Tại cuộc gặp gỡ báo chí, Phó Chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên cho rằng mọi vấn đề phải được tôn trọng và thực hiện theo pháp luật.
Ầm ĩ chuyện cái tên
Là người tự tin và bản lĩnh có thừa, ông Kiên đủ khôn ngoan để không hàm hồ kết luận những vòng đấu đầu tiên toàn màu hồng: “Chúng tôi mừng vì dư luận, khán giả quan tâm hơn đến giải đấu. Nhưng lại cũng chưa vui vì chất lượng giải chưa cao, chưa cải thiện được rõ rệt, chưa đáp ứng được mong đợi của người xem. Còn xảy ra tình trạng “trống đánh xuôi...” giữa Ban kỷ luật và Ban khiếu nại, ở đâu đó còn xảy ra chuyện không hay”.
Chuyện không hay đầu tiên được các phóng viên đề cập đến là tên giải từ Super League trở về cách gọi truyền thống V-League. Ông Kiên gay gắt: “Tôi xin nhấn mạnh, chúng tôi không tranh chấp tên giải, không chọn tên nào hay hoặc dở. Tôi muốn hỏi VFF vì sao phải đổi tên và lợi, hại của nó thế nào mà buộc chúng tôi đổi ngay từ vòng 5? Cái tên không làm thay đổi bản chất giải đấu, không ảnh hưởng đến quyền lợi thương mại, kinh tế hoặc có những thiệt hại không đáng kể vì VPF sẽ chịu toàn bộ những thiệt hại về khâu kỹ thuật cho các CLB. Việc đổi tên không phải quyền hạn của cá nhân, ai thích gọi gì thì gọi mà đã được thực hiện theo đúng trình tự pháp luật”.
|
Bầu Kiên nói: “Chính Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã ký công văn gửi Bộ, trong đó có thông báo các thành viên sáng lập công ty sẽ tổ chức các giải chuyên nghiệp mà giải vô địch quốc gia sẽ mang tên ngoại hạng. Điều lệ VPF đã được VFF và 24 CLB thống nhất thông qua, trong đó cũng nói rất rõ việc này. Nếu Tổng cục TDTT, VFF kiên quyết ra lệnh VPF phải đổi tên, chúng tôi sẽ không chống đối nhưng tiếp tục kiến nghị sửa đổi. Nhưng Tổng cục TDTT nên xem xét, có đáng phải làm thế không? Cần phải tôn trọng tập thể. Tôi kiến nghị anh Thắng tuần sau xin ý kiến của các CLB, rồi thường trực VPF làm việc với thường trực VFF có sự chứng kiến của Tổng cục. Cũng cần có cuộc họp của VFF, VPF với Tổng cục và Bộ để giải quyết các vấn đề tồn đọng. VPF không mong muốn có nhiều chuyện lùm xùm”.
Còn theo ông Thắng: “Chẳng có gì to tát cả nhưng VFF làm khó chúng tôi quá vì ngày 11.2 đã đá rồi! Hơn nữa, thay đổi tên là thay đổi điều lệ, không đơn giản”.
Có người cố tình...gây mất đoàn kết?
PV Báo Thanh Niên hỏi: “Công luận rất “xốn” mắt vì liên tục chứng kiến nghịch cảnh là VPF và VFF “bốp chát” nhau bằng hết văn bản này đến văn văn bản khác. Sao không ngồi lại cùng nhau để giải quyết cho êm thấm?”. Ông Thắng vẫn rất nhẹ nhàng giải thích: “Chúng tôi rất thiện chí, nhưng đáng tiếc, có những công văn hỏa tốc của VFF đòi hỏi VPF phải thực hiện ngay. Ví dụ như việc đổi tên khiến tôi hoàn toàn bất ngờ! VPF không sử dụng tên sai, không đơn phương thay đổi mà chính lãnh đạo VFF cùng các CLB đã đồng ý khi ký và đóng dấu vào bản điều lệ. Giờ nếu không thay thì không được lòng cấp trên, mà thay thì sai luật pháp”.
Không biết sẽ có người nào đó của VFF “chạnh lòng” hay giật mình khi ông Kiên nói phiếm chỉ: “Cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được hợp đồng chuyển giao từ VFF mà mới chỉ duy nhất nghị quyết từ VFF và chẳng biết sẽ còn được nhận những gì? VPF còn phải làm thủ tục để được công nhận là thành viên chính thức của VFF tại đại hội thường niên sắp tới. Tôi không biết VPF có bị VFF gây khó dễ hay bắt bí không, nhưng khoảng cách hiện có giữa đôi bên, do có người, có cá nhân nào đó cố tình tạo ra. Nhưng dù ở hoàn cảnh nào, áp lực nặng nề mức nào, Hội đồng quản trị VPF sẵn sàng chịu trách nhiệm và đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra”.
Ông Kiên chẳng sỗ sàng trách cứ nhưng cái cách ông hỏi thì không hiền: “Bản thân tôi đã nhiều lần đề nghị, thúc giục nhưng không hiểu vì lý do gì, vào lúc này, khi đã đến vòng 5 mà Quy chế bóng đá chuyên nghiệp vẫn chưa được Tổng cục TDTT, Bộ thông qua. Đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước”.
Chưa có kết luận của thanh tra Bộ về bản quyền truyền hình (BQTH) nhưng ông Kiên mang hơi hướm của người đang nắm chắc phần thắng bởi liệt kê rất cụ thể, chi tiết những điều khoản của hàng “tá” văn bản pháp luật mà ông cho rằng Công ty AVG đang vi phạm.
Sẽ đấu tranh đến cùng BQTH
PV Báo Thanh Niên hỏi: “Ông từng nói, trước khi VFF ký với AVG về BQTH, ông đã khuyên Chủ tịch VFF nhiều lần. Mới đây, trên báo chí, ông Hỷ lại bảo: Tôi đã khuyên anh Kiên nhiều lần. Ông nghĩ sao về sự “qua lại” này?”. Ông Kiên tuyên bố: “BQTH liên quan đến tương lai bóng đá VN. Vì thế tôi đã chọn vấn đề này để đấu tranh và sẽ làm đến cùng, thậm chí sẵn sàng bỏ kinh doanh để đi đến cùng với bóng đá. Mục đích của chúng tôi rất đàng hoàng. Trong hợp đồng của AVG và VFF, có những điều kiện mà tôi không tiện nói ra nhưng không có lợi cho các phóng viên”.
Còn những điều mà ông Kiên tiện nói ra gồm 5 ý (ông đã trình bày rất cặn kẽ với đoàn thanh tra Bộ), chẳng hạn Mã số kinh doanh và giấy phép kinh doanh của AVG không trùng nhau, AVG không được quyền mua BQTH rồi bán lại vì chức năng chỉ là môi giới; VFF không thông qua đấu thầu, không chào giá cạnh tranh; Hợp đồng của AVG và VFF không được cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt; Biên bản ghi nhớ giữa VPF và VTV có thời hạn 3 năm với số tiền lớn hơn nhiều số tiền AVG trả cho VFF...
Ông Kiên cũng tự đặt ra tình huống xấu cho VPF nhưng lại ở thế... thượng phong: “Nếu thanh tra kết luận, hợp đồng đúng hợp pháp nhưng VPF không chấp nhận thì chính Bộ sẽ cử đoàn phúc tra. Kết quả vẫn không được như mong muốn của VPF thì sẽ đưa lên Tổng thanh tra Chính phủ. Và nếu tiếp tục không được VPF tâm phục khẩu phục thì tòa án sẽ là nơi giải quyết cuối cùng. Đó là một cách. Cách khác, nếu hợp đồng được công nhận nhưng VPF không thấy thỏa đáng thì sẽ yêu cầu các CLB kiến nghị tổ chức đại hội bất thường”.
Lan Phương