Vụ lúa mới trên những thửa ruộng lớn

18/02/2013 07:46

Để tạo sức bật trong xây dựng nông thôn mới, cuối năm 2012, nhiều địa phương đã dồn điền, đổi thửa (DĐĐT), chỉnh trang đồng ruộng ở quy mô khác nhau.



Dồn điền, đổi thửa sẽ tạo thuận lợi để ứng dụng máy móc vào sản xuất.
 Trong ảnh: Nông dân xã Hồng Thái (Ninh Giang) làm đất để chuẩn bị gieo cấy lúa chiêm xuân


Xã Hồng Thái (Ninh Giang) đã hoàn thành DĐĐT trong toàn xã. Xã Hồng Quang (Thanh Miện) có 2 thôn Đông Bích và Đông La, xã Đức Xương (Gia Lộc) có thôn An Cư đã thực hiện xong DĐĐT. Cùng ở Thanh Miện nhưng xã Diên Hồng làm điểm DĐĐT ở 3 nhóm sản xuất thuộc 3 thôn. Ngay sau khi DĐĐT thành công, chính quyền địa phương và nông dân đã khẩn trương gieo cấy lúa chiêm xuân. Ngay vụ lúa đầu tiên, tác dụng của việc DĐĐT đã rõ ràng.

Những ngày này, nông dân xã Hồng Thái đang hối hả gieo cấy lúa xuân muộn. Sau DĐĐT, cánh đồng thôn Tam Tương gọn gàng hơn, mỗi thửa ruộng mở rộng ra, đồng ruộng không manh mún như trước. Những bờ lô được đắp lại rộng 3 m. Nhiều nông dân vừa san gạt mặt ruộng cho bằng phẳng vừa nhanh tay gieo cấy. Chiếc máy cày mang nhãn hiệu Kobuta (24 mã lực) của anh Nguyễn Văn Chinh ở thôn Tam Tương chạy phăng phăng trên những thửa ruộng lớn để làm đất. Anh Chinh cho biết: “Trước đây, tôi cũng có máy cày nhỏ. Sau khi DĐĐT, tôi mua 1 máy cày to này để tăng năng suất lao động. Trước khi DĐĐT, một máy cày lớn làm được 2 mẫu ruộng/ngày. Cùng loại máy đó, sau khi ruộng được DĐĐT sẽ làm được 4 mẫu/ngày. “Chạy” máy cày trên những thửa ruộng lớn cũng tiết kiệm dầu hơn trên những ruộng nhỏ”.

Đi cùng chúng tôi, anh Ngô Văn Đại, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Thái cho biết thêm: “Trước đây, thôn Tam Tương có tới 9 máy cày nhỏ. Sau DĐĐT, người dân trong thôn đã mua 2 máy cày lớn, phục vụ làm đất cho hầu hết diện tích canh tác của thôn. Làm ruộng bằng máy cày lớn đất nhuyễn hơn, rút ngắn thời vụ so với máy nhỏ”.

Nông dân là những người hưởng lợi đầu tiên từ việc DĐĐT. Trước đây, chị Ngô Thị Thảnh ở thôn Tiêu có 5 thửa ruộng (8,5 sào) ở 3 xứ đồng khác nhau, thửa ruộng xa nhất cách nhà 1,5 km. Mỗi khi đi gieo cấy, chăm sóc lúa, chị phải đi lại nhiều lần, tốn công sức và thời gian. Sau DĐĐT, nhà chị chỉ còn lại 1 thửa lớn, cách nhà 500 m. Chị phấn khởi cho biết: “Giờ việc gieo cấy, phun thuốc trừ sâu, bệnh, bón phân, thu hoạch chỉ ở một nơi. Bờ lô đã mở rộng lên 3 m nên xe cơ giới có thể xuống tận ruộng để vận chuyển lúa, phân bón, không mất công gồng gánh như trước”.

Việc DĐĐT ở xã Hồng Thái thực hiện từ tháng 10-2012 đến tháng 12 thì hoàn thành. Sau DĐĐT, xã chỉ còn 272 lô ruộng, giảm 176 lô. Trước DĐĐT, bình quân mỗi hộ có hơn 5 thửa ruộng. Sau khi dồn lại, trong 933 hộ tham gia chia ruộng thì có 74 hộ có 1 thửa ruộng, 264 hộ có 2 thửa, 280 hộ có 3 thửa, 315 hộ có 4 thửa. Thửa ruộng lớn nhất có diện tích 4.568 m2 (gần 1,3 mẫu). Ông Ngô Quang Sáng, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết: “Sau khi hoàn thành DĐĐT, chúng tôi đã chỉ đạo giảm diện tích trà xuân sớm, tăng diện tích trà xuân muộn ngay ở vụ lúa chiêm xuân đầu tiên. Do năm nay đất không có ải và bị xáo trộn ở vụ lúa đầu tiên nên xã đã khuyến cáo nông dân bón thêm vôi, lân để khắc phục”.

Trước khi DĐĐT, bình quân mỗi hộ dân ở xã Diên Hồng (Thanh Miện) có 6-8 thửa ruộng. Do đồng ruộng manh mún nên việc ứng dụng cơ giới hoá vào các khâu sản xuất gặp nhiều khó khăn. Có người đưa máy gặt về đây nhưng cũng không thành công vì ruộng nhỏ lẻ, người này muốn thuê, người khác lại không. Nông dân chủ yếu phải thuê máy cày nhỏ để làm đất. Do một số chủ máy cày o ép nên nhiều diện tích đất thu hoạch vụ mùa xong không được cày ải. Tới vụ lúa chiêm xuân, nông dân chỉ tháo nước vào ruộng rồi thuê máy lồng cấy. Bờ lô, bờ thửa nhỏ gây nhiều khó khăn cho nông dân đi lại, vận chuyển vật tư nông nghiệp, nông sản. Để tạo thuận lợi cho canh tác, Đảng uỷ, chính quyền xã quyết định chọn mỗi thôn 1 nhóm sản xuất để làm điểm DĐĐT. Thôn Đoàn Kết chọn nhóm 3, thôn Thống Nhất chọn nhóm 4, thôn Quang Trung chọn nhóm 7. Việc DĐĐT thực hiện trong 2 tháng 11 và 12-2012. Kết quả, 2 lô ruộng dồn thành 1 lô, mỗi hộ chỉ còn 1-3 thửa ruộng. Thửa ruộng lớn nhất có diện tích hơn 1 mẫu. Dự kiến xã Diên Hồng sẽ tiếp tục DĐĐT ở các đội sản xuất còn lại trong năm nay.

Vụ chiêm xuân này, xã Diên Hồng có kế hoạch gieo cấy 177,5 ha, trong đó trà xuân sớm chiếm 20-25%, còn lại là trà xuân muộn. Những ngày này, nông dân đang tập trung gieo cấy lúa xuân muộn, phấn đấu xong trước ngày 20-2. Là những người trực tiếp được hưởng lợi từ việc DĐĐT nên nông dân địa phương rất phấn khởi. Ông Lê Kỳ ở nhóm 7, thôn Quang Trung cho biết: “Trước kia, nhà tôi có 5 thửa ruộng ở nhiều xứ đồng khác nhau, sau khi dồn lại, tôi chỉ còn 3 thửa, thửa lớn nhất rộng gần 1 mẫu. Năm nay tôi thuê máy cày to làm đất, đất được kỹ nhuyễn và giá thuê rẻ hơn so với thuê máy nhỏ. Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Diên Hồng, sau  DĐĐT, xã đã có 2 máy cày lớn, đảm nhiệm khâu làm đất cho đa số diện tích canh tác.

Thời gian tới, UBND tỉnh cũng khuyến khích các địa phương có điều kiện thích hợp thực hiện DĐĐT. Ở vụ lúa đầu tiên, tác dụng của DĐĐT đã được thấy rõ và sẽ phát huy hiệu quả ở nhiều vụ lúa tiếp theo. Cùng với DĐĐT, các địa phương cần quan tâm chỉnh trang đồng ruộng, quy hoạch vùng sản xuất, áp dụng cơ giới hoá... để phát huy hiệu quả đồng bộ. Đặc biệt, cần tránh việc DĐĐT mang tính hình thức, còn quá nhiều số thửa ruộng ở mỗi hộ.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ lúa mới trên những thửa ruộng lớn