Người dân cho rằng đất bị áp giá cao, còn địa phương thì thiếu cán bộ chuyên môn là những nguyên nhân chính dẫn đến việc xử lý đất dôi dư xen kẹp ở Nam Sách gặp khó khăn.
Gia đình bà Nguyễn Thị Phận, thôn Mạn Đê, xã Nam Trung (Nam Sách) có 196 m2 đất dôi dư đang khó xử lý do giá đất áp cao
Khó thực hiện nghĩa vụ tài chính
Gia đình bà Nguyễn Thị Phận ở thôn Mạn Đê, xã Nam Trung (Nam Sách) được giao 392 m2 đất ở lâu dài. Qua nhiều năm, diện tích đất ở của gia đình tăng thêm 196 m2 lên do bà Phận san lấp ao công của xã ở cửa nhà trước tháng 7.2014.
Năm 2019, gia đình bà Phận có nguyện vọng chuyển diện tích đất dôi dư trên thành đất ở và chuyển giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hai người con trai.
Ông Hồ Trọng Bấc, con trai bà Phận cho biết phần đất dôi dư của gia đình hiện đang được sử dụng làm sân và vườn trồng rau. Gia đình đã đăng ký với xã để làm hồ sơ xin xử lý phần đất dôi dư. Tuy nhiên gia đình cũng đang phân vân vì theo thông báo của xã, đất của gia đình được áp giá khá cao, khoảng 1,2 triệu đồng/m2 theo khung giá quy định của huyện.
Theo ông Bấc, ở thôn Mạn Đê hầu hết các gia đình đều có đất dôi dư. Nhiều hộ có nguyện vọng xử lý thành đất ở, song phần lớn đều từ bỏ ý định do giá đất áp quá cao so với khả năng của họ.
Hơn 200 hộ dân xã Nam Trung có đất dôi dư sử dụng trước tháng 7.2014, hộ nhiều nhất gần 400 m2. Đất dôi dư chủ yếu là do các gia đình trong quá trình sinh sống san lấp ao hồ, cơi nới ra sông, ngòi. Từ năm 2014 đến nay, xã mới xử lý được hơn 5.400 m2 đất dôi dư cho 28 gia đình, thu về gần 4 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Bền, Chủ tịch UBND xã Nam Trung cho biết xã đã xây dựng kế hoạch, đưa vào nghị quyết của đảng bộ, HĐND, song kết quả thực hiện không cao. Khó khăn nhất của xã là vận động nhân dân tuân thủ các quy định về xử lý đất dôi dư, thực hiện nghĩa vụ tài chính. Hầu hết đất dôi dư do các gia đình tự bỏ tiền san lấp, cải tạo.
Khi xử lý, mức giá UBND huyện áp theo giá chung nên các gia đình không hợp tác, nhất là đối với các hộ không có nhu cầu về đất ở và khó khăn về kinh tế. Nhiều hộ có tâm lý đất mình đang sử dụng không ai dám vào tranh chấp hoặc lấy ra để đấu giá quyền sử dụng đất.
Theo Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Nam Sách, tình trạng khó khăn trên cũng đang diễn ra ở tất các các xã, thị trấn khác trong huyện.
Nhiều bất cập
Một nguyên nhân nữa dẫn đến khó khăn trong xử lý đất dôi dư, xen kẹp ở Nam Sách là thiếu cán bộ có chuyên môn về lĩnh vực đất đai. Vì vậy, việc đo đạc, trích lục, thẩm định hồ sơ rất chậm.
Theo đánh giá của UBND huyện Nam Sách, lãnh đạo, cán bộ chuyên môn ở một số xã chưa hiểu cặn kẽ các quy định của tỉnh và văn bản pháp luật về đất đai nên khi triển khai, tổ chức thực hiện lúng túng, vướng mắc. Nhiều xã chưa làm hết trách nhiệm khi hoàn thiện các hồ sơ về xử lý đất dôi dư, đặc biệt là xác nhận nguồn gốc, thời điểm và diện tích đất dôi dư.
Sự phối hợp giữa UBND các xã, thị trấn và các phòng ban chuyên môn của huyện trong xử lý đất xen kẹp, dôi dư chưa tích cực; kết quả đạt được thấp, có xã không xử lý được.
Theo thống kê, từ năm 2014 đến hết tháng 6.2019, huyện Nam Sách xử lý được 459 thửa đất dôi dư với tổng diện tích 13.984 m2, thu khoảng 39 tỷ đồng và vẫn còn 1.416 thửa chưa được xử lý. Đây đều là các thửa đất mà các hộ cơi nới, lấn chiếm trước 1.7.2014.
Nam Sách có nhiều diện tích được thống kê để xử lý thành đất xen kẹp song quá trình thực hiện gặp khó khăn. Theo quy định, để xử lý xen kẹp, có diện tích phải thực hiện thủ tục đấu giá đất. Trong khi hầu hết đất xen kẹp ở Nam Sách có diện tích nhỏ hẹp, vị trí xấu, đường đi lại khó khăn nên người dân không mặn mà.
Theo báo cáo của UBND huyện Nam Sách, từ năm 2015 đến nay, huyện mới xử lý được 10 thửa đất xen kẹp. 2 năm 2018-2019 không xử lý được thửa đất xen kẹp nào. Hiện toàn huyện còn tới 130 thửa đất xen kẹp với diện tích trên 51.000 m2 chưa được xử lý.
NGỌC HÙNG