"Nhà tôi không nhiều tiền, nhưng cũng không thiếu tiền đến mức phải làm như vậy. Thực sự tôi không muốn gây scandal để trở thành người nổi tiếng".
Trường Mầm non tư thục Tây Thạnh 2, nơi xảy ra vụ việc
Trong những ngày ồn ào về vụ việc trên, phóng viên đã gặp ông Đinh Đức Dũng, phụ huynh có con học Trường Mầm non Tây Thạnh 2 (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) - để tìm hiểu ngọn nguồn.
Mở đầu câu chuyện, ông Dũng nói với giọng bức xúc:
- Nếu chỉ đọc thông tin như trong bản tường trình của Trường Mầm non Tây Thạnh 2 thì nhiều người sẽ có cảm giác tôi là người đi tống tiền. Nhà tôi không nhiều tiền, nhưng cũng không thiếu tiền đến mức phải làm như vậy. Thực sự tôi không muốn gây scandal để trở thành người nổi tiếng.
Ngay từ đầu, khi sự việc xảy ra, tôi đã không muốn làm lớn chuyện. Bởi tôi hiểu cô Vân còn trẻ, nếu vụ việc vỡ lở thì sẽ ảnh hưởng đến tương lai của cô và ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường.
Nhưng tôi phải nói ngay rằng: cách hành xử của nhà trường quá tệ. Từ ngày vợ chồng tôi dẫn con gái sang trường phản ảnh sự việc cháu bị cô giáo bạo hành thì 54 ngày sau, đại diện nhà trường mới sang nhà tôi xin lỗi trong khi nhà tôi ở ngay phía sau trường, có thể đi bộ sang.
Ông Đinh Đức Dũng
- Thưa ông, cụ thể sự việc diễn ra như thế nào?
- Tối 5.12.2018, tôi tá hỏa khi phát hiện những vết bầm, xước trên lưng và tay của con gái. Sáng hôm sau, tôi dẫn cháu vào gặp cô Đào - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tây Thạnh 2 - để trình bày sự việc.
Hôm sau, tôi vào trường hỏi thăm nhưng cô Đào trả lời là đã coi camera nhưng không phát hiện manh mối gì. Hai ngày sau nữa, tôi đến trường và vẫn nhận câu trả lời như trước, tôi có hẹn cô Đào là chậm nhất đến ngày 13.12 (tức sau 1 tuần từ khi tôi phản ảnh) trường cần có kết quả cuối cùng.
Đúng hẹn, tôi vào trường thì cô Đào có cho tôi xem đơn tường trình của cô Vân (1 trong 2 giáo viên phụ trách lớp con tôi) với nội dung thừa nhận có đánh con gái tôi. Đồng thời, cô Đào cũng cho tôi biết là cô Vân xin nghỉ việc và nhà trường cũng đã cho cô nghỉ việc luôn rồi. Tôi có đề nghị nhà trường phải liên lạc với cô Vân và mời cô đến trường để gặp mặt nói chuyện.
Tiếp đó, trong buổi làm việc ngày 2.1, tôi đề nghị nhà trường phải bồi thường chi phí đi khám sức khỏe cho con tôi là 900.000 đồng. Tôi cũng đề nghị nhà trường giữ lại 2 tháng lương của cô Vân, tương đương 10 triệu đồng coi như một hình thức phạt đối với cô để cô rút kinh nghiệm một cách sâu sắc, lần sau đừng đánh học sinh như vậy nữa.
Tôi cũng xin nhà trường cung cấp cho tôi danh sách 10 học sinh có hoàn cảnh khó khăn để tôi lấy 10 triệu đồng đó tặng cho các cháu nhân dịp Tết Nguyên đán sắp đến. Đồng thời, tôi cũng đưa ra thời hạn 20 ngày để nhà trường thực hiện những việc trên.
Vết xước và vết bầm trên người con ông Dũng sau khi bị gia đình phát hiện
- Sau này, ông có gặp lại cô giáo Vân không?
- Từ lúc cô thừa nhận đánh con tôi đến bây giờ, tôi không hề gặp lại cô Vân vì nghe báo lại là cô đã về quê.
Xin kể thêm là gần hết thời hạn 20 ngày mà không thấy nhà trường nói năng gì, vợ tôi có qua trường thông báo với cô hiệu trưởng là hãy gọi điện thoại cho tôi để trao đổi, đừng để tôi gửi đơn thưa đến các cơ quan chức năng nhưng nhà trường cũng không hề có một động thái nào.
Hết thời hạn 20 ngày, tức ngày 22.1 tôi có nhắn tin cho cô Đào xin gặp để trao đổi nhưng cô trả lời là bận, không gặp được. Tôi rất giận, bèn gửi đơn đến các cơ quan chức năng chứ ban đầu như tôi đã nói là không muốn làm to chuyện. Tôi cũng thông báo với trường về việc mình đã gửi đơn. Đến ngày 29.1 thì cô Đào nhắn tin hẹn gặp tôi tại nhà riêng vào ngày 30.1.
Như vậy, sau 54 ngày (từ khi tôi phản ảnh sự việc con mình bị bạo hành ở trường), nhà trường mới chính thức sang nhà tôi và nói lời xin lỗi vào ngày 30.1.
Ngày 31.1, cô Đào tiếp tục qua nhà tôi và xin được thương lượng thêm lần nữa, cô bày tỏ mong muốn gia đình tôi rút đơn để kết thúc vụ việc này trước tết, tránh phiền hà đến cấp trên. Gia đình tôi yêu cầu bồi thường 24 triệu đồng, trong đó bao gồm 10 triệu đồng gia đình tôi đã đặt cọc với luật sư để thực hiện vụ kiện, 10% của hợp đồng với luật sư mà chúng tôi phải bồi thường khi không tiếp tục vụ kiện là 4 triệu đồng; cộng với chi phí chúng tôi cho con đi khám sức khỏe những lần tiếp theo sau này và những khoản phí phát sinh khác.
Ở đây cũng xin nói thêm: tôi đã nhủ lòng sẽ tặng lại toàn bộ số tiền 24 triệu đồng ấy cho Làng SOS ở Gò Vấp chứ nhà tôi không đến mức thiếu tiền để phải dùng đến khoản tiền này.
Sau đó, cô Đào xin phép về lấy tiền nhưng rồi cô lại nhắn cho tôi là: Mọi chuyện đều được giải quyết tại Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quận Bình Tân vào chiều 31.1.
Tôi có cảm giác như bị gài bẫy và rất giận. Đỉnh điểm, trong buổi họp ở Phòng GDĐT, đại diện nhà trường còn đứng lên chửi tôi với ngôn từ vô văn hóa. Điều này càng khiến tôi bức xúc và mức đòi bồi thường tổn thất tinh thần cho con tôi và gia đình là 100 triệu đồng.
- Tức là …?
- Chị nghĩ xem, tất cả đều là những người có ăn có học mà trước mặt lãnh đạo Phòng GDĐT và đại diện các cơ quan ban ngành mà anh ta (người của Trường Tây Thạnh 2 - PV) xưng mày - tao với tôi, mạt sát, xúc phạm tôi như thế là không thể chấp nhận được.
Thái độ như vậy là quá coi thường phụ huynh. Một người đứng đầu nhà trường mà cư xử vô văn hóa, thiếu nhân cách con người, cũng như trình độ và cả tính chuyên nghiệp như vậy sao có thể chấp nhận được chứ. Thật tình lúc đó tôi tức quá nên nói thế thôi, chứ bây giờ thì có bồi thường 100 triệu tôi cũng không nhận.
- Có lẽ ông là phụ huynh đầu tiên ở Việt Nam yêu cầu bồi thường bằng tiền khi con mình bị bạo hành ở trường?
Vì tôi là dân kinh doanh, tôi cho rằng mức phạt nặng nhất và hiệu quả nhất là đánh vào kinh tế của người ta. Bây giờ có yêu cầu các cô giáo làm cả trăm bản tường trình, cả ngàn bản kiểm điểm, hạ hết các bậc thi đua... thì cũng như "nước đổ lá khoai" mà thôi.
Các vụ việc bạo hành trẻ em trong trường học vẫn cứ diễn ra nhan nhản, báo chí vẫn đăng liên tục đấy thôi, có giảm đi tí nào đâu. Cái khoản phạt 10 triệu đối với cô Vân tôi đã nhắc đi nhắc lại đây là một hình thức cảnh cáo, răn đe để lần sau cô đừng làm như vậy với học sinh nữa.
Theo Tuổi trẻ