Trong 18 ngành lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài, khu vực công nghiệp chế biến-chế tạo tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 6,98 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20.6, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài là 15,27 tỷ USD, bằng 97,4% so với cùng kỳ năm 2020; vốn thực hiện tại dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 9,24 tỷ USD và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, cả nước có 804 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 43,3%), song tổng vốn đăng ký đạt gần 9,55 tỷ USD (tăng 13,2% so với cùng kỳ). Ngoài ra, có 460 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 12,5%) và tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 4,12 tỷ USD (tăng 10,6% so với cùng kỳ). Nhà đầu tư nước ngoài cũng đã tham gia 1.855 lượt góp vốn mua cổ phần (giảm 55%) với tổng giá trị vốn góp đạt gần 1,61 tỷ USD (giảm 54,3% so với cùng kỳ).
Báo cáo cho biết trong 18 ngành lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài, khu vực công nghiệp chế biến-chế tạo tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 6,98 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Kế đến là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện với tổng vốn đầu tư 5,34 tỷ USD, chiếm gần 35% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt 1,15 tỷ USD và 476 triệu USD.
Hiện có 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,64 tỷ USD, chiếm gần 36,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Đứng vị trí thứ hai là Nhật Bản, có tổng vốn đầu tư 2,44 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng vốn đầu tư và tăng 66,8%; Hàn Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,05 tỷ USD, chiếm 13,4% tổng vốn đầu tư, tăng 43,6% so với cùng kỳ.
Lũy kế đến ngày 20.6, cả nước có 33.787 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 397,89 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 241,1 tỷ USD, bằng 60,6% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Trong nền kinh tế, kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng mạnh. Cụ thể, xuất khẩu kể cả dầu thô đạt trên 116 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ, chiếm 74,1% kim ngạch xuất khẩu. Và, xuất khẩu không kể dầu thô là 115,3 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ, chiếm 73,6% kim ngạch xuất khẩu.
Bên cạnh đó, nhập khẩu của khối ngoại đạt trên 102,6 tỷ USD, tăng 38,7% so cùng kỳ và chiếm 64,9% kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Như vậy tính chung trong 6 tháng, khu vực đầu tư nước ngoài đã xuất siêu 13,4 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 12,7 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 14,9 tỷ USD.
Theo Vietnam+