VTV tuyên bố lỗ nặng nếu mua bản quyền World Cup 2018 bởi bị hét giá quá cao. Quả bóng trên nước Nga chuẩn bị lăn, chỉ còn mỗi Việt Nam là chưa đạt thỏa thuận.
VTV tuyên bố sẽ không mua bản quyền World Cup 2018 bằng mọi giá. Điều này hoàn toàn hợp lẽ và nên thế khi mà được một lãnh đạo khẳng định, nếu làm điều ấy nhà đài sẽ lỗ 90%.
Đại diện VTV cho biết nhà đài đàm phán căng thẳng nhiều tháng qua và đang nỗ lực hết sức... |
World Cup đúng là một món ăn tinh thần, nhưng để mang món ăn được cả thế giới cùng thưởng thức, về Việt Nam, thì hẳn thuộc về phạm trù kinh doanh.
Chỉ hơi chạnh lòng một chút, rồi lại thêm cả nỗi băn khoăn, lúc này đây khắp thiên hạ đều đã lên lịch phát sóng cụ thể từng trận đấu, thì ở Việt Nam việc đàm phán với đối tác mua bản quyền World Cup 2018, với thông tin từ VTV là dù nỗ lực nhưng vẫn chưa đi đến đâu!
Vấn đề, ngay từ 2 năm trước khi VTV bước vào đàm phán và đến hiện giờ chỉ trọn gói duy nhất trong chữ TIỀN. Và cũng phải nói ngay rằng, các quốc gia khác để mua được quyền phát sóng trực tiếp 64 trận đấu diễn ra tại Nga thì cũng chỉ đi qua duy nhất... con đường (tiền) ấy.
Ngay cả như Lào, Campuchia hạn hẹp hơn chúng ta, nhưng cũng đều đã yên vị. Có thể bảo vì họ được FIFA trợ giá, phải chi ít hơn. Tuy nhiên, vì nghèo nên họ chi ít, nhưng cũng đã phải mất một số tiền mà với "người nghèo" thì cũng vẫn là lớn.
Các quốc gia khác đều đã có lịch phát sóng, World Cup 2018 nóng lắm rồi... |
Việt Nam từng được hưởng điều tương tự, cho đến 4 năm trước nghe nói đã "leo thang" từ 3 triệu USD (World Cup 2010) lên 7 triệu USD và World Cup 2018 bị phía đối tác hét đòi gấp đôi mức ấy?
Đã có những thắc mắc sao chúng ta bị vòi giá tăng chóng mặt đến vậy, khi 4 năm qua Việt Nam không phải là nhảy vọt? Nhìn qua người bạn Singapore, con số họ chi kỳ này, 18,6 triệu USD, chỉ nhỉnh hơn một chút so với World Cup 2014, xấp xỉ 18 triệu USD.
Các quốc gia khác cũng không tăng chóng mặt như thế. Chưa kể, nhìn vào những "ông kẹ" của thế giới, thì có nhiều quốc gia thậm chí giải quyết gọn lẹ việc mua bản quyền truyền hình World Cup đến tận 8 năm sau.
Cụ thể là Canada, với CTV, TSN có bản quyền phát sóng liên tiếp World Cup 2018, World Cup 2022, World Cup 2026. Tại Mỹ, Fox và Telemundo cũng "chốt" xong kỳ World Cup diễn ra tại Qatar. Ở Anh, đài BBC và ITV cũng nắm điều tương tự, xong bản quyền World Cup 2022. Brazil cũng thế,...
Một đất nước cuồng nhiệt với các đội tuyển nước nhà, với bóng đá nói chung, lẽ nào lại thiếu món ăn tinh thần 4 năm mới có 1 lần mà thiên hạ đều đã lên mâm? |
Biết rằng, người khác, ta khác nhưng nhìn qua thiên hạ thì khán giả Việt Nam vẫn không khỏi phát thèm. VTV khiến CĐV yêu bóng đá thấp thỏm liệu có được xem World Cup 2018 một cách chính thống. Bởi ngay cả khi vắng nhà đài, tuy có buồn nhưng chắc chắn người hâm mộ Việt Nam vẫn "mò" xem được giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh 4 năm mới có 1 lần.
Có ý kiến cho rằng, VTV không mua được bản quyền World Cup 2018 biết đâu lại hay, bởi từ đó chúng ta mới vỡ ra được khối điều, mà câu hỏi mấu chốt tại sao một đất nước cuồng nhiệt bóng đá đến vậy lại không mua nổi bản quyền phát sóng?
Lỗ nặng, vậy thì ra bài học kinh doanh... Lại nhìn thấy Singapore, World Cup 2018 đánh dấu lần đầu tiên ba đơn vị chung tay "làm ăn". Hay Thái Lan là 9 doanh nghiệp hùn tiền mua bản quyền...
Nếu thế thì, hãy cứ tin vào phút 89 kịch tính, với sự cố gắng cao độ của VTV, chuyện bản quyền World Cup 2018 ngã ngũ với tin vui, và dĩ nhiên hệ thống của VTV với VTVcab và K+ đã sẵn sàng từ trước đó...
Lúc ấy, World Cup đã ào vào nhà nhà, nếu để VTV phải chịu lỗ nặng thì quả đáng tiếc...
MAI NGUYỄN (Vietnamnet)