Tư liệu

Vụ cháy thúc đẩy Bắc Kinh quyết tâm cải tạo "nhà hẻm, ngõ sâu"

TB (theo VnExpress) 28/05/2024 14:04

Trận hỏa hoạn khiến 19 người chết năm 2017 khiến chính quyền Bắc Kinh (Trung Quốc) quyết tâm di dời, cải tạo các khu nhà trong hẻm sâu, không bảo đảm phòng cháy chữa cháy.

Bên ngoài chung cư Tụ Phúc Duyên ở thôn Tân Kiến thuộc trấn Tây Hồng Môn, quận Đại Hưng, Bắc Kinh, ngày 26/11/2017. Ảnh: Xinhua
Khu nhà Tụ Phúc Duyên ở thôn Tân Kiến thuộc trấn Tây Hồng Môn, quận Đại Hưng, Bắc Kinh, sau vụ cháy ngày 18/11/2017

Ngày 18/11/2017, đám cháy lớn bùng lên ở dãy nhà đa chức năng Tụ Phúc Duyên, nơi vừa là kho hàng, xưởng sản xuất và nhà ở tại Tây Hồng Môn, thị trấn thuộc quận Đại Hưng, phía nam thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc.

Tòa nhà nằm trên khu đất hơn 6.000 m2, diện tích xây dựng 20.000 m2, tầng hầm thứ nhất là kho lạnh, tầng một là khu ẩm thực, cửa hàng buôn bán, nhà tắm công cộng, xưởng làm biển quảng cáo, xưởng gia công quần áo và kho hàng...

Tầng hai và một phần tầng ba là nhà cho thuê với tổng cộng 305 phòng, vốn được hoạch định cho các gia đình trẻ. Tuy nhiên, chúng đã được cải tạo trái phép thành nhà trọ chung, chứa tới 10-20 người mỗi phòng, với hành lang ngoằn ngoèo, cửa sổ bịt kín khung sắt.

Chính quyền Tây Hồng Môn tiếp nhận quản lý khu vực này vào đầu tháng 11/2017 và dự kiến cải tạo, giải tỏa những căn hộ cơi nới trái phép vào ngày 18/11, nhưng hôm đó rơi vào thứ bảy nên hoãn sang tuần sau.

Ngọn lửa bùng lên từ kho lạnh dưới tầng hầm khu nhà này lúc 18 giờ. Trung tâm Chỉ huy Bắc Kinh nhận được tin báo lúc 18 giờ 15 và Sở Cứu hỏa thành phố lập tức điều động 34 xe chữa cháy, 188 nhân viên tới hiện trường.

Tuy nhiên, tòa nhà nằm giữa những công trình xây dựng trái phép dày đặc khiến lực lượng cứu hỏa gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận đám cháy. Đến 21 giờ 6, họ mới khống chế được đám cháy và giải cứu 73 người. Một tuần sau, khói độc từ vụ cháy vẫn chưa tan hết.

Điều tra cho thấy đám cháy bùng phát do sự cố chập điện sau tấm cách nhiệt trong kho lạnh đang cải tạo dưới tầng hầm. 19 người chết và 8 người bị thương vì ngộ độc CO2 trong hỏa hoạn, tất cả đều là lao động nhập cư đến từ địa phương khác, trong đó 8 người dưới 18 tuổi.

Chỉ 9 ngày trước đó, một vụ hỏa hoạn cũng xảy ra tại nhà kho ở quận Thuận Nghĩa, gần sân bay quốc tế Bắc Kinh, đúng lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa kết thúc chuyến thăm Trung Quốc. Những người trên chuyên cơ chở ông Trump rời Bắc Kinh hôm đó nhiều khả năng đều nhìn thấy đám khói lớn bốc lên từ nhà kho bị cháy.

Vụ hỏa hoạn không gây thương vong, nhưng phần nào ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh Bắc Kinh trong một sự kiện ngoại giao quan trọng của đất nước.

Sau hai vụ cháy, Bí thư Thành ủy Bắc Kinh và quyền Thị trưởng thành phố mở hội nghị, phát động chiến dịch đặc biệt kéo dài 40 ngày để kiểm tra, giải tỏa các "nhà hẻm, ngõ sâu" tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy trên khắp thành phố từ ngày 20/11/2017.

Máy móc phá dỡ các khu nhà xây trái phép ở thôn Tân Kiến ngày 18/3/2018. Ảnh: Terminus2049
Máy móc phá dỡ các khu nhà xây trái phép ở thôn Tân Kiến ngày 18/3/2018

Các khu vực bị kiểm tra được gọi là Chengzhongcun (làng trong phố). Một số từng là làng sản xuất nông nghiệp trở thành phố trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng của Trung Quốc, nhưng quy hoạch chưa bắt kịp với tốc độ phát triển. Những chỗ khác là "khu ổ chuột", nơi cư ngụ của lao động di cư từ nông thôn lên thành phố, không có hộ khẩu.

Sau khi rà soát, chính quyền Bắc Kinh bắt đầu thực thi kế hoạch cưỡng chế, dỡ bỏ các công trình xây dựng trái phép, trục xuất người thuê và xóa bỏ "nhà hẻm, ngõ sâu" hay những nơi kết hợp giữa nhà ở với nơi sản xuất, xưởng chế tạo.

Để thực hiện quyết tâm này, bên cạnh biện pháp vận động, tuyên truyền, chính quyền thành phố còn áp dụng chính sách quyết liệt như cắt điện, nước, khí đốt của những căn nhà xây dựng, cơi nới trái phép. Chỉ trong vài ngày, hơn 100.000 người bị cưỡng chế di dời.

Các khu nhà lộn xộn bị phá dỡ để xây dựng lại thành "làng đô thị" theo chuẩn quy hoạch, bảo đảm khả năng phòng cháy chữa cháy. Chính quyền cũng đầu tư xây dựng các khu nhà công cộng hoặc nhà trọ giá rẻ cho lao động nhập cư có thu nhập thấp.

Năm 2022, chính phủ Trung Quốc thông báo đã xây dựng được 6,5 triệu nhà trọ giá rẻ ở 40 thành phố, tương đương 26% tổng nguồn cung nhà ở mới trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025).

Chiến dịch của Bắc Kinh phù hợp với chính sách mà Chủ tịch Tập Cận Bình đề ra nhằm tăng cường năng lực cốt lõi của thành phố thủ đô. Trong chuyến thị sát Bắc Kinh năm 2014, ông Tập đã yêu cầu tăng cường chức năng lõi của thủ đô là chính trị, văn hóa, hội nghị quốc tế, khoa học công nghệ và đổi mới, đồng thời chuyển các chức năng khác ra ngoại ô.

Tuy nhiên, chiến dịch cũng khiến nhiều người lo ngại và cho rằng chính quyền đã bỏ qua các bước đánh giá rủi ro và tư vấn chuyên gia, khiến tiền bồi thường và hỗ trợ chưa đến đúng tay người lao động nhập cư phải di dời.

Các chuyên gia đề xuất để dỡ bỏ và cải tạo hiệu quả các khu ổ chuột tại những ngôi làng trong phố, Bắc Kinh cần thu hẹp chênh lệch giữa người có hộ khẩu thành phố với cư dân từ nông thôn bằng cách xây dựng nhà ở giá rẻ, trường học, để người có thu nhập thấp yên tâm lao động.

Sau 8 năm, quan điểm của Trung Quốc về "làng trong phố" và công tác di dân đã thay đổi. Hồi tháng 10/2023, Bộ Nhà ở và Kiến thiết thành thị, nông thôn Trung Quốc (MOHURD) cho rằng trong quá trình cải tạo chuyển đổi làng trong phố tại các đô thị và siêu đô thị Trung Quốc, chính quyền cần quy hoạch diện tích nhà ở xã hội nhất định, thu hút các dự án chất lượng cao, cung cấp một tỷ lệ nhất định không gian khởi nghiệp giá thành thấp, bảo đảm nhu cầu khởi nghiệp của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng như hộ kinh doanh cá thể.

"Ngồi tàu điện ngầm tới đầu thành phố làm việc, cuối ngày ngồi tàu về làng nghỉ ngơi", Đài Truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV trong bài báo năm 2023 đã mô tả về tình trạng cư trú và làm việc của những người được gọi là lao động nhập cư "phiêu dạt" ở Bắc Kinh. Theo CCTV, đây cũng là mô hình thu nhỏ về điều kiện sống của người dân trong các ngôi làng trong phố thời hiện đại.

Nghiên cứu của Viện Quy hoạch Thiết kế đô thị Bắc Kinh công bố hồi tháng 10/2023 cho thấy Bắc Kinh bây giờ còn 501 "làng trong phố", chủ yếu nằm ở đường vành đai 5 và 6, tại các nút giao thông từ nội thành ra ngoại thành và các nhà ga của tuyến đường sắt nối trung tâm thành phố với bên ngoài.

Du Hồng, kỹ sư Phòng Quy hoạch Đổi mới thành thị thuộc Viện Quy hoạch Thiết kế đô thị Bắc Kinh, cho biết phân tích dữ liệu lưu thông của 1,5 triệu người tại hơn 500 ngôi làng trong phố ở Bắc Kinh cho thấy đa phần di chuyển vào các khu vực trung tâm thành phố để làm việc như Trung Quan Thôn, thung lũng silicon ở quận Hải Điến thuộc vành đai 4; trung tâm tài chính kinh tế truyền thông ở quận Triều Dương giữa vành đai 3 và 4...

Ngoài sinh viên đại học mới tốt nghiệp, các ngôi làng trong phố cũng là nơi cư ngụ chính của những người lao động trong các ngành nghề mới như giao đồ ăn, lái xe công nghệ, sáng tạo nội dung.

Sơ đồ phân bổ vành đai của thành phố Bắc Kinh. Ảnh: Google Map
Sơ đồ phân bổ đường vành đai của thành phố Bắc Kinh

Trước cơ cấu dân số ngày càng đa dạng, chức năng "tăng trưởng tự nhiên" của các ngôi làng trong phố cũng dần hoàn thiện. Nghiên cứu của Du Hồng cho thấy các ngành nghề kinh doanh và cơ sở hạ tầng công cộng ở khu vực này có mật độ thấp hơn trong nội thành, nhưng chất lượng tốt hơn ở ngoại thành. Ngoài ra, do quy mô nhỏ, mô hình kinh doanh hướng đến đối tượng thu nhập trung bình và thấp, đông khách hàng thanh niên, nên các cơ sở ăn uống, mua sắm, chữa bệnh ở đây dễ tồn tại và phát triển hơn.

Thôn Tân Trang ở quận Xương Bình là một ngôi làng trong phố nổi tiếng ở Bắc Kinh với cư dân chủ yếu là các lập trình viên làm việc cho những công ty công nghệ lớn ở Thôn Quan Trung.

Thôn này nằm cách ga tàu điện ngầm Sa Hà khoảng một km, có 70.000 người sinh sống, bao quanh là cửa hàng cửa hiệu và chợ đêm luôn đông đúc nhộn nhịp. Giá thuê nhà rẻ nhất ở đây là 800 tệ một tháng (110 USD). Tổng chi phí sinh hoạt khoảng 2.500 - 4.000 tệ một tháng (345 - 550 USD).

"Ở các giai đoạn khác nhau trong quá trình đô thị hóa của Bắc Kinh, làng trong phố đã gánh vác trách nhiệm lịch sử, cung cấp các dịch vụ cơ bản cho phát triển đô thị cũng như nhà ở giá rẻ cho nhóm người thu nhập thấp. Nhóm người này trở thành cư dân mới của Bắc Kinh", Mao Kỳ Trí, giáo sư Học viện Kiến trúc thuộc Đại học Thanh Hoa kiêm Tổng Thư ký diễn đàn Đô thị Bách nhân Trung Quốc, nói.

"Đối với những người muốn thi vào các trường đại học Bắc Kinh, Thanh Hoa, Nhân dân... hay nhân viên IT ở Trung Quan Thôn, những ngôi làng trong phố này là nơi đầu tiên họ đặt chân đến thành phố trong quá trình phấn đấu, trưởng thành", ông nhấn mạnh.

Điền Lê, giáo sư Khoa Quy hoạch đô thị thuộc Học viện Kiến trúc, Đại học Thanh Hoa, cho rằng chính quyền địa phương nên rút kinh nghiệm về cải tạo các khu ổ chuột và nhà ở cũ trước đây để cải tạo làng trong phố, kích thích đầu tư, trong bối cảnh thị trường bất động sản trì trệ và tăng trưởng kinh tế suy giảm.

TB (theo VnExpress)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ cháy thúc đẩy Bắc Kinh quyết tâm cải tạo "nhà hẻm, ngõ sâu"
    ss