Vụ vải năm nay, giá bán cao, tiêu thụ thuận lợi, thị trường xuất khẩu mở rộng đã giúp nông dân Hải Dương thêm gắn bó với cây trồng này.
Nông dân phấn khởi vì vụ vải sớm năm nay vừa được mùa, được giá
Giá cao kỷ lụcMùa vải sớm kết thúc, ông Nguyễn Văn Đệnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Bính hào hứng khoe: "Chưa năm nào vải sớm bán được giá cao như năm nay. Giá vải sớm tăng gấp đôi so với những năm trước. Có thời điểm giá vải u trứng tại vườn lên đến 60.000-70.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay. Tiểu thương phải đặt cọc trước nếu không sẽ khó có vải để mua. Nhờ vụ vải này mà nhiều gia đình trong xã có tiền xây nhà, sắm xe mới".
Toàn tỉnh hiện có gần 2.000 ha vải sớm, tập trung chủ yếu ở huyện Thanh Hà. Do thời tiết thuận lợi nên năm nay vải sớm không những đạt sản lượng cao mà chất lượng cũng khá tốt. Ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Rồng Đỏ cho biết: “Do vải sớm Hải Dương có chất lượng tốt nên chúng tôi đã thu mua để xuất khẩu sang thị trường Australia. Đây là lần đầu tiên vải sớm Hải Dương được xuất sang nước này. Mặc dù mới tiếp cận thị trường Australia nhưng vải sớm của tỉnh đã được người dân nơi đây đón nhận và đánh giá cao hơn so với vải của các nước khác".
Theo đánh giá của Sở Công thương, năm nay, vải tươi Hải Dương xuất khẩu có giá cao hơn từ 20-30% so với vải của các nước khác.
Mặc dù sản lượng không cao nhưng năm nay vải thiều Hải Dương tiếp tục được tiêu thụ tốt với giá khá cao từ đầu tới cuối vụ. Bà Phạm Thị Thủy ở thôn Đa Khê, xã Thanh Khê (Thanh Hà) cho biết: "Sản lượng vải được thu hoạch chỉ bằng 1/3 so với năm ngoái nhưng do giá bán cao nên thu nhập từ vải thiều của gia đình tôi vụ này tốt hơn nhiều so với những năm trước. Thời điểm thu hoạch rộ, vải vẫn giữ được giá hơn 20.000 đồng/kg".
Theo nhận định của các doanh nghiệp thu mua vải, tại các thị trường Australia, Pháp, Singapore, Canada, quả vải Hải Dương có giá cao hơn từ 10 - 20% so với năm trước. Ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc Sở Công thương cho rằng vụ vải năm 2017 đã đạt được những kết quả đáng mừng. Trà vải sớm vừa được mùa lại được giá. Còn vải thiều do mất mùa, sản lượng sụt giảm nhiều nhưng ngược lại giá bán lại cao. Khâu tiêu thụ vải cũng khá thuận lợi.
Khắc phục những hạn chếMặc dù vụ vải năm nay được đánh giá thành công nhưng vẫn còn một số hạn chế cần được các cơ quan chức năng và địa phương trong tỉnh nghiên cứu rút kinh nghiệm. Theo đại diện Công ty TNHH Agricare Việt Nam, vải thiều Hải Dương chất lượng tốt nhưng lại không đồng đều. Mỗi lần thu hoạch vải để chiếu xạ xuất khẩu phải loại bỏ đi khá nhiều.
Năm nay, vải sớm được mùa, chất lượng tốt nhưng sản lượng xuất khẩu lại chưa được nhiều. Nguyên nhân chủ yếu do vùng sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP ở Thanh Hà còn ít. Đặc biệt, tỉnh vẫn chưa xây dựng được mô hình trồng vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Vì vậy, vải sớm đã bỏ lỡ cơ hội xuất sang EU và nhiều thị trường tiềm năng khác. Ngoài ra, giá vải thiều khá cao nên nhiều doanh nghiệp cũng “chùn bước”, không mạnh dạn thu mua và xuất khẩu như những năm trước.
Vải năm nay tiêu thụ thuận lợi
Theo Sở Công thương, năm nay có tới 80% sản lượng vải được xuất sang thị trường Trung Quốc. Điều này cho thấy quả vải Hải Dương vẫn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường này. Mặc dù công tác xúc tiến thương mại, quảng bá vải tươi cũng như sản phẩm được chế biến từ vải đã được các địa phương và cơ quan chức năng triển khai sớm, song chưa sôi động. Nếu như những năm trước Sở Công thương và các ngành liên quan của tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình xúc tiến thương mại, tiêu thụ vải từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến các tỉnh phía Nam thì năm nay gần như không làm được. Lễ hội trái cây và nhiều hoạt động xúc tiến thương mại khác dự kiến sẽ được thực hiện nhân mùa thu hoạch vải cũng không được tổ chức. Ông Phạm Văn Hanh ở khu 4, phường Việt Hòa (TP Hải Dương) thắc mắc: “Tôi xem ti vi thấy hay nhắc đến vải Bắc Giang mà không nói gì đến vải Hải Dương. Không thể đổ lỗi cho việc mất mùa mà hạn chế quảng bá được. Nếu làm như vậy vải Thanh Hà rất dễ bị mất thương hiệu”.
Để chuẩn bị cho vụ vải tới, ngay lúc này các cấp, các ngành trong tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân giữ vững diện tích vải hiện có. Các cơ quan chuyên môn tích cực hướng dẫn nông dân chăm sóc cây vải. Đặc biệt, huyện Thanh Hà cần nghiên cứu mở rộng vùng vải theo hướng VietGAP và xây dựng vùng vải sớm chuẩn GlobalGAP để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Các địa phương mở rộng thị trường tiêu thụ, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc để hạn chế rủi ro. Tỉnh cũng cần tiếp tục tìm giải pháp để xuất khẩu vải sang Mỹ. Bởi đây là thị trường khó tính nhưng nếu xuất sang nước này vải Hải Dương sẽ được nâng tầm thương hiệu.
HẢI NGUYÊN
Theo Sở Công thương, năm nay sản lượng vải toàn tỉnh ước đạt 32.000 tấn, giảm hơn 16% so với năm 2016, trong đó vải sớm chiếm khoảng 58-59% sản lượng, vải thiều chiếm khoảng 41-42%. Riêng sản lượng vải thiều ước giảm khoảng 30% so với năm 2016. Toàn tỉnh đã xuất khẩu được hơn 10.500 tấn vải. Trong đó, hơn 80% lượng vải được xuất sang Trung Quốc, còn lại xuất sang 5 thị trường khác là Australia, Pháp, Canada, Singapore, Hàn Quốc. Năm nay, duy nhất có Công ty CP Giống cây trồng Kiên Giang cấp đông 80 tấn vải xuất khẩu sang Hàn Quốc. Các doanh nghiệp còn lại chủ yếu xuất khẩu vải tươi.
|