Vốn cho nông nghiệp công nghệ cao bị tắc

28/08/2017 05:49

Gói tín dụng 100.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi nhưng đến nay các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn trên.



Tài sản thế chấp đang làm khó nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao


Gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất thấp hơn từ 0,5-1%/năm so với lãi suất thông thường đã tạo hy vọng cho nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Mặc dù vậy, đến nay các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn trên.

Khó vay

Ông Phạm Mạnh Kh. ở xã Quốc Tuấn (Nam Sách) vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp này. Ông Kh. băn khoăn: “Mang dự án trồng rau an toàn theo hướng nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) đến gõ cửa ngân hàng thì chỉ nhận được những cái lắc đầu vì chúng tôi không có tài sản bảo đảm. Đất để sản xuất chủ yếu đi thuê nên không có sổ đỏ thế chấp. Tài sản trên đất cũng chưa có nhiều bởi doanh nghiệp chưa vay được vốn để đầu tư. Một số ngân hàng còn không muốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp do lo ngại rủi ro, khó thu hồi nợ”.

“Một số ngân hàng nới lỏng điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn để phát triển NNCNC bằng tài sản trên đất nhưng định giá tài sản rất thấp”, bà Nguyễn Thị Chính, Giám đốc Công ty CP Kim Chính (Nam Sách) nêu ý kiến. Công ty CP Kim Chính dự kiến sẽ đầu tư xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi từ đồng ruộng đến bàn ăn. Số vốn đầu tư không nhỏ nên doanh nghiệp phải cầu viện đến ngân hàng. Khi mang hồ sơ đến vay, không ít ngân hàng đã khước từ vì tài sản trên đất định giá không được nhiều. “Tôi đã phải bỏ ra hơn 20 tỷ đồng để thuê đất và san lấp mặt bằng. Số tiền không nhỏ nhưng mảnh đất này lại không được chấp nhận là tài sản bảo đảm. Một số tài sản trên đất được định giá chỉ bằng 70% giá trị”, bà Chính nói.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương, đến giữa tháng 8, Hải Dương vẫn chưa có doanh nghiệp nào được vay vốn từ gói tín dụng này. Nguyên nhân do hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp nào đạt chuẩn doanh nghiệp NNCNC theo bộ tiêu chí mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành. Thủ tục hành chính để cấp, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền trên đất để thực hiện giao dịch bảo đảm với ngân hàng còn khó khăn. Bên cạnh đó, Thông tư 19 của Ngân hàng Nhà nước ban hành tháng 3 vừa qua đã khiến chủ thể vay vốn thay đổi. Điều này tác động không nhỏ đến việc vay vốn của các doanh nghiệp đầu tư phát triển NNCNC trong tỉnh. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng khiến các ngân hàng thương mại ngại cho các doanh nghiệp vay đầu tư vào lĩnh vực này.

Từng bước tháo gỡ

"Tôi đã phải bỏ ra hơn 20 tỷ đồng để thuê đất và san lấp mặt bằng. Số tiền không nhỏ nhưng mảnh đất này lại không được chấp nhận là tài sản bảo đảm."


Tại Hội nghị “Thúc đẩy tín dụng nông nghiệp, nông thôn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sạch” vừa được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, nhiều doanh nghiệp đã đề nghị ngân hàng nới lỏng điều kiện cho vay. Bà Vũ Thị Nga, Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chi nhánh Hải Dương cho biết: “Sacombank vừa đưa ra chính sách cho vay ưu quyền. Theo đó, tài sản trên đất sẽ được ngân hàng định giá với mức từ 80-90%, một số dự án sẽ được định giá tới 100%. Mức định giá này cao hơn so với quy định chung của Ngân hàng Nhà nước từ 20-30%. Như vậy, số tiền được vay của doanh nghiệp sẽ nhiều hơn”.

Để giúp các doanh nghiệp dễ dàng vay vốn làm NNCNC, một trong những điều kiện cần là Hải Dương phải quy hoạch được vùng sản xuất NNCNC, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Việc tích tụ ruộng đất cần được các địa phương nhanh chóng triển khai. Theo Bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh đã tích tụ được hơn 800 ha đất để phục vụ sản xuất nông nghiệp tập trung. Để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất, mở rộng sản xuất, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ 5 triệu đồng/ha/năm tiền thuê đất trong 2 năm đối với các mô hình có quy mô từ 5 ha/vùng trở lên, có thời gian thuê tối thiểu 5 năm liên tục và liền vùng, liền thửa. “Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp đầu tư vào NNCNC và bảo đảm một số điều kiện để được vay vốn”, bà Hà nói.

Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn trong vay vốn NNCNC, tới đây, Hải Dương sẽ đẩy nhanh việc tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung và ứng dụng công nghệ cao. Các địa phương trong tỉnh, nhất là các vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng NNCNC. Từ đó thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất trong các vùng này, giúp doanh nghiệp đủ tiêu chí để được công nhận là doanh nghiệp NNCNC. Lãnh đạo tỉnh cũng sẽ nghiên cứu học tập kinh nghiệm thu hút đầu tư vào NNCNC tại các tỉnh có cách làm hay như Hà Nam, Thái Bình, Vĩnh Phúc để từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là nguồn vốn đầu tư sản xuất. Tỉnh sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm ở thị trường trong và ngoài nước, từ đó giúp các ngân hàng thêm tin tưởng cho doanh nghiệp sản xuất NNCNC vay vốn.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương sẽ phối hợp với các ngân hàng thương mại tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho từng doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn kịp thời. Ngoài vay vốn từ gói tín dụng 100.000 tỷ đồng, các ngân hàng thương mại sẽ triển khai những gói tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp, nông thôn, phát triển NNCNC và nông nghiệp sạch để thêm lực cho NNCNC của Hải Dương phát triển.

HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vốn cho nông nghiệp công nghệ cao bị tắc