Dù dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nhưng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của tỉnh vẫn tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước, chứng tỏ Hải Dương vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Chủ đầu tư Công ty TNHH May Tinh Lợi đã quyết định đầu tư 35 triệu USD xây dựng Nhà máy Tinh Lợi 3 tại cụm công nghiệp Nguyên Giáp (Tứ Kỳ)
Dù dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nhưng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của tỉnh vẫn tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước, chứng tỏ Hải Dương vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Tin tưởng lựa chọn
Ngày 27.1, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất mỹ phẩm Gereral Glory của nhà đầu tư General Glory Inc Limited có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc). Nhà máy xây dựng tại xã Đức Xương (Gia Lộc) có khả năng sản xuất 25.600 tấn mỹ phẩm, 8.500 tấn sản phẩm từ nhựa phục vụ một phần cho việc đóng gói mỹ phẩm; kinh doanh, xuất nhập khẩu, gia công đóng gói mỹ phẩm, đồ chơi phụ kiện; 5.900 tấn sản phẩm dệt kim, thủ công, văn phòng phẩm, văn hóa phẩm, ống mềm, các loại sản phẩm nhựa, in ấn, sản phẩm từ tre, mây, gỗ, EVA, các sản phẩm từ giấy... Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 20 triệu USD.
Cùng với dự án của nhà đầu tư General Glory Inc Limited, trong 5 tháng đầu năm nay Hải Dương cũng thu hút được 10 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký 98 triệu USD, trong đó có một số dự án vốn đăng ký khá lớn như Nhà máy sản xuất đồ chơi Jun Cheng Việt Nam tại phường Hoàng Tiến (Chí Linh) của Công ty TNHH Công nghiệp Jun Cheng Việt Nam với tổng vốn đăng ký 12 triệu USD; Dự án May Tinh Lợi 3, vốn đăng ký 35 triệu USD…
Ngoài các dự án cấp mới, trong những tháng đầu năm có 22 lượt dự án tăng vốn đầu tư với số vốn tăng thêm 139,2 triệu USD gồm 5 dự án ngoài khu công nghiệp (KCN) và 17 dự án trong KCN. Đầu tháng 1, Công ty CP Chemilens Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc) đang hoạt động trong KCN Đại An quyết định bổ sung vốn đầu tư dự án sản xuất mắt kính, mắt kính thuốc; sản xuất khuôn; thực hiện quyền nhập khẩu, quyền xuất khẩu và quyền phân phối bán buôn hàng hóa, với tổng vốn đăng ký tăng thêm khoảng 21,6 triệu USD. Đây là lần thứ ba doanh nghiệp này bổ sung vốn sau 2 lần vào các năm 2012 và 2016. Sau 13 năm có mặt tại Hải Dương, tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp này tăng từ gần 16,3 triệu USD lên gần 51,3 triệu USD.
Cũng trong tháng 1.2021, Công ty TNHH Công nghệ Welco Việt Nam (100% vốn Hồng Kông) đang hoạt động trong KCN Kỹ thuật cao An Phát quyết định bổ sung 15 triệu USD vốn đầu tư cho dự án sản xuất, gia công và lắp ráp bảng mạch điện tử. Sau lần tăng vốn này, tổng vốn đăng ký của công ty nâng lên 25 triệu USD. Công ty có khả năng sản xuất, gia công, lắp ráp 2,6 triệu sản phẩm/năm.
Tính chung đến hết ngày 31.5, toàn tỉnh đã thu hút được 244,7 triệu USD vốn FDI, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, những tháng đầu năm 2021 dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp trên địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu hút vốn FDI. Thời gian tới, các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện cải cách hành chính trong cơ chế phối hợp giám sát và kiểm tra hoạt động đầu tư, trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức trong việc giải quyết các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, xuất nhập khẩu, lao động, môi trường… nhằm loại bỏ phiền hà, tạo điều kiện thời gian nhanh nhất cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án. Công khai, minh bạch về đầu mối, thời gian giải quyết hồ sơ, đầu mục hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lên mạng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư nước ngoài, góp phần tăng thêm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại địa bàn.
Ông Lê Hồng Diên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết sở sẽ xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm tạo sự thống nhất, thuận tiện, nhanh gọn khi giải quyết thủ tục hành chính, tập trung vào các thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy phép xây dựng, môi trường và các điều kiện đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp. Tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật đã ban hành để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật của tỉnh, hủy bỏ những văn bản không còn phù hợp; xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, dễ tiếp cận, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, củng cố lòng tin hơn nữa để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm sản xuất, kinh doanh tại Hải Dương. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các dịch vụ cung cấp các thông tin về thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh. Tăng cường thông tin về lao động và các dịch vụ hỗ trợ việc làm; hỗ trợ kinh phí đào tạo đội ngũ công nhân có trình độ tay nghề cao đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Quan tâm tư vấn các vấn đề pháp lý và hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính về thuê đất, giải phóng mặt bằng, xuất nhập khẩu, hải quan.
VỊ THỦY