Nhiều trạm y tế xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã trồng vườn thuốc nam mẫu nhưng việc duy trì và sử dụng chưa thực sự hiệu quả.
Vườn thuốc nam mẫu tại Trạm Y tế xã Phú Điền rất ít loại thuốc quý
Nghèo nàn số lượng
Theo tiêu chí khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng và y học cổ truyền, dựa theo khu vực thì vườn thuốc nam mẫu tại trạm y tế các xã, phường, thị trấn ở Hải Dương phải có từ 40 loại cây thuốc trở lên. Các cây thuốc nằm trong 9 nhóm dược liệu theo danh mục của Bộ Y tế ban hành. Mặc dù vậy, vườn thuốc nam mẫu của nhiều trạm còn thiếu khá nhiều loại cây thuốc hoặc không đủ số nhóm cây thuốc theo quy định.
Theo Trung tâm Y tế huyện Gia Lộc, đến nay tất cả 23 trạm y tế xã, thị trấn trong huyện đã xây dựng xong vườn thuốc nam mẫu nhưng nhiều vườn chưa có đủ 40 loại cây thuốc. Sau Trạm Y tế xã Hồng Hưng (Gia Lộc) là vườn thuốc nam mẫu rộng khoảng 120 m2 với khoảng 15 loại cây thuốc như thầu dầu, địa liền, cát căn, cúc tần, chi tử, bạch đồng nữ, kim ngân... Các loại thuốc nam này thuộc nhóm thuốc lợi tiểu, giải nhiệt, kháng sinh... có tác dụng chữa một số bệnh thường gặp về đường hô hấp, tiêu hóa, gan mật... Lý giải về việc thiếu cây thuốc nam, ông Lưu Xuân Việt, quyền Trưởng Trạm Y tế xã Hồng Hưng cho biết: "Vườn thuốc nam mẫu hiện nay của trạm được cải tạo trên nền sân của HTX cũ, dưới lớp cát đen còn rất nhiều gạch đá. Bên cạnh vườn không có đường thoát nước nên hằng năm cứ đến khoảng tháng 7, tháng 8, khi có mưa nhiều là hầu hết cây thuốc nam bị chết. Cán bộ, nhân viên của trạm y tế phải trồng lại vào mùa xuân nên số lượng cây không đủ theo quy định". Trạm Y tế xã Hồng Hưng đã có quy hoạch xây dựng lại từ năm 2016 nhưng xã chưa bố trí được kinh phí nên chưa thể cải tạo, xây mới vườn thuốc nam mẫu.
Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Trường, Trưởng Trạm Y tế xã Phú Điền (Nam Sách), vườn thuốc nam mẫu của trạm rất ít loại thuốc quý. Một số người dân đến xin cây thuốc về sử dụng hoặc nhân giống tại vườn nhà nhưng lại khai thác quá mức làm cho loại cây thuốc đó chỉ còn rất ít trong vườn thuốc nam. Theo quan sát của chúng tôi, tại vườn thuốc nam mẫu của trạm không có các biển đề tên thuốc, công dụng như quy định.
Thiếu y sĩ y học cổ truyền
Hiện nay, "chỉ tiêu cứng" về y sĩ y học cổ truyền trong biên chế y tế xã ở đa số trạm y tế trong toàn tỉnh chưa được thực hiện. Thiếu y sĩ y học cổ truyền đồng nghĩa với việc các trạm xây dựng và duy trì vườn thuốc nam mẫu chủ yếu bằng kinh nghiệm. Công dụng, cách sử dụng từng loại cây thuốc khó phát huy tối đa hiệu quả nếu như các y, bác sĩ không được đào tạo bài bản hoặc nắm vững kiến thức chuyên môn về y học cổ truyền. Ngoài ra, các y, bác sĩ bận nhiều công việc chuyên môn khác nên không có nhiều thời gian dành cho việc chăm sóc vườn cây thuốc. Theo ông Hồ Văn Kỳ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Gia Lộc, nhiều vườn thuốc nam mẫu chưa mang đến hiệu quả cao trong phối hợp điều trị do thiếu trang thiết bị, thiếu đội ngũ cán bộ chuyên khoa y học cổ truyền, trình độ của nhiều cán bộ y tế, nhất là cán bộ trẻ về thuốc nam còn nhiều hạn chế.
Đến nay, toàn tỉnh có 243 trong tổng số 265 trạm y tế có vườn thuốc nam mẫu, chiếm 91,7%. Mặc dù vậy, công tác khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn còn nhiều hạn chế, nhất là việc sử dụng thuốc y học cổ truyền để điều trị cho bệnh nhân. Đa số các xã mới chỉ sử dụng phương pháp châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt không dùng thuốc. Việc Hội Đông y phối hợp với trạm y tế cấp xã trong khám chữa, bệnh bằng y học cổ truyền chưa được thực hiện nhiều. Ngoài ra, chưa có định mức thanh toán các dịch vụ kỹ thuật tại tuyến xã cũng gây khó khăn cho phát triển y học cổ truyền. Việc sử dụng thuốc nam phối hợp trong quá trình điều trị còn hạn chế do nhu cầu của người bệnh về thuốc nam ít. Nhiều người không muốn điều trị bằng thuốc nam vì thời gian điều trị dài, hiệu quả chậm hơn sử dụng thuốc tây.
Để khắc phục tình trạng các vườn thuốc nam mẫu chưa phát huy hiệu quả, các trạm y tế cấp xã cần quan tâm trồng và chăm sóc các vườn thuốc nam mẫu đủ số lượng cây thuốc, nhóm thuốc theo quy định. Tăng cường sử dụng thuốc nam điều trị một số bệnh thông thường có hiệu quả để người dân tin tưởng. Quan tâm củng cố đội ngũ cán bộ, đẩy mạnh việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách sử dụng, trồng và chăm sóc một số cây thuốc thông dụng...
TRANG QUỲNH