Theo các luật sư, người phụ nữ không có giấy phép lái xe, sử dụng điện thoại livestream khi cầm lái gây tai nạn chết có thể phải đối mặt với mức án 10 năm tù.
Mới đây, tại Lâm Đồng, một người phụ nữ vừa lái xe ô tô vừa livestream đã gây tai nạn dẫn đến chết người.
Tại thời điểm xảy ra sự việc, nữ tài xế đã thực hiện 2 hành vi trái pháp luật. Thứ nhất, sử dụng điện thoại khi lái xe. Thứ hai, không có giấy phép lái xe nhưng vẫn điều khiển phương tiện gây hậu quả nghiêm trọng.
Đối với những vi phạm kể trên, luật sư Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Công ty luật An Hoàng Gia (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, người phụ nữ trên đối mặt với mức phạt về hành chính và hình sự. Điều này được pháp luật hiện hành quy định khá rõ.
Về chế tài xử lý vi phạm hành chính, theo luật sư Hải, hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe là một trong những hành vi tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao. Bởi khi sử dụng điện thoại, người điều khiển giao thông không thể tập trung lái xe dẫn đến việc thiếu chú ý quan sát, không thể làm chủ được tốc độ, xử lý tình huống không tốt và nguy cơ gây ra tai nạn.
Điểm a Khoản 4 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng với người điều khiển xe dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường".
Vụ tai nạn xảy ra ở Lâm Đông ngày 12.5
Bên cạnh đó, tại Điểm b, c Khoản 11 Điều 5 của Nghị định này, người điều khiển xe ô tô khi vi phạm lỗi này còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 – 3 tháng, 2 - 4 tháng nếu gây ra tai nạn giao thông.
Hai là, đối với hành vi không có giấy phép lái xe khi tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng (điểm b khoản 8 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP). Ngoài ra, người lái xe còn bị tạm giữ phương tiện đến 7 ngày trước khi ra quyết định xử phạt.
Về chế tài hình sự, luật sư Nguyễn Thanh Hải cho rằng, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì người lái xe phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017.
Cụ thể, Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau: Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ làm chết 1 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100 đến dưới 500 triệu đồng.
Nếu thuộc một trong các trường hợp trên thì bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.
Đáng chú ý, cũng tại Điều 260 Bộ luật Hình sự, nếu người phạm tội mà không có giấy phép lái xe thì bị phạt tù từ 3 - 10 năm.
"Như vậy, người phụ nữ vừa lái xe ô tô vừa livestream đã gây tai nạn dẫn đến chết người có thể phải đối mặt với mức án cao nhất lên tới 10 năm tù", ông Hải chia sẻ.
Theo Vietnamnet