Kể từ hơn 2 năm nay, một khu vườn ở khu phố La Văn Cầu (thị trấn Nam Sách) đã trở thành nơi trú ngụ của bầy cò.
Từ hơn 2 năm nay vườn cây nhà ông Xuyên đã trở thành nơi trú ngụ, sinh sản của hàng trăm con cò
Giữa đồng bằng, tiếng cò vạc xao xác trong các lùm cây xanh mướt khiến không ít người ngỡ ngàng tưởng như lạc lối vào một cánh rừng rậm rạp... Đất lành cò đếnChủ nhân của khu vườn này chính là ông Lê Văn Xuyên. Ông Xuyên chuyên kinh doanh nội thất trường học nhưng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến thiên nhiên. Ông kể, ngay từ khi còn trong quân ngũ đã luôn mong muốn khi về nghỉ sẽ có được một khu vườn rộng rãi để trồng cây, đào ao thả cá... Đến năm 2013, ước muốn đã trở thành hiện thực sau khi ông bỏ ra hơn 3 tỷ đồng mua đất của các hộ dân xung quanh để lập một khu vườn rộng 1 ha. Khu vườn này trước đây chỉ là vùng bãi rộng lớn ở giữa có nhiều cây si, cây sanh mọc um tùm. Khi bắt tay vào cải tạo ông phải tốn nhiều thời gian, tiền của và công sức. Trong quá trình cải tạo, ông Xuyên giữ lại toàn bộ cây sanh cổ thụ, khu vực chính giữa ông đào ao thả cá, xung quanh trồng nhiều cây xanh, đặc biệt là cây ăn quả như bưởi, cam và trồng cây keo lá chàm.
"Chuyện tôi gắn bó với đàn cò giống như mối lương duyên kỳ ngộ vậy. Bắt đầu vào một buổi sáng, sau khi thức dậy tôi thấy từng đàn cò trắng đậu chi chít trong vườn nhà. Tiếng kêu nháo nhác của chúng hệt như thông báo cho nhau đã tìm được nơi ở mới, nghe rất lạ". Trong khi ông Xuyên ngạc nhiên thì vợ ông lại tỏ ra lo lắng và cho rằng đó là điềm gở. Nhiều người còn chỉ ông cách dùng bả để bẫy cò. Nhưng ông lại nghĩ khác, có lẽ do đất lành nên đàn cò mới chọn khu vườn của gia đình ông làm bến đỗ. Suy nghĩ thế nên ông đã bàn với vợ không xua đuổi mà phải bảo vệ đàn cò.
Rồi ngay sáng hôm sau, sáng những ngày sau nữa, đàn cò lại đến đông hơn. Dường như ngày đầu chúng đến "thám thính" khu vườn rồi mới thông báo cho đồng loại bay về. Bẵng đi một thời gian, đàn cò sinh sôi nảy nở đông đúc trong cả khu vườn trồng cây sanh, cây thế. Số lượng cò lên tới hàng trăm con. Vào buổi sớm tinh mơ, cò đậu trắng phau trên cây như cây sứ trắng trổ bông. Môi trường tự nhiên thuận lợi đã tạo điều kiện cho chúng sinh sôi nảy nở, vì thế qua mỗi năm, lượng cò tìm về đây trú ngụ và sinh sản càng đông hơn.
Để chăm sóc đàn cò phát triển như hiện nay, ông Xuyên đã đầu tư không ít công sức. Nhằm tạo chỗ trú ngụ tốt nhất cho đàn cò, ông Xuyên đã trồng thêm các loài cây có tán rộng để chúng làm tổ. Qua tìm hiểu thông tin trên mạng, ông biết tập tính của loài cò thích ngủ ở chỗ rậm rạp như bụi tre, bụi nứa nên ông đã trồng cây xanh xen kẽ tre nứa. Ông còn bố trí thêm khu vực thả cá đan xen để tạo không gian phù hợp cho đàn cò. Xung quanh ao cá, ông Xuyên lắp đặt hệ thống tưới nước tự động để khu vườn ngày càng xanh tốt. Những ngày nắng nóng, khi nước trong ao cạn hơn, ông lại phải bơm vào để đàn cò có chỗ kiếm ăn. Phần lớn thời gian trong ngày tiếp xúc với các loại cò nên ông Xuyên ngày càng hiểu đặc tính của chúng. Ông bảo cò ốc rất nhát nên chúng thường đi theo từng đàn, ngược lại cò cá thì dạn hơn, chúng thường ngủ ở rìa vườn sau đó tự kiếm ăn một mình. Cò quắm thân hình cao to, thường xuyên kiếm ăn ở những ao cá rộng nên là đối tượng bị săn bắn rất nhiều. Ông cho biết, mỗi lần đi ăn đêm gặp mưa bão phải bay về là đám cò đói kêu nhao nhác cả đêm. Có những con bị đuối sức vì gặp mưa gió rơi xuống đất. Những đêm như thế trằn trọc không sao ngủ được ông lại phải soi đèn khắp khu vườn, lần hồi từng bụi cây tìm cò con bị rơi rồi gom vào đốt lửa lên sưởi ấm, sáng hôm sau mới mang chúng về các tổ. "Thậm chí, có nhiều lần cò bị thương vì trúng đạn, tôi phải gác việc kinh doanh lại để tìm mua thuốc về chữa. Cò bị thương phải cả tuần sau mới có thể lành lặn, khi đó tôi mới thả nó về với đàn", ông Xuyên nói.
Người xây - kẻ pháTrong khi gia đình ông Xuyên quyết tâm bảo vệ thì đàn cò lại đang có dấu hiệu mai một do nạn săn bắn. Theo ông Xuyên, thời gian gần đây số lượng cò về vườn trú ngụ và sinh sản đã giảm. Đối tượng săn bắn chuyên nghiệp thường mang theo súng hơi, súng hoa cải bắn cò khi chúng ra các cánh đồng lân cận kiếm ăn. Ngoài ra, một số người cắm que tre, tẩm nhựa thông ở những vùng bãi hay bờ ruộng rồi buộc một vài con cò mồi để dụ cò hoang dã vào dính bẫy. Thậm chí, nhiều người còn dùng bả, dùng bẫy lưới... để bẫy cò rồi bán lại cho các nhà hàng. Ông Xuyên kể: "Nhiều lần nghe thấy tiếng súng, đàn cò hoảng loạn, nháo nhác bay. Tôi để ý có con vì sợ hãi, cứ đậu trên cây vài ngày sau đó mới dám đi kiếm ăn. Có hôm nửa đêm đang ngủ bỗng nghe đàn cò kêu nháo nhác, đoán là có người trộm cò tôi liền chạy ra vườn kiểm tra thì phát hiện có người đang bắt cò. Từ đó trở đi, lo sợ đàn cò sẽ bay đi mất, mỗi đêm tôi phải cắt cử công nhân trông coi và bảo vệ".
Trên diện tích hơn 1 ha ông Xuyên đã trồng thêm nhiều cây cối để cò trú ngụ
Để bảo vệ đàn cò tiếp tục sinh sôi, phát triển, ông Xuyên cho biết sẽ lắp đặt hệ thống camera giám sát. Ông hy vọng đây sẽ trở thành địa chỉ tham quan, học tập, tìm hiểu thiên nhiên cho các em học sinh, sinh viên. Qua đó giúp các em có thêm ý thức bảo vệ môi trường. Ông Xuyên cũng mong muốn các nhà khoa học khảo sát, nghiên cứu về những loài chim trong vườn nhà để ông có thêm kiến thức chăm sóc, bảo vệ chúng. Ông Nguyễn Hữu Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Nam Sách cho biết, địa phương chưa nắm được thông tin về đàn cò ở vườn nhà ông Xuyên. Nếu thực tế như vậy thì chính quyền địa phương và người dân sẽ có biện pháp bảo vệ đàn cò.
ÁI LIÊN