. Anh trình bày dự án của mình lên ủy ban xã và được ủy ban ủng hộ, khen ngợi. Ông chủ tịch còn dặn, nếu gặp khó khăn, nhất là về mặt pháp lý, chúng ta sẽ cùng nhau tháo gỡ. Đạt dành ra nhiều tháng tìm hiểu về chất đất từng khu vực xem trồng cây gì thích hợp. Anh cùng gia đình huy động vốn. Ruộng đất thì không đáng ngại. Rất nhiều gia đình bỏ ruộng, hoặc cấy hái cầm chừng. Họ sẵn sàng cho mượn. Đạt gặp gỡ những lão nông hỏi han kinh nghiệm. Những ý kiến quý báu đã giúp anh hoàn chỉnh dự án. Rồi dồn ô, đổi thửa để ruộng của anh liền bờ, sử dụng máy móc thuận lợi. Đến nay cánh đồng của Đạt rộng tới 15 ha. Dân làng gọi đùa Đạt là “tỷ phú ruộng”. Đạt chia ruộng ra từng khu vực trồng lúa, trồng rau màu, trồng cây lâu năm, tùy theo từng loại đất. Vấn đề nhân công thật nan giải. Các doanh nghiệp xung quanh mọc lên như nấm. Đa số người khỏe mạnh thích vào công ty hơn. Đạt phải có chế độ tiền lương khác họ mới thu hút được nhân công. Bưởi tham gia, tiền lương ngang nhau, bảo hiểm lao động như nhau, nay anh tặng mỗi người một thẻ bảo hiểm y tế xem sao. Đúng như dự đoán, nhiều người xin vào làm việc.
Không ít hơn vài lần Đạt bị các ông chủ trang trại khác la ó vì Đạt phá giá nhân công. Thâm tâm anh cho rằng mình có tăng tiền lương, tăng thêm một vài chế độ cho người lao động thì họ sẽ phấn khởi và lao động tốt hơn, năng suất hơn. Bản chất người nông dân là cần cù, chăm chỉ, dù có lúc lòng tốt của họ còn thô nhám. Nhưng trên hết vẫn là những người thật thà. Và chính anh cũng được hưởng lợi nhuận từ những đức tính đó. Nhưng các ông chủ khác lại bảo, nó bị con bỏ chồng mua chuộc, thả bùa mê thuốc lú. Họ như cùng nhau gây sức ép, cố tách Đạt ra khỏi cộng đồng các ông chủ trang trại. Họ bỏ mặc Đạt tự tìm kiếm hợp đồng đầu vào, đầu ra.
"Bưởi này, từ mai Bưởi nghỉ việc nhé. Tôi không chịu nổi những lời dị nghị kia. Tất cả vây lấy tôi như săn đuổi một con thú. Buôn có bạn, bán có phường. Tôi không thể một mình một chợ được. Mấy năm qua Bưởi đã giúp tôi rất nhiều. Tôi cảm ơn sự giúp đỡ ấy". Bưởi nhìn Đạt, mắt cô long lên giận dữ, má đỏ rực. "Nếu chỉ vì thế mà anh bắt tôi phải nghỉ việc thì anh là thằng hèn. Anh sống cho anh hay anh sống vì dư luận? Thôi được, tôi sẽ nghỉ. Nghỉ ngay từ giờ phút này. Anh đã hả lòng chưa? Hãy đi với các ông chủ trang trại". Bưởi nói một thôi, một hồi, mắt cô rấn nước. Bưởi quay phắt chiếc xe đạp, leo lên, đạp thẳng về làng. Đạt đứng như trời trồng, lưỡi như cứng lại. Bưởi không cho anh một lời giải thích. Anh nhìn hút theo cái thân hình mảnh khảnh, thanh thoát của Bưởi mải miết đạp xe trên con đường vắng ngắt, cho đến khi chỉ còn là cái bóng mờ. Chợt Đạt thấy mình lẻ loi, đơn côi quá. Phải cho Bưởi nghỉ việc, Đạt tiếc lắm. Bưởi là nhân tố tích cực trong tổ trồng lúa. Cô chăm chỉ, lam làm và giàu kinh nghiệm chẳng kém bất kỳ lão nông nào ở cái làng Bùng này. Cô lại chịu khó tiếp thu những kiến thức khoa học mới. Nhiều ý kiến táo bạo nhưng đầy khoa học của Bưởi đã giúp Đạt vượt qua khó khăn. Cái tiếc, cái bất lực cứ dâng đầy chẹn ngang cổ Đạt, khiến anh không thể đứng vững. Anh ngồi phịch xuống bờ cỏ còn ướt đẫm sương đêm.
Mấy tháng trôi qua, kể từ ngày Đạt cho Bưởi nghỉ việc, anh như thấy thiếu một cái gì khó gọi thành tên. Tâm trí Đạt nhiều lúc bấn loạn. Chính anh cũng không hiểu vì sao dạo này nghĩ nhiều đến Bưởi thế. Suốt ngày quần quật ngoài đồng hướng dẫn bà con, đêm về tưởng ngủ được ngay. Nào ngờ giở mình hết bên nọ bên kia mà vẫn không thể ngủ được. Đêm sao dài thế? Bóng hình Bưởi cứ chập chờn. Có lúc Đạt mơ thấy mình ôm eo Bưởi đi trên cánh đồng lúa đang vào hạt. Rồi hai người hôn nhau. Tỉnh lại Đạt cứ tiếc hoài giấc mơ. Giờ thì không còn những lời chọc đùa của mấy bà sồn sồn. Thậm chí mấy chàng trai nhỏ tuổi cũng lầm lũi làm việc. Hình như mọi người cố tránh nhắc đến cái tên Bưởi. Thành thật Đạt không giận họ. Có thương Bưởi, có quý Bưởi họ mới thế. Ngay cả những lúc vui đùa tếu táo, họ cũng chỉ nói mồm chứ nào có ai bờm xơm đâu. Tự nhiên Đạt thấy mình lẻ loi. Có lúc Đạt giật mình cho những ý nghĩ đi quá xa. Mình với Bưởi đã là gì đâu, dù chỉ một câu nói xa xôi. Bưởi đẹp cả người lẫn nết. Nhưng nếu Đạt yêu và lấy Bưởi chắc cha mẹ anh sẽ phản đối, gái làng này đã hết đâu mà phải vơ gái trốn chúa lộn chồng. Cho dù ông bà nhiều lần giục anh lấy vợ. Nhưng con tim lại có cách đi riêng của nó. Đạt không hiểu nổi tâm trạng mình nữa. Phải chăng đó là tiền đề cho một cuộc đổi thay? Mấy tháng nay mẹ con Bưởi sống ra sao? Đạt tin một con người như Bưởi chắc chắn không thể đói. Khó khăn chỉ hun đúc lòng quyết tâm của Bưởi. Bưởi sống cho mình, cho con chứ không sống vì những lời nói thị phi. Anh là kẻ hèn nhát. Câu nói hôm nào Bưởi ném vào mặt Đạt đến hôm nay vẫn còn bỏng rát. Đạt tự hỏi, vậy thì mình sống cho mình hay cho dư luận? Những việc làm của anh và Bưởi đâu phải là xấu. Kể cả việc anh yêu và lấy Bưởi cũng không vi phạm đạo đức, pháp luật. Đạt lầm lũi đi về phía nhà Bưởi.
Ối, Đạt định lấy tôi thật đấy à? Ừ. Nhưng tôi là gái bỏ chồng, lại có con riêng. Anh đã nghe câu “Trăm tội, ngàn nợ không bằng vợ có con riêng chưa?”. Nghe nhiều rồi. Chả sao cả. Bưởi ừ đi. Anh lo cưới ngay trong tháng này. Tự nhiên Đạt thay đổi cách xưng hô. Đừng làm thế Đạt ơi. Tương lai của anh đang rực rỡ. Tôi không thể, không thể. Giọng Bưởi nghẹn lại như muốn khóc. Đạt gắt nhẹ, em im đi. Mình biết nhau từ thủa còn chăn trâu cắt cỏ, hiểu về nhau quá rõ. Em là cuộc sống, là tương lai của anh. Anh sẽ thuyết phục cha mẹ sang xin cưới em về làm vợ anh. Lòng Bưởi mềm hẳn. Cô đã bị khuất phục trước lời nói chân thành của Đạt. Chao ôi, tấm lòng bao dung của Đạt thật lớn lao, thật gần gũi và thân thiết. Cô cứ để yên đôi bàn tay bé nhỏ của mình trong bàn tay chắc khỏe của Đạt, mặc những dòng nước mắt chan hòa.
Người quê thật lạ, thật khó cắt nghĩa. Hôm qua họ còn kết luận như đinh đóng cột, một đôi đũa lệch. Hôm nay họ nhanh chóng phục thiện khi biết mình sai. Ngày mười chạm ngõ. Ngày mười sáu ăn hỏi. Ngày mười chín đón dâu. Vẫn bên cái giếng đình, người làng Bùng cười hể hả, hồn nhiên. Thế là chậm đấy. Tôi cứ nghĩ đôi ấy lấy nhau từ đầu mùa cưới cơ. Đúng là trai tài gái sắc.
Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN