Trong những ngày tháng Tư lịch sử, như một thói quen, rất nhiều anh em báo chí tìm tới nhà nhạc sĩ Phạm Tuyên.
\
Nhạc sĩ Phạm Tuyên nhận bằng chứng nhận công dân Thủ đô ưu tú
Nhạc sĩ Phạm Tuyên - tác giả ca khúc "Như có Bác trong ngày đại thắng” - một tấm bia tạc vào nền ca khúc cách mạng Việt Nam. Ông cũng dành cho cộng tác viên của Báo Hải Dương thời gian để nhớ về ngày toàn thắng.
Ngày 18. 4 năm nay tôi về Hà Nội, đến thăm ông. Chậm rãi bước lên phòng P305 nhà N2, ngõ 36 phố Vạn Bảo, quận Ba Đình (Hà Nội), tôi gõ cửa. Nhạc sĩ Phạm Tuyên từ trong buồng bước ra tươi cười. Đã mấy năm nay ông không đi đâu xa. Một mình ông, xung quanh là những tủ sách, tài liệu, những hiện vật, kỷ niệm của một chặng đường cách mạng và hoạt động âm nhạc của ông. Tôi để ý nào là Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, các huân chương, bằng tôn vinh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2011... Chiếc bàn kê giữa gian phòng có khá nhiều sách báo. Hóa ra đây chính là sợi dây để ông không bị xa rời với cuộc sống bên ngoài.
Ông có vẻ gầy hơn những lần tôi gặp trước. Ở cái tuổi 87 như ông, còn minh mẫn được thế là quý lắm. Ông bảo: "Mấy ngày nay, các em ở các cơ quan truyền thông điện thoại đến, liên hệ xin được ghi hình, phỏng vấn về ký ức những ngày cuối cùng cuộc chiến 30.4.1975. Nhưng không phải xảy ra ở chiến trường, mà là ở hậu phương, ở ngay trên mảnh đất Thủ đô, khi tôi còn làm trong Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam”. Nhưng ông từ chối khéo, rằng mình đã kể nhiều rồi, năm nào cũng vẫn những câu chuyện ấy. Vả lại nói năng bây giờ cũng khó nhọc hơn. Lại có phóng viên xin ghi âm, hồi ức... Cuối cùng ông bảo "thôi thì nói đôi điều, để cho bạn bè gần xa biết mình vẫn còn đấy”.
Hẳn bạn đọc từng biết chuyện nhạc sĩ Phạm Tuyên viết ca khúc lịch sử này vào đêm 28.4.1975, sau khi nghe bản tin cuối cùng của Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin phi công Nguyễn Thành Trung ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Linh tính như báo cho ông biết, cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam đã đến hồi kết. Và cảm xúc trào dâng trong trái tim người nhạc sĩ đang thời kỳ sung mãn, từng trải nghiệm, nấu nung, đến nỗi chưa đầy 2 giờ đồng hồ ông đã viết xong bài "Như có Bác trong ngày đại thắng" - một tấm bia tạc vào nền ca khúc cách mạng Việt Nam.
Điều kỳ thú là trong ca khúc này, nhạc sĩ Phạm Tuyên chỉ sử dụng có 40 từ và 20 từ nhắc lại 4 lần “Việt Nam- Hồ Chí Minh”, tổng số là 60 từ cho cả bản nhạc. Giai điệu giản dị, ca từ ngắn gọn, súc tích, dễ hát dễ thuộc, ca khúc có sức sống mãnh liệt, rất hiếm thấy trong âm nhạc nước nhà. Người ta hát trong sinh hoạt cộng đồng, trong lễ tiết, những buổi giao lưu. Cũng từ nhạc phẩm này, nhạc sĩ Phạm Tuyên được thưởng Huân chương Lao động hạng ba.
Ông sinh ngày 12.1.1930, quê thôn Lương Ngọc, xã Thúc Kháng (Bình Giang), là con thứ 9 của ông chủ bút tạp chí Nam Phong - Phạm Quỳnh, từng nổi tiếng với câu nói “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn” từ những năm đầu thế kỷ trước. Cha ông là nhà văn hóa, tận tâm muốn tài bồi nền quốc văn, quốc học cho dân tộc. Từ nhỏ ở với cha mẹ tại Huế, Phạm Tuyên đam mê văn học nghệ thuật, đặc biệt tiếp cận đàn nguyệt. Vào Quốc học Huế, ông được học nhạc lý phương tây, biết chơi phong cầm và ghi ta.
Vượt lên nỗi choáng trong cơn gia biến năm Ất Dậu 1945, sau ngày toàn quốc kháng chiến, Phạm Tuyên đã tham gia các hoạt động của thanh niên, sinh viên. Năm 1949, ông công tác tại Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, khóa V. Năm 1950, là Đại đội trưởng tại Trường Thiếu sinh quân Việt Nam. Trong thời gian này, ông đã có những chùm ca khúc về Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, về thiếu sinh quân Việt Nam. Khi tròn 20 tuổi, ông đã đứng vào hàng ngũ của người cộng sản.
Năm 1954, ông được cử làm cán bộ phụ trách văn-thể-mỹ tại Khu học xá Trung ương (Nam Ninh, Trung Quốc). Năm 1958, về nước, ông công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, đảm nhiệm nhiều chức vụ chỉ đạo về biên tập âm nhạc. Từ đó cho đến năm 1975, ông đã sáng tác nhiều bài hát được nhiều người biết như "Bài ca người thợ rừng", "Bài ca người thợ mỏ", hợp xướng "Miền Nam anh dũng và bất khuất", "Bám biển quê hương", "Yêu biết mấy những con đường", "Chiếc gậy Trường Sơn"...
Trong sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Tuyên, đề tài về Đảng, đất nước và trẻ thơ là đặc sắc nhất. Với hơn 200 ca khúc, chiếm khoảng 1/3 gia tài đồ sộ của mình, những nhạc phẩm cho thiếu niên, nhi đồng đã được nhiều thế hệ thiếu nhi cả nước yêu thích. Hầu hết những tác phẩm ấy, ông được người bạn đời - phó giáo sư, tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Ánh Tuyết giúp sức. Bà là người mẹ của hai đứa con, còn là bạn tri âm của chồng. Nhưng người bạn tri âm ấy của ông đã ra đi vì tật bệnh gần chục năm nay... Chiếc đàn piano đặt hững hờ trong phòng khách.
Chỉ tính từ khi làm âm nhạc chuyên nghiệp năm 1958 cho tới lúc nghỉ hưu năm 1994, nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác khoảng 700 ca khúc trữ tình cách mạng. Trên chặng đường âm nhạc đầy gian nan, người bộ hành nặng trĩu đôi vai nghĩa vụ và trách nhiệm, để lại phía sau những dấu ấn khó phai.
Là một nhạc sĩ nổi tiếng, là người của công chúng, nhưng nhạc sĩ Phạm Tuyên sống rất giản dị, chân tình. Mấy năm trước, khi tôi viết cuốn sách “Phạm Quỳnh, con người và thời gian”, đến nhà ông liên hệ mong được giúp đỡ về nguồn tư liệu. Dạo ấy, vợ ông mới mất, trong tâm trạng hẫng hụt, vậy mà ông đã dành nhiều thời gian cho tôi. Ông thường gửi những sách báo, tài liệu sưu tập từ nước ngoài, rồi ra tận bưu điện gửi về cho tôi làm chứng cứ khảo cứu.
Nói chuyện với tôi, ông hay tâm sự: “Hãy biết sống và cống hiến cả khi đời mình hoàn cảnh không thuận lợi”. Vài năm trước ông vẫn khoe mình đi giúp địa phương thẩm định các nhạc phẩm, vẫn tiếp xúc với các báo chí, dự các sự kiện lớn về âm nhạc... Ông chẳng ngại gì tuổi cao, về Nhà Thiếu nhi Hải Dương giao lưu với các cháu nhỏ, để các cháu thắt khăn quàng đỏ cho mình rồi vỗ tay cùng hát: "Tùng dinh dinh…".
Còn bây giờ, đã vào tuổi xưa nay hiếm, nhạc sĩ Phạm Tuyên vẫn đau đáu khát vọng hãy quan tâm hơn nữa đến âm nhạc thiếu nhi, hãy gieo vào tâm hồn các em những nét đẹp truyền thống, nhân văn hướng đến tương lai...
KHÚC HÀ LINH
- Năm 2012, nhạc sĩ Phạm Tuyên được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt IV về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm "Những ngôi sao ca đêm", "Từ làng Sen", "Đêm trên Cha Lo", "Tiến lên đoàn viên", "Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng".
- Năm 2001, nhạc sĩ Phạm Tuyên được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho cụm 5 tác phẩm: Đảng đã cho ta một mùa xuân, Bám biển quê hương, Chiếc gậy Trường Sơn, Gảy đàn lên hỡi người bạn Mỹ, Như có Bác trong ngày đại thắng. |