Quốc phòng

Vụ máy bay quân sự rơi ở Bình Định: Phi công chỉ còn cách nhảy dù

VN (theo VnExpress) 07/11/2024 06:32

Phó Tổng tham mưu trưởng Quân dội nhân dân Việt Nam cho biết phi công dùng hết phương án nhưng không xử lý sự cố càng sau máy bay bị kẹt khi sắp đáp đất, chỉ còn cách nhảy dù.

trung-tuong-pham-truong-son.jpg
Trung tướng Phạm Trường Sơn chỉ huy tại hiện trường tìm kiếm tối 6/11

Thông tin được Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân dội nhân dân Việt Nam trả lời báo chí khuya 6/11, khi lực lượng chức năng hoàn thành giải cứu hai phi công khỏi khu vực rừng núi Hầm Hô, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, sau hơn 10 giờ chiếc Yak-130 rơi trong lúc bay huấn luyện trưa cùng ngày.

Từng lái máy bay chiến đấu, tiêm kích, rồi Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân, Trung tướng Phạm Trường Sơn cho biết tai nạn hai phi công Trung đoàn không quân 940 gặp phải là sự cố "vô cùng phức tạp". Bởi khi chuẩn bị về sân bay, họ phát hiện một càng phải phía sau không bung, trong khi hai càng trước và càng trái phía sau đã sẵn sàng để đáp đất. Trong các phương án đưa ra, thậm chí phi công đã tạo sự quá tải lớn "kéo gập gần như phá máy bay" mà bộ phận càng không thể hạ.

"Nếu tất cả càng không bung, người lái vẫn có thể hạ cánh bằng bụng máy bay. Tuy nhiên một càng không ra, còn các càng kia không thể gập lại thì tình huống này dứt khoát phải nhảy dù", Trung tướng Phạm Trường Sơn nói, cho biết sau khi nhận lệnh từ chỉ huy ban bay, hai phi công đã lái Yak-130 rồi nhảy xuống khu vực đồi núi cách sân bay Phù Cát khoảng 30 km.

Lực lượng tìm kiếm tiếp cận được thượng tá Nguyễn Hồng Quân (trái). Ảnh: Quy Nhơn
Lực lượng cứu hộ tìm thấy thượng tá Nguyễn Hồng Quân (trái) lúc 20 giờ 20 hôm qua, sau đó gần 2 tiếng phát hiện phi công còn lại

Theo Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, dòng máy bay Yak-130 thiết kế cho hai phi công ngồi buồng trước và sau. Khi bung dù ở tình huống khẩn cấp, người ngồi sau sẽ bay ra trước. Quả đạn đẩy trọng lực ghế phóng lên gấp 20 lần bình thường nên tác động sức khỏe của phi công. Hai người gặp nạn sau khi đưa từ rừng ra được chuyển tới Bệnh viện Quân y 17 của Quân khu 5 đóng ở Đà Nẵng.

"Sau khi hoàn thành cứu nạn, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm sơ bộ, sau đó tổ chức tìm kiếm vị trí máy bay rơi, giải mã hộp đen tìm nguyên nhân càng phải phía sau không bung", Trung tướng Phạm Trường Sơn nói.

Sáng qua 6/11, đại tá Nguyễn Văn Sơn, Trung đoàn trưởng và thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Chủ nhiệm bay Trung đoàn lái chiếc Yak-130 (số hiệu 210D) tập luyện bay đường dài trong điều kiện khí tượng phức tạp. Khi kết thúc bài tập lúc gần 11 giờ, chuẩn bị hạ cánh, họ phát hiện máy bay không thể thả càng, nên xin lệnh nhảy dù. Hai phi công rơi cách nhau khoảng 1 km, gọi điện báo tin cho đơn vị sau nhiều giờ mất tích.

Vị trí nhảy dù và nơi tìm thấy hai phi công Nguyễn Hồng Quân và Nguyễn Văn Sơn. Đồ họa: Khánh Hoàng
Vị trí hai phi công Nguyễn Hồng Quân, Nguyễn Văn Sơn nhảy dù và được tìm thấy

Bộ Quốc phòng huy động nhiều đơn vị thuộc Quân khu 5 phối hợp với địa phương sử dụng loạt biện pháp như điều trực thăng, tìm sóng điện thoại, dùng ra đa định vị phương tiện tìm vị trí máy bay, phi công. Trung tướng Phạm Trường Sơn cho biết các đơn vị phải tính toán trên bản đồ dẫn đường để cho ra từng phút về tốc độ, độ cao máy bay, thiết kế bung dù, chiều gió... để nắm hướng phi công rơi xuống nhằm triển khai hiệu quả lực lượng cứu hộ.

"Quá trình tìm kiếm diễn ra trong điều kiện thời tiết phức tạp, mưa to, gió lớn, địa bàn có nhiều núi cao 550-900 m, song các lực lượng không quản gian khó, có sự phối hợp, hiệp đồng chính xác tìm ra hai phi công", ông Sơn nói.

VN (theo VnExpress)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ máy bay quân sự rơi ở Bình Định: Phi công chỉ còn cách nhảy dù