Kỷ niệm Ngày jazz quốc tế, hãng đĩa Blue Note giới thiệu lại hơn 100 bản jazz hay nhất từ năm 1939 cho đến nay mà hãng từng phát hành.
Những ngôi sao nhạc jazz (từ trái qua): Lee Morgan, Herbie Hancock, Art Blakey, John Coltrane và Wayne Shorter. Ảnh: The New York Times
Jazz, "từ ngữ đặc biệt và nghe thật hay này, có nghĩa kiểu như là cuộc sống, sức sống, năng lượng, sự bồng bột của tinh thần, niềm vui, khí lực, cuốn hút như nam châm, sự cuồng nhiệt, sự can đảm, hạnh phúc", một trong những bài báo sớm nhất viết về jazz định nghĩa.
Kỷ niệm Ngày Jazz quốc tế, hãng đĩa Blue Note giới thiệu lại hơn 100 bản jazz hay nhất từ năm 1939 cho đến nay mà hãng từng phát hành.
Và nghe lần lượt lại hơn trăm nhạc khúc trong danh sách, giống như là bước lên một chuyến tàu lượn xuyên qua thời gian, chiêm nghiệm lại chừng ấy những định nghĩa về jazz.
Còn có thứ âm nhạc nào bồng bột và bột phát hơn Moanin’ - bản jazz bất hủ của tay trống Art Blakey và The Jazz Messengers?
Lee Morgan chơi một đoạn solo trumpet, rồi liền đó Benny Golson hồi đáp bằng cách biến tấu chính đoạn nhạc ấy trên cây saxophone của mình. Và đáng nói là cả hai đều không chuẩn bị trước.
Morgan đột nhiên sáng tác một đoạn jazz lick ngay trong phòng thu, Golson lập tức bắt lấy, như thể họ đang đối thoại bằng âm nhạc.
Còn có thứ âm nhạc nào dội lên sức sống mãnh liệt hơn bebop và hard bop, những nhánh nhỏ thống trị jazz vào thời hoàng kim những năm 1950-1960?
Sức sống nằm cả ở đó: nơi ngón đàn nghịch ngợm và đôi khi xấc xược, từ chối xoa dịu đôi tai người nghe của Horace Silver trong Señor Blues, nơi thứ âm nhạc rộn ràng, xủng xoảng của Bud Powell - người được ví như Charlie Parker của cây piano - trong Un Poco Loco, hay nơi những hòa âm phức tạp không thể xuyên thấu, luôn tươi mới dù bạn có nghe đến lần thứ bao nhiêu đi chăng nữa, trong Blue train - giai điệu vỡ lòng đối với tất cả những ai chớm bước vào thế giới jazz - của John Coltrane.
Danh sách của Blue Note được sắp xếp theo từng thời kỳ, và vì thế nó giúp ta nhận ra những dòng chảy xuyên suốt bất chấp sự tiến hóa không ngừng của jazz.
Chẳng hạn, âm nhạc của những nghệ sĩ đương đại như Bill Charlap, như Gregory Porter, như Norah Jones, dù tối giản hơn, song vẫn phảng phất đâu đó nét diễn cảm dịu dàng, không tỏ vẻ hay phô bày của Thelonious Monk trong ‘Round Midnight từ sáu, bảy mươi năm về trước.
Dẫu cho gần nửa những bản nhạc mà Blue Note chọn lựa đều ra đời khoảng thập niên 1950-1960, nhưng điều đó không có nghĩa sau đó jazz không còn nhiều tuyệt phẩm. Jazz hậu hard bop thậm chí còn phong phú hơn rất nhiều, với sự rẽ nhánh, sự giao cắt với vô vàn thể loại khác. Phổ của định nghĩa về "jazz" ngày càng mở rộng.
Một bản ballad ngọt ngào tình tứ kiểu Gershwin như Reflections (looking back) của Dianne Reeves cũng là jazz. Một bản nhạc thể nghiệm với âm hưởng nhạc Tây Phi như Empress Afternoon của Renee Rosnes cũng là jazz.
Mà một bản cover Montara, biến bản gốc đầy tính thư giãn của Bobby Hutcherson thành một phiên bản đầy tiếng ồn và tạp âm, của DJ và rapper Madlib cũng vẫn là jazz vậy.
Blue Note ra đời vào năm 1939 sau khi người sáng lập Alfred Lion chạy trốn khỏi chế độ Quốc xã để tìm một cuộc sống mới ở Mỹ. Chính ở đây, tinh thần tự do của một người tị nạn gặp gỡ tinh thần tự do của những người nghệ sĩ jazz.
Và có lẽ điều duy nhất kết nối tất cả những sản phẩm của Blue Note, thứ kiểu mẫu duy nhất bắt buộc phải có ở jazz, là tinh thần tự do. Không tự do thì không jazz, từ Gershwin đến nay vẫn không có gì đổi khác.
Theo Tuổi trẻ