Vụ mua bán đất xảy ra tại huyện Kinh Môn có dấu hiệu của vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng 3 cơ quan làm án của huyện lại chuyển sang vụ án tranh chấp dân sự.
Quan điểm bất nhất của 3 ngành làm án huyện Kinh Môn làm cho người dân nghi ngờ về dấu hiệu bất thường trong vụ án này (ảnh trái). Băng ghi âm đã tố cáo chị Như ghi thêm dòng chữ "đã đặt cọc 500 triệu đồng" vào tờ giấy biên nhận (ảnh phải)
Có kết luận giám định giọng nói
Ngày 25.10.2017, báo Hải Dương có bài viết phản ánh vụ mua bán đất giữa vợ chồng chị Nguyễn Thị Như ở thôn Bến Thôn, xã Thăng Long và bà Nguyễn Thị Thi ở thôn La Xá, xã Thượng Quận (cùng huyện Kinh Môn) có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, để trả nợ một phần cho con trai Đào Văn Hanh do chăn nuôi bị thua lỗ, ngày 20.7.2017, bà Thi đã đồng ý bán cho vợ chồng chị Như mảnh đất của gia đình với giá 1 tỷ đồng. Do giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Thi đang thế chấp tại Ngân hàng TMCP Công thương chi nhánh Nhị Chiểu vay 400 triệu đồng cho anh Hanh làm ăn nên chị Như đồng ý trả thay bà số tiền này để rút "sổ đỏ" ra làm thủ tục chuyển nhượng. Ngoài số tiền trên, vợ chồng chị Như còn trả thêm nhiều lần cho bà Thi với tổng số tiền 100 triệu đồng. Như vậy, vợ chồng chị Như còn nợ bà Thi 500 triệu đồng.
Anh Hanh làm trang trại chăn nuôi lợn nên có mua cám của vợ chồng chị Như. Do chăn nuôi thua lỗ nên tại thời điểm bán đất, anh Hanh còn nợ chị Như khoảng 900 triệu đồng tiền cám. Do anh Hanh không có khả năng thanh toán ngay số nợ trên nên vợ chồng chị Như đã tìm cách thu hồi nợ qua việc mua bán đất với bà Thi.
Sau khi làm xong thủ tục chuyển nhượng, chị Như viết sẵn cho bà Thi một tờ giấy biên nhận nợ với nội dung vợ chồng chị đã trả thay bà 400 triệu đồng cho ngân hàng. Phần dưới tờ giấy, chị Như để trống 2 dòng trước khi để bà Thi ký và điểm chỉ. Với duy nhất tờ giấy biên nhận trong tay, chị Như đã tự ý viết thêm vào phần dòng trống nội dung "đã đặt cọc 500 triệu đồng". Với nội dung tờ giấy biên nhận này, chị Như coi như đã trả đủ 1 tỷ đồng tiền mua đất cho bà Thi.
Không đồng ý với việc làm của chị Như, anh Hanh nhiều lần gặp vợ chồng chị Như để đòi cho bà Thi 500 triệu đồng mà chị Như còn nợ. Một trong những lần đó, anh Hanh đã ghi âm lại toàn bộ cuộc nói chuyện với chị Như. Trong băng ghi âm, có đoạn chị Như thừa nhận đối trừ số tiền 500 triệu vào khoản nợ của anh Hanh. Công an huyện Kinh Môn đã trưng cầu giám định giọng nói trong đoạn ghi âm. Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đã có văn bản trả lời, xác định giọng nói trong đoạn ghi âm đúng của chị Như và anh Hanh.
3 cơ quan làm án đã thống nhất?
Trung tá Nguyễn Văn Hoàn, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp (Công an huyện Kinh Môn) cho biết cơ quan điều tra đã hoàn tất quá trình xác minh điều tra và xác định đây là vụ án tranh chấp dân sự. Khi được đề nghị làm rõ vì sao vụ án có dấu hiệu hình sự lại được chuyển sang tranh chấp dân sự, trung tá Hoàn trả lời chung chung, đồng thời cho biết đây không chỉ là quan điểm của cơ quan điều tra mà còn là quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án Nhân dân huyện Kinh Môn.
Làm việc với chúng tôi, ông Phạm Trường Giang, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Kiểm sát nhân dân huyện Kinh Môn cho biết có cuộc họp với cơ quan điều tra và Tòa án Nhân dân huyện về vụ việc này. Sau khi nghiên cứu tài liệu, Viện Kiểm sát nhân dân huyện đồng tình với quan điểm đây là vụ án tranh chấp dân sự, không có dấu hiệu hình sự. Khi được hỏi đã nghe đoạn băng ghi âm giữa anh Hanh và chị Như chưa, ông Giang thừa nhận chưa nghe mà chỉ xem lời khai từ việc tải băng ghi âm. Ông Giang còn cho biết đây cũng là quan điểm của Tòa án Nhân dân huyện Kinh Môn tại cuộc họp.
Để làm rõ vụ việc, chúng tôi làm việc với bà Nguyễn Thị Thụy, Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Kinh Môn. Khi được hỏi căn cứ nào tòa án lại cho rằng đây là vụ án tranh chấp dân sự, bà Thụy không trả lời mà giao cho ông Trần Hữu Hiệu, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân huyện. Ông Hiệu lảng tránh trọng tâm câu hỏi và cho biết trao đổi nghiệp vụ giữa các cơ quan làm án là việc làm thường xuyên. Song, cả bà Thụy và ông Hiệu đều khẳng định chưa làm việc cụ thể vụ án này với cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân huyện Kinh Môn nên chưa có quan điểm về vụ việc.
Tuy nhiên, trong Thông báo số 407/TB-CAKM ngày 22.5.2018 của Công an huyện Kinh Môn do trung tá Đồng Tiến Dũng, Phó Trưởng Công an huyện ký gửi bà Thi ghi rất rõ: "Qua xác minh, thu thập, nghiên cứu tài liệu, ngày 23.4.2018, Cơ quan điều tra Công an huyện Kinh Môn họp phân loại với Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án Nhân dân huyện xác định đây là tranh chấp dân sự, không có dấu hiệu của tội phạm". Công an huyện còn hướng dẫn bà Thi có thể làm đơn khởi kiện vụ việc ra Tòa án Nhân dân huyện Kinh Môn để được xem xét giải quyết.
Theo luật sư Đinh Ngọc Phán, Văn phòng Luật sư Tâm Đức Phúc (TP Hải Dương), với những nội dung báo Hải Dương nêu thì vụ việc này có dấu hiệu của vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chị Như viết giấy biên nhận đã chủ động để trống 2 dòng phía dưới trước khi đề nghị bà Thi ký và điểm chỉ là hành vi có tính toán từ trước. Trong khi mục đích bà Thi bán đất cho vợ chồng chị Như là để chuộc "sổ đỏ" đang thế chấp tại ngân hàng, số tiền còn lại sửa chữa nhà và dưỡng già chứ không có ý định trả nợ thay cho anh Hanh. Do đó, hành vi của chị Như là lừa đảo nhằm chiếm đoạt 500 triệu đồng của bà Thi.
Báo điện tử Hải Dương sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.
SỸ THẮNG