16 đội tuyển tranh tài tại vòng chung kết U23 châu Á để tranh 3,5 suất dự Olympic Paris 2024, với trận cầu tâm điểm chủ nhà Qatar gặp Indonesia ở bảng A tối nay.
Đây là kỳ thứ sáu trong lịch sử của giải đấu. Giải năm nay diễn ra tại Qatar, từ ngày 15/4 đến 3/5, đánh dấu lần thứ hai quốc gia Tây Á đăng cai, sau lần đầu năm 2016. Đây cũng sự kiện thể thao lớn thứ ba liên tiếp được tổ chức ở Qatar sau World Cup 2022 và Asian Cup 2023 trên những sân vận động cùng những ứng dụng công nghệ hiện đại nhất.
Trận khai mạc U23 châu Á 2024 giữa Australia và Jordan sẽ diễn ra trên sân Abdullah bin Khalifa, với sức chứa 10.000 chỗ, vào lúc 16h giờ Doha, tức 20h giờ Hà Nội. Sau đó hai tiếng rưỡi, chủ nhà Qatar ra quân, gặp tân binh Indonesia trên sân Jassim Bin Hamad với sức chứa 15.000 chỗ.
Lứa cầu thủ trẻ Qatar hiện tại không được đánh giá cao như thời lứa 1996-1997 của Akram Afif và Almoez Ali. Trong khi đó, U23 Indonesia gồm nòng cốt giành huy chương vàng SEA Games 32 cùng một số gương mặt mang dòng máu lai Hà Lan, tự tin sẽ tiếp tục tạo nên kỳ tích mới, là vượt qua vòng bảng dưới thời HLV Shin Tae-yong. Trong năm 2023, bóng đá Indonesia đã có thêm những thành tích ấn tượng như lần đầu vượt qua vòng bảng Asian Cup và đứng trước cơ hội lớn lần đầu giành vé vào vòng loại ba World Cup 2026.
Hai sân đấu ở bảng A cũng sẽ tổ chức tất cả các trận bảng A và bảng B – có Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và UAE, cùng các trận tứ kết, bán kết, tranh hạng ba và chung kết.
Trong khi đó, bảng C có đương kim vô địch Arab Saudi, Iraq, Thái Lan, Tajikistan. Bảng D có á quân Uzbekistan, Việt Nam, Kuwait, Malaysia, được tổ chức ở sân Al-Janoub với hơn 44.000 chỗ và Khalifa International hơn 45.000 chỗ. Hai sân đấu này sẽ tổ chức thêm hai trận tứ kết.
Các đội thi đấu vòng tròn một lượt tính điểm để chọn ra bốn đội nhất, bốn đội nhì vào tứ kết. Đội vô địch, á quân và hạng ba sẽ giành vé chính thức dự Olympic Paris 2024. Trong khi đó, đội hạng tư đá play-off với đại diện châu Phi Guinea để tranh vé còn lại đến Pháp.
U23 châu Á lần đầu được tổ chức vào năm 2013, rồi chuyển sang tổ chức định kỳ vào năm chẵn kể từ năm 2016, đồng thời được tính là vòng loại Olympic môn bóng đá nam khu vực châu Á. Giải ghi nhận năm nhà vô địch khác nhau là Iraq năm 2013, Nhật Bản (2016), Uzbekistan (2018), Hàn Quốc (2020) và Arab Saudi (2022).
Tính đến kỳ này, mới có bảy đội tuyển góp mặt ở cả sáu kỳ, gồm Jordan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Uzbekistan, Iraq, Australia và Arab Saudi. Trong khi đó, Việt Nam có năm lần tham dự, với một lần á quân năm 2018, vào tứ kết năm 2022 và hai lần dừng bước ở vòng bảng năm 2016 và 2020. Việt Nam đang là đội Đông Nam Á giàu thành tích nhất ở sân chơi này.
Việt Nam sẽ đá trận khai màn gặp Kuwait vào ngày 17/4, sau đó lần lượt đấu Malaysia ngày 20/4, rồi Uzbekistan ngày 23/4. Mục tiêu của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn là vượt qua vòng bảng.
T.H (theo VnExpress)