Vườn hoa Ông Cõi

16/10/2014 17:28

“Vườn hoa Ông Cõi” nằm giữa ngã tư, nơi giao cắt giữa hai con đường bê-tông rộng 7 mét, chạy dọc ngang làng Vân Hội theo tiêu chí làng văn hóa. Nơi đó còn có cột điện cao áp năm bóng tỏa ánh sáng xanh mát vào ban đêm và cột sắt cao trên 10 mét treo chùm loa phát âm thanh vang vang khắp ngả. Do đó, ngoài cái tên “Vườn hoa Ông Cõi”, người làng còn gọi “Cột đèn Ông Cõi”, “Cụm loa Ông Cõi” tùy theo từng hoàn cảnh. Chẳng hạn, ban ngày, người đi đường hỏi thăm nhà ai đó thì cứ chỉ đến vườn hoa Ông Cõi rẽ phải, rẽ trái… Nếu hỏi đường vào ban đêm thì bảo cứ đến cột đèn Ông Cõi giữa làng rẽ phải, rẽ trái hay đi thẳng chừng bao mét. Bà con làng xóm thì bảo, sáng nay loa sắt nhà Ông Cõi mời phụ nữ đi họp tại nhà văn hóa. Đêm qua, loa nhà Ông Cõi ngâm thơ hay ơi là hay. Thế là đâu chẳng biết, cái tên Ông Cõi được người làng nhắc đến một cách trìu mến. Chẳng bù cho một thời, người ta nhắc đến tên ông Cõi như nhắc đến cái tên đáng ghét của một người bảo thủ, tư lợi đến cạn tình hết nghĩa.

Cách đây mấy năm, vườn hoa Ông Cõi còn là cái khuôn viên rộng gần 2 sào đất với nhà ngang dãy dọc, xoan tre lúp xúp, ao, chuôm... nằm giữa hai con đường làng chạy ngang, dọc cắt nhau, làm khuất tầm nhìn. Đã thế góc các ngôi nhà ông Cõi còn đâm sát mép đường, xe đi đến đó nếu không chậm lại, khéo tay cua sẽ bị xô vào tường gạch xảy ra tai nạn. Đã không ít vụ gãy chân, vỡ xe máy, đổ xe lúa, xe gạch vì tầm nhìn bị che khuất. Chính ông đã từng nhìn thấy vẫn nhắm mắt cho qua.

Kể ra thì mảnh đất đó đúng là đất tổ tiên, cha ông của nhà ông Cõi thật. Cơ ngơi ấy xa xưa nằm giữa làng, nhà ngói cây mít, bề thế giàu sang. “Ruộng giữa đồng, chồng giữa làng” mà, ở cái thế phong thủy "hậu tựa sơn, tiền tụ thủy" mà theo ông kể lại, ngày xưa cụ thượng tổ phải mượn thầy địa lý cao tay về ngắm hướng. Thầy truyền rằng họ hàng nhà ông khá giả nhờ thổ đất "Trạch đắc long xà địa khả cư" này. Nghiệm ra, ông thấy có phần đúng. Chẳng thế mà họ Bùi Bá nhà ông có nhiều người làm quan từ trong triều ra ngoài nội. Bây giờ cũng vậy, con cháu tộc Bùi Bá ngày càng phát đạt đủ ngành nghề, làng có 5 tiến sĩ thì riêng họ ông chiếm 3. Ông Cõi ở miếng đất tổ tiên để lại nên ông phải có trách nhiệm hương khói quanh năm, hưởng phúc lộc tổ tiên để dòng họ sâu nguồn bền gốc, đồng thời phải tổ chức ngày giỗ tổ 20 tháng giêng hằng năm thật long trọng. Thế mà tự nhiên họ đắp đường xuyên vào đất ông, ông không tán thành đổi đất thì họ đắp đường bao quanh, biến khu đất nhà ông như một hòn đảo.

Ngày ấy bao cấp, hợp tác xã thực hiện chương trình cải tạo nông thôn kết hợp với giao thông, thủy lợi mới uốn nắn mấy con ngõ cũ ngoằn ngoèo thành 2 con đường thẳng cắt làng ra làm bốn khu vuông vắn như chiếc bánh chưng và bốn khu được biên chế lại thành bốn xóm. Con đường này thuở ấy mới rộng có 3 mét ngang. Nhưng để có đường thẳng, nhiều hộ tự nguyện nhượng, đổi đất vườn, thậm chí cả khu thổ cư cho hợp tác xã ra ở bìa làng. Ngày ấy cán bộ các đoàn thể cũng đã từng vào ra trăm lượt vận động ông Cõi đổi đất ra ở xóm mới để con đường làng thẳng tắp, thuận lợi cho giao thông và đẹp làng đẹp xóm.

- Bác Cõi ơi, cả làng trên ba chục gia đình đổi, nhượng vườn ao và cả đất ở để nắn con đường giữa làng như bác thấy đấy. Chỉ duy nhất có mình nhà bác là chưa tán thành…
- Các ông đừng có ép tôi nữa, tôi đã nói trăm lần rằng, miếng đất tổ tiên họ Bùi Bá để lại đời đời cho con cháu, đất có sổ sách của Nhà nước chứng nhận hẳn hoi.
- Thì có ai bảo đất của bác là đất vô chủ đâu.

- Thôi, xin các ông, từ mai đừng đến vận động nữa. Tôi còn nghe có đứa nói, nếu ông Cõi không đổi thì cả làng mỗi người một nhát cuốc, chỉ một buổi san bằng. Con cháu tộc Bùi Bá giao cho tôi quản lý, tôi không tự động làm trái. Quá đáng, tôi sẽ đơn từ lên trên, con cháu Bùi Bá cấp nào cũng có cán bộ vai vế đấy…

Từ đấy, khu nhà đất vườn tược nhà ông Cõi chất ngất giữa đường, nào tre xoan, bờ trúc cản trở tầm nhìn, cản trở xe cộ, người đi bộ. Tai nạn gia tăng ngày thêm nặng nề. Cứ thế thời gian trôi qua.

*


Mãi tới gần đây phong trào xây dựng nông thôn mới, hai con đường làng đó được mở rộng và bê-tông hóa rất khang trang. Nhiều hộ tiếp tục hiến đất. Nhưng riêng ông Cõi vẫn từ chối. Dân làng bực bội lời ra tiếng vào chê trách ông ăn ở không biết tình nghĩa làng xóm. Đêm đêm xe qua sau nhà ông kèm theo tiếng quở trách, lúc đầu còn xa, sau thì réo thẳng tên vợ chồng ông ra mà trách, nhất là những người có xe cộ va quệt vì cây cối, vì sự che khuất tầm nhìn của khu đất ở nhà ông. Rồi đất đá chẳng mấy đêm không rào rào vào vườn sân, trên mái nhà ông Cõi.

Sau mấy ngày choáng váng vì vụ tai nạn do cụm tre nhà ông đổ ra đường, đêm đến ông Cõi không sao ngủ nổi. Khi chợp mắt ông lại mơ thấy cảnh thật dữ dội, cảnh máu đỏ khắp đường quanh nhà ông, rồi những đám ma, những tiếng gào khóc thật kinh sợ, rồi cả tiếng vọng của tổ tiên họ Bùi Bá từ trời gọi xuống, ông nghe rõ từng lời: “Địa mạo luôn biến đổi, mảnh đất ấy giờ đã thay đổi, chẳng còn thiêng nữa vì cả bốn đầu đường đâm chọc vào, hãy chuyển đi nơi khác, nếu chậm sẽ gây cho chết người nhiều đấy”.

Bà vợ ông từ giường bên gọi to đánh thức:
- Ông Cõi mơ mộng gì mà hú hét lên thế?
Ông giật mình cảm thấy như có cả trái núi đè nặng lên ngực. Rồi ông thở dốc, lấy lại bình tĩnh kể:
- Tôi thấy những người chết sau nhà la liệt, lại nghe cụ thượng tổ khuyên dời nhà đi nơi khác.
- Tôi cũng mơ như thế, chẳng còn hồn vía.
- Có nhẽ các cụ đã báo mộng cho nhà mình, cứ ở đây là bất ổn, hay là tôi với bà chuyển ra ở miếng đất cạnh nhà thằng cả, bên đường tỉnh, làm mấy gian có chỗ thờ tự.
- Tôi thấy ông tính cũng phải, chỗ đất này ta hiến một phần cho làng, một phần lấy tiền đền bù đủ xây dựng vài gian bên nhà thằng cả. Mà thằng cả chẳng đã nói từ lâu đấy thôi, bố mẹ ra ở với chúng con, nhà ba bốn tầng, dành riêng cho bố mẹ một phòng, một phòng để thờ tự hương án trang nghiêm, hướng quay ra lô đất của bố mẹ cùng mua cách đây vài năm, tha hồ trồng trọt, chăn nuôi. Ngày cúng giỗ tổ tiên, sân trước sân sau nhà con đủ chỗ bắc rạp làm cỗ...
Điều quan trọng này năm ngoái các cụ cao tuổi trong dòng tộc đã biết và bàn rồi, có điều ông Cõi vẫn cứ nấn ná... Nay thì nước đến chân. Ông Cõi nói:

- Đã gần nửa đời người mang tiếng với làng không tình không nghĩa, sống đơn độc, chỉ vì một chút hương hỏa, nay tổ tiên đã báo mộng, các cụ già trong họ, con cả ủng hộ...

Nghĩ đến đó, ông Cõi hăng hái quyết định, không tính toán tiền nong gì hết mà cống cả cho làng...
Hơn một tháng sau, khu đất thổ cư nhà ông Cõi đã biến thành khu công viên trung tâm làng nằm giữa lát cắt hai đường. Khu công viên được xây viền tròn trịa cao hơn mặt đường nửa mét, phía ngoài có thềm bậc lát gạch chống trơn, đất màu được xe về tôn cao, kẻ thành ô hình ngôi sao trồng cây, mặt đất còn lại là loại cỏ màu đỏ, vành sát tường vây là cây xanh. Giữa ngôi sao là cây đèn cao áp 5 bóng. Ông Cõi nhận trách nhiệm trồng tỉa, tưới tắm vun xới...

Trong văn bản gọi khu công viên ấy là "khu vườn hoa trung tâm”, nhưng dân làng thì chẳng ai gọi như vậy, mà lại gọi là “Vườn hoa Ông Cõi”.


NGUYỄN LONG NHIÊM


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vườn hoa Ông Cõi