Vụ đông ở Gia Lộc: Niềm vui chưa trọn

15/12/2011 07:00

Trong khi các loại cây trồng như su hào, bắp cải cho năng suất, giá bán cao thì cây bí ngô Nhật Bản lại chịu cảnh mất mùa...



Nông dân xã Toàn Thắng thu hoạch su hào vụ đông


Thắng lợi cải bắp, su hào


Đa số các loại rau màu vụ đông ở huyện Gia Lộc được mùa, được giá. Cải bắp và su hào là hai loại rau truyền thống có diện tích lớn nhất trong huyện và năm nay cũng cho lợi nhuận cao nhất. Thời điểm này, các doanh nghiệp, thương lái từ khắp nơi về Gia Lộc mua hàng. Ở các cánh đồng chuyên canh rau màu, gần như lúc nào cũng có xe tải lớn chờ “ăn” hàng.

Bà Nguyễn Thị Huyền ở thôn Bái Hạ (xã Toàn Thắng) cho biết: “Do trồng su hào có hiệu quả kinh tế cao nên nhiều vụ đông gần đây tôi đều trồng loại cây này. Năm nay, giá bán su hào khá cao và ổn định nên sau khi thu hoạch lứa su hào thứ nhất, tôi tiếp tục trồng lứa thứ 2, thứ 3. Mỗi lứa tôi thu lãi 3 triệu đồng/sào”.

Theo ông Nguyễn Văn Ngô, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Toàn Thắng, xã có 60 ha trồng su hào vụ đông. Năm nay, giá su hào bình quân ở mức 2.000 - 4.000đồng/củ, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Năng suất su hào cũng cao hơn vụ đông trước. "Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động nông dân mở rộng diện tích trồng su hào trong vụ đông năm sau", ông Ngô nói

Tại xã Gia Xuyên, nhiều nông dân đang bán cải bắp tại ruộng với giá 5.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân thu lãi khoảng 10 triệu đồng/sào.

Vụ đông năm nay, toàn huyện Gia Lộc gieo trồng 3.900 ha cây vụ đông, đạt kế hoạch đề ra, chủ yếu là cải bắp (1.100 ha), su hào (800 ha), cải dưa (500 ha). Huyện Gia Lộc tiếp tục duy trì vị trí số 1 về diện tích cây vụ đông trong toàn tỉnh. Nhu cầu thị trường dồi dào là nguyên nhân chính để nông dân tích cực thâm canh tăng vụ. Nhiều diện tích rau màu trồng 2-3 lượt. Nông dân thu lãi bình quân 3-5 triệu đồng/sào cải bắp, su hào, 3 triệu đồng/sào bí xanh, 1,5-2 triệu đồng/sào cải dưa, ngô nếp. Nhiều hộ thu lãi hàng chục triệu đồng từ thâm canh rau màu vụ đông.

Mất mùa bí ngô Nhật Bản



Ruộng bí ngô Nhật Bản của chị Phùng Thị Bin ở xã Quang Minh có 30% số quả bị sùi vỏ


Trái ngược với niềm vui được mùa của đa số nông dân huyện Gia Lộc, hàng trăm hộ dân trồng cây bí ngô Nhật Bản ở các xã Đồng Quang, Quang Minh, Toàn Thắng đã ngậm ngùi chịu cảnh mất mùa.

Toàn huyện trồng 45 ha giống bí ngô Nhật Bản gồm 20 ha tại xã Đồng Quang, 15 ha ở xã Quang Minh và 10 ha ở xã Toàn Thắng. Việc trồng bí ngô Nhật Bản nằm trong mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp thông qua hợp đồng giữa Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Hải Dương, HTX Dịch vụ nông nghiệp và nông dân do Sở Công thương chủ trì thực hiện. Những tưởng nông dân sẽ được hưởng lợi nhờ mô hình này nhưng thật trớ trêu khi 35 ha bí ngô Nhật Bản (chiếm 77,7% tổng diện tích) đã bị mất trắng. Nông dân trắng tay, còn doanh nghiệp không có nông sản để thu mua, chế biến.

Xã Đồng Quang có 16 ha bí ngô bị mất trắng, 4 ha cho thu hoạch quả nhưng đa phần không đủ tiêu chuẩn để bán. Nhiều nông dân đầu tư hàng trăm nghìn đồng để mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu... nhưng không thu về được đồng nào. 12 ha bí ngô ở xã Quang Minh cũng không cho thu hoạch, chiếm 80% tổng diện tích trồng. Những diện tích còn cho thu hoạch cũng có năng suất kém, mẫu mã xấu nên rất khó tiêu thụ. Đến cánh đồng thôn Hậu Bổng, hỏi về cây bí ngô Nhật Bản, ai cũng lắc đầu ngao ngán. Nhà chị Vũ Thị Nhớ trồng 5 sào bí ngô, những diện tích còn cho thu hoạch thì có tới 80% số quả bị sùi vỏ, không bảo đảm tiêu chuẩn để bán cho công ty. Chị Phùng Thị Bin trồng 2,5 sào bí ngô Nhật Bản cho biết: “Khi cây bí ra được 6-7 lá thì lá bị sần sùi. Đến khi ra quả, quả bí cũng bị sùi lên như da cóc. Mặc dù tôi đã mua nhiều loại thuốc để về phun trừ nhưng không có hiệu quả. Khoảng 30-50% số quả bí có vỏ sần sùi, không đạt tiêu chuẩn để bán theo hợp đồng”. Tương tự, tại xã Toàn Thắng, 7 ha bí ngô Nhật Bản không cho thu hoạch. Diện tích còn lại nông dân đã thu hoạch về nhà nhưng Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Hải Dương vẫn chưa thu mua.

Theo giải thích của đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lộc, các HTX Dịch vụ nông nghiệp và nhiều nông dân, bí ngô Nhật Bản mất mùa do trong thời gian sinh trưởng, phát triển gặp mưa nhiều và một số loại bệnh gây hại mạnh (bệnh phấn trắng, bệnh lở cổ rễ...) nên cây trồng bị chết, ảnh hưởng tới năng suất và mẫu mã quả. Ông Vũ Văn Thường, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đồng Quang cho rằng, giống bí ngô Nhật Bản không phù hợp với đồng đất địa phương, khả năng chống chịu với một số loại sâu, bệnh kém. Mặt khác, thời vụ trồng bí ngô năm nay cũng muộn hơn các năm trước khoảng 20 ngày nên cũng ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng quả. Ngoài ra, bí ngô Nhật Bản mới đưa vào sản xuất, nông dân chưa có nhiều kinh nghiệm thâm canh nên rất dễ gặp rủi ro.

Qua sự việc này, cơ quan chức năng và nông dân cần rút ra những bài học về canh tác bí ngô Nhật Bản vụ đông. Cây trồng này phải trồng đúng khung thời vụ cho phép; việc đưa giống mới vào gieo trồng phải chọn lọc kỹ lưỡng hơn theo hướng chống chịu tốt với thời tiết bất thuận và sâu, bệnh hại. Việc quan trọng hiện nay là cần có phương án hợp lý để thu mua sản lượng quả còn cho thu hoạch của nông dân và xác định nguyên nhân chính gây mất mùa để rút kinh nghiệm từ những vụ sản xuất sau.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ đông ở Gia Lộc: Niềm vui chưa trọn