Cần nhiều hơn nữa sự thay đổi quyết liệt, nâng tầm chất lượng, kiên quyết xóa đi mảng màu xám không đáng có trong bức tranh giáo dục nước nhà.
Liên tiếp những cơn mưa huy chương của đoàn học sinh Việt Nam giành được tại cuộc thi Olympic quốc tế đã làm cho bức tranh giáo dục bớt ảm đạm vì vụ gian lận điểm tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở hai tỉnh Hà Giang, Sơn La.
Ở tất cả các môn: toán, sinh, vật lý, hóa học, toàn bộ học sinh Việt Nam tham gia đều giành huy chương với tổng cộng 7 huy chương vàng, 7 huy chương bạc, 5 huy chương đồng. Điểm thi của các thí sinh Việt Nam đoạt huy chương đều xếp thứ hạng cao. Đặc biệt, em Nguyễn Phương Thảo (lớp 12, Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) đạt tổng điểm cao nhất cuộc thi ở môn sinh học trên tổng số 261 thí sinh và được tôn vinh là "Người chiến thắng" (The first winner). Em Phạm Đức Anh (lớp 12, Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) lần thứ hai giành huy chthứ hai giành huy chương vàng tại kỳ thi Olympic hóa học quốc tế.
Đóng góp vào thành tích đáng tự hào ấy có 1 học sinh của Hải Dương – em Hoàng Văn Đông (lớp 12, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi). Đây cũng là tấm huy chương bạc Olympic đầu tiên ở môn sinh học mà học sinh Hải Dương giành được.
Đón nhận những tấm huy chương của đoàn học sinh nước nhà chiến thắng trở về, ai cũng hiểu đó là công sức, nỗ lực lớn của thầy và trò các đội tuyển. Lớn hơn cả, đó chắc chắn là những tấm huy chương của sự thật thà, nghiêm túc. Nghiêm túc vì đó là thành quả của sự miệt mài, niềm say mê với môn học yêu thích và cả những khát khao cháy bỏng của các em trên con đường học tập. Đó là khát khao đổi màu chiếc huy chương Olympic hóa học quốc tế mà người anh ruột từng đoạt của em Phạm Đức Anh; là mong muốn cao đẹp được trở thành nhà nghiên cứu về dược học để bào chế ra nhiều loại vaccine phòng bệnh của em Hoàng Văn Đông. Cũng chính Đông đã bảo lưu học bổng của các trường nước ngoài để học 1 năm trong nước với mục đích rèn luyện khả năng tiếng Anh. Hành động nhỏ nhưng rất đáng khâm phục vì em thành thực với chính mình, biết rõ mình đang đứng ở đâu, còn yếu điểm nào để tự khắc phục. Sự thành thực này không có được ở những phụ huynh, học sinh, cán bộ vi phạm trong vụ việc gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La vừa qua.
Có người cho rằng việc người lớn can dự, chỉnh sửa điểm thi chính là làm hại đến tương lai của các em, rằng các em là nạn nhân… Nhưng điều đáng buồn là trong số các em được nâng điểm, có em còn tự tin chia sẻ về kinh nghiệm làm bài thi được “điểm cao” của mình. Phải chăng các em - những học sinh biết rõ kết quả "ảo" mà mình có được từ sự gian dối đã thỏa mãn với số điểm giả ấy, ngang nhiên coi đó là công sức, sự nỗ lực của mình. Đáng lo là chính các em đã thỏa hiệp, hãnh diện với sự sắp đặt của người lớn, đồng lòng gian dối che đậy sự yếu kém của mình. Đây mới là hệ lụy đáng sợ.
Chúng ta đã có những học sinh không thua kém bạn bè quốc tế. Nhưng giáo dục đang còn quá nhiều lỗ hổng với việc “đào tạo” ra một bộ phận học sinh thiếu ý chí phấn đấu, coi thường tri thức, thiếu trung thực. Cần nhiều hơn nữa sự thay đổi quyết liệt, nâng tầm chất lượng, kiên quyết xóa đi mảng màu xám không đáng có trong bức tranh giáo dục nước nhà.
NGUYÊN THẢO