Vướng mắc ở 10 hộ dân

22/01/2015 07:05

10 hộ chưa nhận tiền bồi thường không chỉ không giao mặt bằng thi công mà còn cùng với hàng chục hộ đã nhận tiền bồi thường ra cản trở việc thi công.



Ðơn vị thi công san lấp mặt bằng sau khi lắp đặt đường ống ở vị trí được người dân đồng thuận


Công ty Xăng dầu B12 (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) thực hiện dự án di chuyển Kho xăng dầu K132 (Kho xăng dầu Hải Dương) từ phường Tứ Minh (TP Hải Dương) về xã Ðức Chính (Cẩm Giàng). Trong tổng số 9.318 m tuyến đường ống xây dựng mới có 1.720 m qua phường Việt Hòa (TP Hải Dương), chạy dọc ven hành lang đê bờ hữu sông Thái Bình.


Ðể thực hiện dự án, ngày 2-7-2012, UBND tỉnh có Quyết định số 1491/2012/QÐ-UBND phê duyệt phương án đơn giá bồi thường đất nông nghiệp mượn thi công thời hạn 1 năm là 8.000 đồng/m2 và đơn giá chi phí cải tạo đất 3.000 đồng/m2. UBND TP Hải Dương đã triển khai lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cho 101 hộ có đất bị tạm thu hồi thuộc phường Việt Hòa; đã chi trả tiền bồi thường cho 91 hộ, còn 10 hộ chưa nhận tiền. Chủ đầu tư đã thi công, đặt đường ống đi qua đất của 91 hộ. 10 hộ chưa nhận tiền bồi thường không chỉ không giao mặt bằng thi công mà còn cùng với hàng chục hộ đã nhận tiền bồi thường ra cản trở việc thi công san lấp phần đã lắp đặt đường ống và đi khiếu kiện. Vì vậy, việc thi công bị đình trệ kéo dài, gây mất an ninh trật tự, thiệt hại không nhỏ cho chủ đầu tư và ngân sách nhà nước.

Lý do các hộ dân đi khiếu kiện vì cho rằng quyết định thu hồi đất của UBND TP Hải Dương ban hành sau quyết định phê duyệt đơn giá bồi thường của UBND tỉnh là chưa đúng quy định. Luật sư của Văn phòng Luật sư Tâm Phúc Ðức đã tư vấn cho các hộ dân lập luận rằng, đơn vị xăng dầu là doanh nghiệp kinh doanh có lãi nên phải thỏa thuận tiền GPMB với các hộ dân. Khi đặt đường ống xăng dầu dưới mặt ruộng sẽ làm hạn chế quyền sử dụng đất như: không được chuyển mục đích sử dụng đất, không chuyển nhượng được... nên Nhà nước phải bồi thường theo mức thu hồi đất vĩnh viễn.

Thực tế, chính quyền địa phương đã triển khai GPMB một cách bài bản, đúng quy định. Khi các hộ dân có kiến nghị, UBND thành phố đã tổ chức đối thoại nhiều lần với các hộ, luật sư và giải quyết đơn thư theo đúng trình tự Luật Khiếu nại, tố cáo. Nhưng 38 hộ dân (trong đó có 28 hộ đã nhận bồi thường GPMB) vẫn có đơn khởi kiện ra tòa án. Tòa án Nhân dân (TAND) TP Hải Dương đã thụ lý và từ ngày 27-2 đến 8-8-2014 đã xét xử 37 vụ (1 hộ/vụ). Sau khi TAND thành phố xét xử, các hộ dân đã kháng cáo và được TAND tỉnh tiếp nhận, thụ lý hồ sơ. Ðến ngày 19-11-2014, TAND tỉnh đã đưa ra xử phúc thẩm được 35 vụ và đều khẳng định, quyền lợi của các hộ dân được bảo đảm đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật. Quyết định và nội dung quyết định tạm thu hồi đất được UBND thành phố ban hành là đúng thẩm quyền, nhưng về trình tự ban hành chưa phù hợp với quy định pháp luật. Tuy nhiên, điều đó không làm ảnh hưởng tới quyền lợi của các hộ dân. Do quyết định tạm thu hồi đất chưa phù hợp về trình tự nên khởi kiện của người dân có một phần đúng. Vì vậy, UBND thành phố phải chịu toàn bộ án phí và chịu bồi thường 50% đơn giá (50% của 8.000 đồng/m2) cho 14 hộ có yêu cầu bồi thường thiệt hại về thời gian dừng sản xuất sau khi hết thời hạn thu hồi đất 1 năm (ngày 14-8-2013). Tuy nhiên, UBND thành phố xét thấy việc dừng sản xuất của các hộ dân từ ngày 14-8-2013 đến hết năm 2014 là do nhiều nguyên nhân nên đã đề nghị và được UBND tỉnh đồng ý tính cho tất cả các hộ được hỗ trợ dừng sản xuất 1 năm 4 tháng là 24.000 đồng/m2 để tạo sự đồng thuận, sớm hoàn thành thi công, trả mặt bằng cho dân sản xuất.

Ðến ngày 19-1-2015, đã có 48 hộ nhận tiền hỗ trợ 24.000 đồng/m2 và đồng ý cho chủ đầu tư san lấp đường ống đã lắp đặt. UBND thành phố đã tổ chức đối thoại 2 lần với các hộ chưa đồng thuận nhưng vẫn chưa có kết quả. Ðặc biệt, 10 hộ chưa nhận tiền bồi thường GPMB từ đầu đã dựng 2 lều trên đường và dưới ruộng ngăn chặn chủ đầu tư thi công. Theo ông Trần Văn Bút, Chủ tịch UBND phường Việt Hòa, cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể từ phường đến khu dân cư và cả người dân địa phương đều không đồng tình, bất bình với những hộ cố tình cản trở thi công. Hiện chủ đầu tư phải tiến hành san lấp ở những vị trí được người dân đã đồng thuận bằng phương pháp thủ công. Ðịa phương mong muốn cấp trên quan tâm xử lý để sớm dứt điểm thi công công trình, bảo đảm ổn định ở cơ sở.

Ðược biết, UBND TP Hải Dương đã có kế hoạch chi tiết để sắp tới tiến hành bảo vệ thi công, sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.

PV

Hệ thống kho xăng dầu Hải Dương thuộc danh mục hệ thống tồn chứa, vận chuyển, dự trữ bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia nên mặt bằng cho thi công thuộc diện Nhà nước thu hồi đất. Sau khi lắp đặt đường ống (chôn sâu cách mặt đất 1m) thì san lấp hoàn trả mặt bằng cho sản xuất.


(0) Bình luận
Vướng mắc ở 10 hộ dân