Mặc dù chính quyền địa phương khuyến khích nông dân khai thác tiềm năng đất đai để gieo trồng, nhưng diện tích sản xuất cây vụ đông ở Thanh Hà vẫn giảm.
Mưa nhiều khiến nông dân khó làm đất vụ đông, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất
Sản xuất manh múnKhoảng 5 năm trước, nông dân Thanh Hà thường gieo trồng gần 2.000 ha cây vụ đông. Những xã có thế mạnh về sản xuất vụ đông gồm: Tiền Tiến, Quyết Thắng, Phượng Hoàng và Việt Hồng. Tuy nhiên, những năm gần đây, diện tích cây vụ đông ở huyện chỉ đạt từ 1.000-1.200 ha. Nguyên nhân do thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng 2011-2015 của huyện, nhiều xã chuyển đất 3 vụ sang trồng vải, ổi nên không còn trồng một số loại cây vụ đông nữa. Ngoài ra, mỗi xã làm vụ đông đều gặp những khó khăn riêng.
Vụ đông này, xã Tiền Tiến sẽ trồng 115 ha, trong đó có 50 ha cà rốt ở vùng đất bãi, 33 ha hành, còn lại là khoai tây, ngô… Ông Hoàng Đức Lâm, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã cho biết: “Ngay đầu vụ đã gặp mưa nhiều nên việc làm đất rất khó khăn. Thêm vào đó, chất đất ở đây rắn, không tơi xốp nên càng khó làm. Việc gieo cấy không đều cũng khiến cho thu hoạch không được đồng loạt. Thời điểm này, nhiều nhà đã gặt xong và làm vụ đông được gần 1 tuần nhưng có nhà phải đến nửa tháng nữa lúa mới chín. Vì thế việc điều tiết nước cho vụ đông cũng gặp nhiều khó khăn”. Ngoài ra, xã chưa quy hoạch trồng vụ đông cụ thể theo vùng, chủ yếu là tự phát và manh mún. Nhiều lao động chính trong các gia đình đã chuyển sang đi làm công ty, còn lại những người trung hoặc cao tuổi ở nhà làm nông nghiệp trong khi sản xuất vụ đông đòi hỏi nguồn nhân lực lớn. Mặc dù đã đưa máy móc vào làm đất, nhưng Thanh Hà chưa phải là địa phương điển hình về cơ giới hóa đồng ruộng. Đó là một số nguyên nhân dẫn đến diện tích cây vụ đông ở đây ngày càng giảm và năng suất không ổn định.
Quyết Thắng là xã làm vụ đông nhiều nhất huyện. Năm nay, xã được giao trồng 202 ha cây vụ đông, nhưng có thể chỉ thực hiện được 150 ha, chủ yếu là hành, tỏi. Tuy nhiên, theo cán bộ xã, diện tích này có thể còn giảm nữa vì năm ngoái giá hành, tỏi giảm và mất mùa do thời tiết nên nông dân dễ chuyển sang trồng các loại cây khác như ổi, vải. Khó khăn lớn nhất khiến nông dân dễ chán vụ đông là do kinh phí đầu tư cao, trong khi giá nông sản thấp, thu nhập không đáng là bao. Bình quân mỗi sào hành, tỏi, nông dân phải chi 1 triệu đồng để làm đất, lên luống 300.000 đồng để mua giống, hơn 200.000 đồng để mua phân bón chăm sóc và nhiều loại chi phí khác. Năm nào hành, tỏi được giá, nông dân thu lãi từ 4-5 triệu đồng/sào, nhưng năm 2014 chỉ thu lãi được hơn 1 triệu đồng/sào. Ngoài ra, khâu tiêu thụ ở đây cũng gặp nhiều khó khăn do diện tích trồng manh mún nên không thu hút được nhiều thương lái đến mua. Việc nông dân bị thương lái ép giá vẫn thường xuyên xảy ra. Ông Đồng Văn Nhất, cán bộ nông nghiệp xã Quyết Thắng cho biết giá cả bấp bênh nên xã chưa khuyến khích được nông dân sản xuất vụ đông. Nhiều năm mưa ngập khiến hành, tỏi bị sâu bệnh chết hàng loạt cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến nông dân thờ ơ với vụ đông.
Tích cực hỗ trợLúa và cây rau màu vụ đông không phải là thế mạnh đối với huyện Thanh Hà bởi thế mạnh ở đây là cây ăn quả với hơn 6.000 ha. Tuy nhiên, để khuyến khích nông dân sản xuất vụ đông hiệu quả hơn, nhiều năm nay huyện Thanh Hà đều có chính sách hỗ trợ nông dân. Vụ đông năm nay, huyện có kế hoạch sản xuất 1.200 ha cây vụ đông. Để thực hiện kế hoạch này, huyện Thanh Hà sẽ hỗ trợ 15 triệu đồng cho hộ nào sản xuất tập trung quy mô từ 1 ha trở lên; 100.000 đồng/sào hành trồng trên đất cấy lúa mùa; 6.000 đồng/kg khoai tây giống cho những hộ trồng giống mới Hà Lan, Đức, Mỹ. Ngoài ra, nông dân còn được hỗ trợ kinh phí tập huấn, chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất vụ đông. Một số vùng trồng cây vụ đông tưới tiêu khó khăn do cách xa nguồn nước, UBND huyện đã chỉ đạo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện có kế hoạch điều tiết nước hợp lý, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân chăm sóc rau màu. Ông Ngô Bá Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết: “Mặc dù huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân khai thác tiềm năng vụ đông, nhưng yếu tố thời tiết luôn là vấn đề đáng lo lắng. Năm nay, dự kiến mưa nhiều nên sẽ khó khăn cho khâu làm đất, mùa vụ sẽ chậm hơn. Vì thế, huyện đã chỉ đạo các xã thu hoạch lúa mùa đến đâu thì làm vụ đông đến đó cho kịp thời vụ. Huyện yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Bảo vệ thực vật huyện tích cực tập huấn cho nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc rau màu vụ đông; hướng dẫn nông dân theo dõi và thông báo tình hình sâu bệnh trên cây trồng để có biện pháp phòng, trừ hiệu quả. Huyện khuyến khích nông dân sản xuất tập trung một vùng, một giống để thuận lợi chăm sóc và nâng cao năng suất, chất lượng nông sản…”.
Tuy được quan tâm hỗ trợ nhưng đến nay chưa có hộ nào sản xuất với quy mô, diện tích lớn từ 1 ha trở lên; chủ yếu vẫn là xen canh chứ chưa chuyên canh, sản xuất theo tập quán canh tác chứ chưa có quy hoạch cụ thể về vùng sản xuất hàng hóa. Để một số xã có tiềm năng sản xuất vụ đông có thể khai thác tốt và hiệu quả hơn, thời gian tới cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở cần có quy hoạch cụ thể đối với từng vùng; tích cực hỗ trợ nông dân tìm đầu ra cho sản phẩm, hướng tới sản xuất hàng hóa; khắc phục và tận dụng tối đa diện tích đất bỏ hoang. Ngoài ra, nông dân cần tập trung, chủ động trong sản xuất, làm chủ được thời vụ, ổn định canh tác và nâng cao chất lượng nông sản.
MINH NGUYỆT