Vướng mắc khi giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp

15/02/2017 06:56

Một trong những nguyên nhân chính là do quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết phá sản chưa rõ ràng.



Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hải Dương đã dừng hoạt động hơn 5 năm nay nhưng vẫn chưa được "khai tử" theo đúng luật


"Chết" cũng không dễ

Năm 2016, Tòa án nhân dân (TAND) hai cấp của tỉnh thụ lý 7 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản DN nhưng mới giải quyết được 2 trường hợp. Trong đó, một trường hợp rút đơn đề nghị mở thủ tục tuyên bố phá sản, 1 trường hợp chuyển thẩm quyền giải quyết từ TAND cấp huyện lên TAND cấp tỉnh. Các trường hợp còn lại dù đã hết thời hạn giải quyết nhưng vẫn chưa tuyên bố phá sản được. Các DN có đơn yêu cầu vẫn trong tình trạng chờ “chết” theo đúng quy định.

Theo quy định của Luật Phá sản năm 2014, DN mất khả năng thanh toán là DN không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Người đại diện theo pháp luật của DN có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi mất khả năng thanh toán.

Cuối năm 2015, Giám đốc Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hải Dương (ở khu 10, phường Ngọc Châu, TP Hải Dương) có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản gửi TAND tỉnh. Công ty này chuyên đóng mới và sửa chữa các phương tiện vận tải thủy, sản xuất các modul phục vụ đóng tàu xuất khẩu của công ty mẹ, kinh doanh mua bán thiết bị vật tư, phụ tùng phục vụ ngành công nghiệp tàu thủy và dân dụng… Trong đơn, giám đốc công ty này nêu: Do khó khăn về thị trường, nguồn vốn, nên từ đầu năm 2012, công ty đã dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực. Ðến hết năm 2014, tổng nguồn vốn của công ty có hơn 532 tỷ đồng nhưng số nợ phải trả là hơn 772 tỷ đồng. Từ năm 2011 đến nay, công ty không thanh toán được các khoản nợ lương, nợ bảo hiểm cho người lao động. Công ty không còn khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ yêu cầu.

Trước tình hình trên, giám đốc công ty này đã gửi hồ sơ để TAND tỉnh tuyên bố phá sản DN. Mặc dù đã cung cấp các tài liệu, giấy tờ theo quy định nhưng hơn 1 năm nay, công ty này vẫn chưa được tuyên bố phá sản.

Cùng chung tình trạng chờ “khai tử”, đầu tháng 9-2016, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Minh Anh (ở thị trấn Lai Cách, Cẩm Giàng) gửi hồ sơ phá sản đến TAND huyện Cẩm Giàng. Trong bản giải trình gửi tòa án, ông Nguyễn Ðức Vinh, Giám đốc công ty nêu: Do nhu cầu về vốn, đầu năm 2014, công ty vay 3,5 tỷ đồng của Agribank Cẩm Giàng. Sau đó, công ty làm ăn thua lỗ, hoạt động kinh doanh trì trệ, không có nguồn thu. Từ tháng 2-2016 đến nay, công ty không trả được bất cứ khoản nợ nào. Sau hơn 3 tháng gửi đơn ra tòa, đến nay TAND huyện Cẩm Giàng vẫn chưa mở được thủ tục phá sản DN này.

Nhiều vướng mắc

Ông Nguyễn Văn Chất, Chánh tòa Dân sự TAND tỉnh cho biết: Luật Phá sản năm 2014 đã có hiệu lực 2 năm nay. Tuy nhiên, các quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều khoản của luật chưa có hoặc nếu có thì còn chung chung, gây khó khăn cho ngành tòa án khi áp dụng giải quyết.

Theo quy định, kể từ khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì trong thời hạn 30 ngày, tòa án phải ra quyết định mở hay không mở thủ tục tuyên bố phá sản. Thẩm phán Vũ Thị Mỵ (TAND huyện Cẩm Giàng) cho rằng thời hạn này quá ngắn để giải quyết các thủ tục cần thiết, khó bảo đảm sự khách quan, chính xác đối với các vụ việc phức tạp. DN trong tình trạng phá sản có số nợ rất lớn. Chủ nợ ở nhiều nơi gây khó khăn cho tòa án trong triệu tập mở hội nghị chủ nợ.

Lệ phí phá sản và tạm ứng chi phí phá sản cũng là một trong những khó khăn khi giải quyết án phá sản. Ông Nguyễn Ðình Cầu, Phó Chánh án TAND TP Hải Dương cho biết: “Luật quy định sau 3 ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, TAND dự tính 2 khoản tiền này và yêu cầu người làm đơn nộp. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể gồm những khoản gì và được tính dựa trên cơ sở nào. Ngoài ra, số lượng quản tài viên rất ít. Toàn tỉnh mới có 2 quản tài viên để thực hiện việc quản lý, thanh lý tài sản của DN sau phá sản...

Việc chủ DN làm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, hoặc bị chủ nợ làm đơn yêu cầu tuyên bố phá sản nhưng chưa được “khai tử” hoặc “khai tử” chậm không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của DN, chủ nợ, người lao động mà còn gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước. Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho những DN sản xuất, kinh doanh khó khăn, thua lỗ được ngừng hoạt động đúng luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan thì Nhà nước cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn giúp tòa án có căn cứ áp dụng, giải quyết vụ việc, bảo đảm chính xác, đúng luật.

LAN NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vướng mắc khi giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp