Trong phiên tòa xét xử Trương Hồ Phương Nga chiều 27.6, người làm chứng Nguyễn Mai Phương đã có mặt tại tòa nhưng yêu cầu… được ngồi phòng riêng.
Hoa hậu Phương Nga khai làm theo hướng dẫn của Mai Phương nhưng khi xuất hiện làm chứng tại tòa, bà Nguyễn Mai Phương ngồi phòng cách ly chứ không xuất hiện trực tiếp |
Bà Phương được gọi là nhân vật bí ẩn trong vụ án vì 3 ngày xét xử vừa qua, bị cáo và người liên quan đã có rất nhiều lời khai liên quan đến bà Phương nhưng bà không có mặt.
Bảo vệ hình ảnh?
Theo hội đồng xét xử, bà Nguyễn Mai Phương có yêu cầu được ngồi cách ly để tránh việc bị báo chí ghi hình, gây ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư.
Tòa đã chấp nhận yêu cầu này của bà Phương và cho phép bà ngồi trong phòng kín, theo dõi phiên tòa qua màn hình tivi, trả lời qua loa phát thanh.
Những người dự khán chỉ nghe thấy tiếng nói của bà Nguyễn Mai Phương mà không thấy hình.
Khi tiến hành thẩm vấn người làm chứng, luật sư Nguyễn Văn Quynh (bảo vệ cho bị cáo Phương Nga) đã đề nghị hội đồng xét xử cho ông vào phòng cách ly để xác nhận với bà Phương một số tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ án.
Tuy nhiên, hội đồng xét xử đã yêu cầu luật sư chuyển các chứng cứ này cho thư ký phiên tòa để thư ký chuyển vào phòng cho bà Mai Phương xem. Vì vậy, sự tương tác giữa các luật sư và người làm chứng có lúc bị gián đoạn.
Việc cho người làm chứng ngồi phòng cách ly từ đầu đến cuối không thấy mặt rất ít khi diễn ra ở tòa án.
Thường thì hội đồng xét xử cho phép bị cáo, người làm chứng, người liên quan… cách ly khi thẩm vấn để xem xét độ chính xác của các lời khai, khi khai xong thì được trở về phòng xử.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Sáu (nguyên Chánh tòa hình sự TAND TP.HCM) cho rằng trong một số trường hợp để bảo vệ người làm chứng, tránh cho họ bị tác động, ảnh hưởng bởi những câu hỏi và câu trả lời của người khác thì hội đồng xét xử cho người làm chứng cách ly là chuyện bình thường, không trái quy định của pháp luật.
“Trách nhiệm của hội đồng xét xử là bảo vệ người làm chứng. Trong phiên tòa xét xử vụ Trương Hồ Phương Nga, bà Nguyễn Mai Phương đã yêu cầu được ngồi phòng cách ly để trả lời, hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu này là không sai.
Trước đây TAND TP.HCM cũng đã từng cho cách ly người làm chứng với các bị cáo để xét hỏi. Quan trọng là thông tin khai báo của người làm chứng thế nào” - ông Nguyễn Đức Sáu cho biết.
Không bảo đảm sự khách quan?
Trái ngược với ông Nguyễn Đức Sáu, luật sư Nguyễn Phú Thắng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng việc hội đồng xét xử đồng ý với yêu cầu của bà Mai Phương trong trường hợp này là không cần thiết.
“Lời khai của người làm chứng phải đảm bảo 3 yếu tố: có liên quan đến vụ án, hợp pháp và đảm bảo sự khách quan.
Trong trường hợp này, lời khai của bà Phương phát ra từ phòng kín, qua loa phát thanh sẽ đặt ra câu hỏi về sự khách quan: Có sự chuẩn bị chu đáo cho bà được ngồi trong phòng, theo dõi phiên tòa qua màn hình tivi và trả lời qua micro.
Liệu lời khai này có sự chấp bút trước hay không? Bà có lấy giấy đọc hay không hoặc khi trả lời có bị ai đó tác động?” - luật sư Nguyễn Phú Thắng nhấn mạnh.
Theo luật sư Thắng, vụ án này đang có nhiều ý kiến trái chiều, được sự quan tâm theo dõi của dư luận thì việc người làm chứng cần có mặt ở tòa, đối chất với bị cáo, người liên quan dưới sự giám sát của báo chí là điều cần thiết.
Ông Ngô Cường (vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, TAND tối cao) cho biết ở các nước trên thế giới, trình tự bảo vệ người làm chứng được luật hóa một cách chặt chẽ.
Ở từng giai đoạn tố tụng sẽ có các quy định khác nhau. Người làm chứng nếu cần cách ly sẽ có phòng riêng.
Nếu cần thiết, các cơ quan tố tụng sẽ có biện pháp thay đổi danh tính, địa chỉ, thông tin của người làm chứng để bảo vệ họ.
Tuy nhiên trong vụ án này, luật sư Nguyễn Phú Thắng cho rằng người làm chứng chưa đến mức độ cần phải bảo vệ hình ảnh nghiêm ngặt.
“Bà Phương chỉ có yêu cầu không xuất hiện trực tiếp tại tòa vì sợ báo chí ghi hình, ảnh hưởng đến cuộc sống riêng.
Tuy nhiên trước yêu cầu này, hội đồng xét xử cần xem xét xem bà Phương có bị đe dọa về sức khỏe, tính mạng, ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân khi khai báo tại tòa hay không.
Đôi lúc để xác định đúng bản chất của vụ án thì tòa phải cân nhắc hi sinh lợi ích nhỏ để đạt được lợi ích lớn hơn” - luật sư Thắng nhấn mạnh.
Một số chuyên gia pháp lý cho biết ở Việt Nam hiện nay không có quy định bảo vệ người làm chứng một cách chi tiết, cụ thể.
Và đây có lẽ là lần đầu tiên có trường hợp nhân chứng không xuất hiện trực tiếp mà ngồi phòng cách ly như bà Nguyễn Mai Phương.
Theo Tuổi trẻ