Vựa rau Kim Thành lúng túng tiêu úng nội đồng

18/06/2017 06:11

Hệ thống thủy lợi không theo kịp yêu cầu sản xuất là nguyên nhân khiến các xã khu C (Kim Thành) gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu úng nội đồng.



Sản xuất rau màu ở khu C gặp khó vì tiêu úng hạn chế


Là vùng sản xuất rau màu tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng nông dân khu C luôn phải đối mặt với nguy cơ xảy ra ngập úng trong mùa mưa bão. Ông Trần Văn Xuyên ở thôn 2 (xã Bình Dân) cho biết:"Khác với cấy lúa, trồng rau màu phải điều tiết nước hợp lý. Khô hạn hay ngập úng trong thời gian ngắn đều ảnh hưởng đến cây trồng nhưng chúng tôi lo nhất tình trạng ngập úng kéo dài khi có mưa lớn. Nhiều vụ, gia đình tôi mất trắng 5 sào dưa hấu vì mưa lớn, nước thoát không kịp, cây chết".

Mặc dù đã chủ động chuyển đổi cây trồng và đầu tư máy bơm để tiêu thoát nước khi úng ngậpxảy ra nhưng gia đình bà Đồng Thị Giàng ở thôn Hưng Hòa (xã Liên Hòa) vẫn đứng ngồi không yên mỗi khi có mưa lớn. "Trước đây, gia đình tôi trồng dưa lê, dưa hấu nhưng thu thì ít mà nhổ bỏ thì nhiều vì giống cây này rễ yếu, không ưa nước.Trong khi đó, ruộng cứ mưa là ngập do xã không có trạm bơm tiêu úng mà chủ yếu thoát nước qua cống kênh Vàng", bà Giàng phân trần.

Khu C của huyện Kim Thành gồm các xã Cẩm La, Đồng Gia, Liên Hòa, Tam Kỳ... với diện tích đất canh tác hơn 2.400 ha. Sản xuất rau màu đã trở thành thế mạnh của vùng này từ hàng chục năm nay. Nông dân khu C có khả năng thâm canh tốt, giá trị kinh tế từ sản xuất nông nghiệp rất lớn. Tuy nhiên, quy mô sản xuất càng nhiều thì rủi ro càng lớn vì khả năng khắc phục ngập úng, bảo vệ rau màu ở đây còn nhiều hạn chế.


Các xã khu C chủ yếu tiêu úng tự chảy qua hệ thống An Kim Hải và cống qua đê


Việc tiêu úng bị động, chủ yếu tự chảy qua hệ thống An Kim Hải và cống qua đê khiến tình trạng úng ngập kéo dài, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp của bà con. Ông Phạm Ngọc Khánh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Tam Kỳcho biếtmuốn sản xuất rau màu hiệu quả phải bảo đảm tiêu úng thuận lợi. Tuy có lợi thế hơn các địa phương khác vì nằm cạnh hệ thống An Kim Hải, việc thoát nước dễ dàng hơn nhưng không thể chủ quan. HTX làm thủy lợi thường xuyên chứ không làm định kỳ để dòng chảy được lưu thông, ứng phó kịp thời khi xảy ra mưa úng, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế. Để người dân yên tâm sản xuất, chính quyền phải đầu tư hạ tầng thủy lợi đồng bộ, chủ động trong việc tiêu thoát úng.

Theo ông Trần Duy Chinh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, trước kia, hệ thống thủy lợi ở khu C được xây dựng chủ yếu phục vụ gieo cấy lúa. Khi chuyển đổi cây trồng, hạ tầng thủy lợi không đáp ứng được yêu cầu, thậm chí bộc lộ nhiều bất cập. Năm 2009, UBND tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp vốn xây dựng trạm bơm tiêu Liên Hòa để chủ động tiêu úng cho các xã khu C nhưng do nguồn vốn lớn nên công trình vẫn chưa được triển khai, chủ yếu đầu tư chắp vá nên hiệu quả không cao. "Trước mắt, các địa phương cần quan tâm nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy để hạn chế thiệt hại do mưa lớn gây ra", ông Chinh khuyến cáo.

PV



(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vựa rau Kim Thành lúng túng tiêu úng nội đồng