Lần này cò lại về trên một vườn cây tại xã Vĩnh Hòa. Đó là vườn cây của nhà giáo Hà Văn Thể.
Khách tham quan nước ngoài đã biết đến vườn cò ở xã Vĩnh Hòa
Hơn 20 năm trước Ninh Giang đã có đảo Cò ở thôn Bồng Lai, xã Ninh Hải. Đảo Cò ấy chỉ là một gò đất có cây sum suê giữa một hồ nhỏ. Cạnh hồ là chợ quê. Xung quanh hồ có các cửa hàng mở nhạc suốt ngày đêm. Vì thế, đàn cò vạc tới cả trăm con chỉ ở được vài ngày rồi lại bay đi. Sau đó chúng về lại mấy lần nhưng đều không ở lâu được.
Lần này cò lại về trên một vườn cây tại xã Vĩnh Hòa. Đó là vườn cây của nhà giáo Hà Văn Thể. Ở đây có nhiều loại cây nhưng phần lớn là xoan đào, xen kẽ keo, vải, nhãn, chuối, chanh, khế... rộng gần 4 mẫu. Do đất vườn là đất phù sa, luôn ẩm ướt nên cây xoan đào mới trồng được 4 năm đã xanh tốt và vươn cao tới 15 m. Xoan đào với nhiều cành chà chạnh là môi trường lý tưởng cho cò đến làm tổ chi chít. Do lứa cò non mới đẻ đã đi kiếm ăn theo đàn nên thỉnh thoảng mới gặp một tổ có cò mẹ còn đang ấp trứng.
Điều lạ là đàn cò mới về đây chỉ hơn 6 tháng nhưng đến là làm tổ, đẻ trứng và nuôi con ngay. Trong khi ở đảo Cò Chi Lăng Nam (Thanh Miện) dù được trồng cây, chăm sóc nhưng phải hơn 5 năm cò mới chịu làm tổ và sinh đẻ. Thực tế này chứng tỏ vườn xoan đào ở đây được cò ưa thích vì cây dễ làm tổ, tán lá sum suê nên dễ tránh được kẻ thù. Nhưng quan trọng nhất xung quanh vườn cây là cánh đồng chiêm trũng ven sông luôn ngập nước, có nhiều tôm, tép, cua, ốc, ếch, nhái... thức ăn ưa thích của cò. Đàn cò này có thể đang sinh đẻ ở một nơi nào đó không xa, do chấn động về môi trường nên đã chọn nơi này để sinh đẻ ngay, điều rất hiếm xảy ra ở những nơi khác.
Tổ cò trên cây
Khoảng 5 giờ chiều, từ khoảng trời trống trên tán cây đã thấy lác đác cò kiếm ăn tìm về. Chúng tôi vội ra xa khu vườn để quan sát. Chúng về từng đàn, mỗi đàn vài chục con. Đàn này tiếp đàn khác ẩn mình trong tán lá cây yên tĩnh và kín đáo nhìn không thấy nữa. Hôm về nghiên cứu chúng tôi gặp vợ chồng người Na Uy đến trải nghiệm và chụp ảnh. Điều ngạc nhiên là người dân quanh vùng chưa biết vườn cò này mà người nước ngoài đã biết để đến.
Để bảo vệ vườn cò và thu hút ngày càng nhiều cò về làm tổ, chính quyền địa phương cần ngăn cấm người dân đến lấy trứng, bắt cò non và săn bắn cò trưởng thành. Chủ vườn và khách tham quan tránh đi xuyên vào vườn, nên thiết kế đường đi xung quanh khu vườn. Cò đẻ trứng là dấu hiệu chúng đã chọn được chỗ thích hợp. Nhưng để chúng ở lại thì cần thu hút vạc về nữa. Hai loài này "cộng sinh" về chỗ ở. Vạc trông coi chỗ ở ban ngày, chờ cò về mới đi kiếm ăn vào ban đêm. Ban ngày khu vườn phải yên tĩnh thì vạc mới chịu về.
Do là vườn cây ở trên cạn nên nơi này cần định hướng trở thành một vườn chim, nghĩa là ngoài cò vạc ra, còn có các loài chim khác như cuốc, chào mào, chích chòe, chèo bẻo, khuyên, chim chích, chim sẻ...
Xuất hiện vườn cò ở Vĩnh Hòa là điều đáng mừng. Nhưng để trở thành một vườn chim đúng nghĩa, có thể khai thác cho tham quan du lịch, trải nghiệm khoa học thì trước mắt cần vừa bảo vệ, vừa tôn tạo theo các gợi ý ở trên.
NGUYỄN VĂN KHANG