Vọng tiếng hồn thiêng sông núi

23/01/2016 15:02

Hình tượng nghệ thuật “Đặt tay lên ngực trống đồng” khá độc đáo xuyên suốt bài thơ khiến mỗi

Đặt tay lên trống ngực

NGUYỄN TRƯỜNG THỌ


Đặt tay lên ngực trống đồng
Để nghe vọng tiếng Lạc Hồng nghìn năm
Dịu đi giọt mắt ướt đầm
Dịu đi giọt máu tím bầm Mỵ Châu

Dấu đường lông ngỗng còn đau
Trắng phau chìm nổi bể dâu kiếp người
Một trăm chiếc trống làng tôi
Năm mươi xuống bể năm mươi lên rừng

Tay nắm chặt mắt rưng rưng
Thề non hẹn biển đã từng từ đây
Nước non thủa ấy hao gầy
Cháu con vun đắp tròn đầy nơi nơi

Đêm dầu cạn ngày đến vơi
Lệnh vua ban bố bề tôi một lòng
Non sông xã tắc hưng vong
Đặt tay lên ngực trống đồng lắng nghe.

người con đất Việt khi đọc đều đặt tay lên ngực của mình như nghe tiếng gọi tự nhiên từ ngàn xưa, lắng nghe nhịp đập của con tim hòa với tiếng trống đồng oai dũng mang linh hồn Việt. Và khi đặt tay lên ngực, ta như gặp bàn tay ấm áp của ông cha truyền thêm sức mạnh và niềm tin cùng sự tin cẩn gửi trao: “Đặt tay lên ngực trống đồng/Để nghe vọng tiếng Lạc Hồng nghìn năm”. Tiếng trống đồng như nhịp tim của dân tộc, của những người con mang trong mình dòng máu Tiên Rồng. Tiếng trống như cầu nối quá khứ oai hùng của dân tộc với hiện tại và tương lai.

 Từ xa xưa, trống đồng đã được coi là vật thiêng của người Việt cổ. Ở thôn Ðan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Ðịnh, cách TP Thanh Hóa 40 km về phía tây bắc có ngôi đền thờ thần Trống Đồng. Tương truyền, có một vị vua khi đi đánh giặc qua đây có nghỉ lại một đêm trên bến Trường Châu ở khúc sông Mã gần đền (có nguồn nói là vua Hùng Vương đời thứ nhất nhưng cũng có sách nói là vua Lý Thái Tông đi dẹp giặc ngoại xâm), trong giấc chiêm bao, vua được một vị thần xưng là “Ðồng Cổ” báo mộng bày cách dẹp giặc loạn. Khi vua tỉnh giấc còn nghe tiếng chuông đồng vọng từ ngôi đền dưới chân ba ngọn núi. Theo báo mộng của thần, khi ra trận, vua cho dùng dùi đồng gõ vào trống đồng làm giặc hoảng loạn sợ hãi bỏ chạy. Nhà vua sau đó đã quay lại để tạ ơn thần và cho tu bổ đền khang trang hơn. Tên đền “Ðồng Cổ” được dân làng gọi theo từ đó. Vua Lý Thái Tông còn cho rước thần “Ðồng Cổ” từ Ðan Nê về lập đàn thề trên đất Thăng Long (nay ở Thụy Khuê, Hà Nội), phong cho thần chức quan “chủ việc thề trong trì cả nước” và ngày 4-4 âm lịch hằng năm, vua cùng các quan văn võ đều ra đền  làm lễ “Minh thệ” (ăn thề): “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung trời tru đất diệt”. Các vương triều Trần - Lê vẫn duy trì nghi lễ quốc gia này.

Bài thơ của nhà thơ Nguyễn Trường Thọ khái quát được cả chặng đường lịch sử của dân tộc từ thuở dựng nước mà không hề gượng ép. Hình ảnh: “Một trăm chiếc trống làng tôi/Năm mươi xuống bể năm mươi lên rừng” chân thật, giản dị, nhắc lại lịch sử của giống nòi mang nghĩa đồng bào, tạo ấn tượng mạnh trong lòng người đọc, khơi dậy những gì tốt đẹp nhất chung đúc qua mấy nghìn năm lịch sử. Chính những người con đất Việt: “Tay nắm chặt mắt rưng rưng” ấy đã: “Thề non hẹn biển”, “vun đắp tròn đầy nơi nơi”. Người đọc lặng đi trước hình ảnh: “Đêm dầu cạn ngày đến vơi” như một ẩn dụ nói lên những giai đoạn thăng trầm của đất nước nhưng khi Tổ quốc cần: “Lệnh vua ban bố” thì “bề tôi một lòng”. Đấy là tinh thần, cốt cách và ý chí của người Việt. Bài thơ khép lại nhưng dư ba của tiếng trống đồng vang vọng mãi: “Non sông xã tắc hưng vong/Đặt tay lên ngực trống đồng lắng nghe”.

Bài thơ “Đặt tay lên ngực trống đồng” được làm theo thể lục bát khá nhuần nhị. Ý thức công dân không làm mất đi vẻ đẹp trong sáng và tự nhiên của ngôn từ mang tính trữ tình như nhắc nhở muôn đời con cháu không bao giờ được phép lơ là mất cảnh giác khi kẻ thù luôn lăm le xâm lược nước ta, bài học “giọt máu tím bầm Mỵ Châu” còn đó. Và mỗi khi: “Đặt tay lên ngực trống đồng” ta không chỉ được “nghe vọng tiếng Lạc Hồng nghìn năm” mà còn vang mãi lời thề day dứt, ám ảnh, thức tỉnh lương tri: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung trời tru đất diệt” trước từng tấc đất đã thấm máu của bao thế hệ.

TRẦN VĂN HẠC

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vọng tiếng hồn thiêng sông núi