Kinh tế

"Vụ vàng" lắm âu lo

TH 14/09/2023 11:00

Cây vụ đông sớm thường mang lại giá trị kinh tế cao hơn các vụ khác trong năm. Nông dân nhiều vùng vẫn chí thú với cây vụ đông sớm.

00:00

vuvangloau_1.jpg
Nông dân xã Phạm Trấn (Gia Lộc) tranh thủ thời tiết thuận lợi để trồng cây vụ đông sớm

Vụ sản xuất "vàng"

Bất chấp cái nắng oi bức, ông Phùng Danh Mừng và Nguyễn Anh Thư, 2 vị cán bộ già của Hợp tác xã Tân Minh Đức vẫn rong ruổi khắp cánh đồng để kiểm tra tiến độ trồng cây vụ đông sớm của xã Phạm Trấn (Gia Lộc). Ở vùng đất quanh năm chỉ trồng rau màu này thì cây vụ đông sớm được nông dân coi như vụ sản xuất "vàng" trong năm.

Những ngày đầu sản xuất vụ đông, không khí làm đồng rất náo nhiệt. Máy cày, máy làm đất được huy động tối đa, nông dân hối hả lao động. Ngoài diện tích sản xuất quanh năm trong nhà màng, Hợp tác xã Tân Minh Đức còn có 37 ha đất sản xuất ngoài cánh đồng. Ngay từ cuối tháng 8, hợp tác xã đã bắt đầu trồng cây vụ đông cực sớm. Đến ngày 10/9, các thành viên hợp tác xã đã trồng khoảng 1/3 diện tích. Dự kiến hết tháng 9, toàn bộ diện tích cây vụ đông sớm sẽ được trồng xong. Hiện trà rau sớm nhất đã được khoảng 20 ngày, cây đã bắt đầu bén rễ và lên xanh tốt.

Ông Nguyễn Anh Thư, Phó Giám đốc Hợp tác xã Tân Minh Đức chỉ vào những thửa ruộng cỏ mọc xanh và nói: "Những người không biết sẽ bảo đây là ruộng bị bỏ hoang nhưng thực ra không phải vậy. Quỹ đất trồng vụ đông sớm không nhiều nên nếu cấy vụ lúa mùa sẽ không kịp giải phóng đất để trồng cây vụ đông cực sớm nên nông dân bỏ vụ lúa để kịp sản xuất. Đây cũng là một trong những biện pháp xử lý đất mà nhiều người dân trong xã đang thực hiện".

Tân Minh Đức là một trong những đơn vị đi đầu trong sản xuất cây vụ đông sớm ở Hải Dương. Không chỉ có nhiệm vụ cung ứng rau cho các đầu mối lớn mà hợp tác xã này còn là đối tác tin cậy của hệ thống siêu thị Big C (nay đổi tên thành GO) toàn miền Bắc. Vào thời vụ, trung bình mỗi ngày, 3 - 5 tấn rau an toàn của hợp tác xã được tiêu thụ tại siêu thị với giá sản phẩm tăng 15-20% so với thị trường. Ngoài việc bảo đảm diện tích trồng cây vụ đông sớm thì chất lượng cây trồng cũng là một trong những ưu tiên của hợp tác xã. Toàn bộ diện tích của hợp tác xã đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nếu canh tác thuận lợi, mỗi sào trồng rau người dân có thể thu lãi từ 8 - 10 triệu đồng.

Rời xã Phạm Trấn, qua cầu Đáy sang xã Lê Lợi, một trong những vùng trồng cây vụ đông sớm trọng điểm của huyện Gia Lộc, không khí sản xuất cũng sôi động không kém. Chỉ độ nửa tháng nữa, cây vụ đông sớm sẽ phủ kín cánh đồng nơi đây.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cây vụ đông cực sớm thường trồng từ khoảng giữa tháng 8 đến hết tháng 9. Đến ngày 10/9, nông dân Hải Dương đã trồng trên 2.000 ha cây vụ đông sớm gồm cải bắp, su lơ, su hào, rau ăn lá. Do quỹ đất sản xuất cây vụ đông sớm không nhiều nên chỉ được trồng chủ yếu ở các vùng rau màu vụ hè thu.

Băn khoăn, lo lắng

Hằng năm, nông dân ở Hải Dương thường trồng khoảng 4.000 ha cây vụ đông sớm. Cây vụ đông sớm thường mang lại giá trị kinh tế cao nhưng có nhiều rủi ro. Những năm trước, thời điểm gieo trồng cây vụ đông sớm thường có mưa lớn kéo dài làm gián đoạn sản xuất. Có những đợt nông dân phải trồng lại 2 – 3 lần do bị mưa úng. Còn năm nay thì khác, sản xuất vẫn thuận lợi. Dù vậy, người dân cũng cần chuẩn bị chu đáo để tránh những diễn biến khó lường của thời tiết và biến động của thị trường.

W_leloi.jpg
Chuẩn bị rau giống chất lượng, chịu nhiệt luôn là một trong những ưu tiên của nông dân khi trồng cây vụ đông sớm

Dù có kinh nghiệm trong sản xuất cây vụ đông sớm nhưng ông Nguyễn Anh Thư không khỏi lo lắng bởi những diễn biến thất thường của thời tiết và thị trường mấy năm gần đây. Ông Thư chia sẻ: “Vụ đông sớm năm trước, thời tiết bất thường nên cây cải bắp bị bệnh thối nhũn. Năng suất rau giảm, giá cũng thấp nên nông dân không có lãi. Năm nay thay vì chỉ tập trung vào cây su hào, cải bắp như trước thì Hợp tác xã Tân Minh Đức trồng thêm bầu, bí, mướp để đa dạng cây trồng và có thể thu hoạch rải vụ. Những cây này tuy khó trồng, mất nhiều công chăm sóc nhưng dễ tiêu thụ, giá bán thường cao nên nông dân có lãi lớn. Ngoài đa dạng cây trồng, hợp tác xã hướng dẫn các thành viên làm khung nilon để bảo vệ cây trồng, tránh những tác động trực tiếp của thời tiết”.

Băn khoăn, lo lắng cũng là tâm lý chung của nhiều hộ nông dân khi làm vụ đông sớm. Với nhiều nông dân thì vụ sản xuất này như là "canh bạc" với trời, năm được, năm mất. Vụ này, bà Nguyễn Thị Miến ở thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) trồng hơn 1 mẫu cây vụ đông sớm. Nếu thời tiết ủng hộ thì khoảng 10 ngày nhà bà sẽ gieo trồng xong. "Thông thường vụ đông sớm cho lãi cao nhưng sản xuất thường khó khăn bởi thời điểm giao mùa hay xảy ra mưa lớn. Ruộng su hào này trồng vào thời điểm nắng gắt nên cây héo rũ, táp lá. Mỗi sào trồng cây vụ đông sớm chi phí từ 3,5 - 4 triệu đồng. Nếu không chăm sóc kỹ thì nông dân chịu lỗ là điều đương nhiên”, bà Miến nói.

Hải Dương luôn là tỉnh đi đầu trong các tỉnh phía Bắc về sản xuất cây vụ đông, đặc biệt là cây vụ đông sớm. Theo ông Lê Thái Nghiệp, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, với những loại cây như su hào, cải bắp... nông dân có thể tranh thủ trồng lách thời vụ ngay từ giữa tháng 8 để thu hoạch sớm bởi những loại cây này khó canh tác nên nông dân ở các tỉnh khác ít trồng. Do thời tiết đầu vụ thường xảy ra mưa úng, nông dân cần đẩy nhanh tiến độ trồng cây vụ đông sớm; có những biện pháp chăm sóc và bảo vệ rau màu để hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra.

TH
(0) Bình luận
"Vụ vàng" lắm âu lo