Phong trào hiến máu tình nguyện đã cung cấp lượng máu ngày càng lớn, căn bản đáp ứng đủ nhu cầu về máu phục vụ cấp cứu và điều trị người bệnh.
Tại Việt Nam, 98,3% lượng máu thu được từ những người hiến máu tình nguyện
Thời điểm hiện tại, nhiều địa phương trong cả nước đang đối mặt với tình trạng khan hiếm máu cho điều trị vào cuối năm và lo ngại sẽ thiếu nguồn người hiến máu cho dịp tết và ngay sau tết, đặc biệt là đối với hai nhóm máu O và A.
Nhiều bệnh viện khan hiếm máu
Cứ đến dịp cuối năm và tết, nhu cầu về máu trong cấp cứu và điều trị rất lớn. Bởi đây cũng là thời điểm số ca tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt... gia tăng. Cùng với đó, nhiều bệnh nhân mắc bệnh mạn tính cũng mong muốn điều trị ổn định để ra viện, về nhà ăn tết. Trong khi đó, lượng máu thu gom được khó khăn hơn bình thường.
Tại Việt Nam, 98,3% lượng máu thu được từ những người hiến máu tình nguyện, trong đó chiếm trên 45% là học sinh, sinh viên.
Theo Tiến sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, nhu cầu về máu luôn cần trong suốt cả năm, nhưng vào dịp cuối năm, nhiều cơ quan, đơn vị bận rộn với các hoạt động tổng kết, học sinh, sinh viên bước vào kỳ thi, kèm theo thời tiết mưa rét... Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định tổ chức hiến máu của các cơ quan, đơn vị, trường học. Vì vậy, nguồn máu cung cấp cho các bệnh viện rất khan hiếm.
Những ngày này, kho máu dự trữ tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương luôn trong tình trạng “chạy từng ngày” để đáp ứng nhu cầu điều trị. Dự kiến trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, viện cần tới 80.000 đơn vị máu để phục vụ cho 170 bệnh viện khu vực phía Bắc tại 25 tỉnh, thành phố với diện bao phủ 40 triệu dân.
Đơn cử, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức là bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt tuyến cuối, mỗi ngày có khoảng 230 ca phẫu thuật, trong đó có khoảng từ 30 đến 35 ca phẫu thuật cấp cứu và khoảng 200 ca mổ phiên. Hiện lượng máu dự trữ tại Trung tâm Truyền máu của bệnh viện ngày càng xuống thấp, đến mức báo động, nhất là nhóm máu O và A.
Tại cuộc họp báo về chương trình hiến máu Chủ nhật Đỏ lần thứ XII (ngày 18.12), Tiến sĩ Trần Ngọc Quế - Phó Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia cho biết năm 2019, cả nước cần 1,9 triệu đơn vị máu phục vụ cho công tác điều trị. Đến nay, ước tính cả nước tiếp nhận được hơn 1,3 triệu đơn vị máu, đáp ứng được 70% nhu cầu máu cho cấp cứu, điều trị và dự phòng tại các địa phương.
40 tỉnh, thành phố cùng kêu gọi hiến máu
Trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, cả nước cần 300.000 đơn vị máu. Tuy nhiên, theo kế hoạch, lượng tiếp nhận nhiều nhất chỉ được khoảng 200.000 đơn vị. Vì vậy, ngày hội hiến máu Chủ nhật Đỏ được tập trung tổ chức trong tháng 12.2019 và tháng 1.2020 tại 40 tỉnh, thành phố với gần 80 điểm hiến máu, dự kiến tiếp nhận từ 45.000 đến 50.000 đơn vị máu sẽ phần nào khắc phục tình trạng khan hiếm máu dịp cuối năm và chuẩn bị máu dự trữ cho Tết Nguyên đán.
Lễ phát động Chủ nhật Đỏ lần thứ XII diễn ra vào ngày 22.12 tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với thông điệp "Hiến máu cứu người - Sinh mệnh của bạn và tôi".
Hiện tại, sau gần 1 tháng khởi động, Chủ nhật Đỏ đã thu được khoảng 7.000 đơn vị máu.
Để nâng cao tinh thần hiến máu nhân đạo, đồng thời khuyến khích người tình nguyện hiến máu nhắc lại thường xuyên hơn, hiện Bộ Y tế đã cho phép việc tặng các gói xét nghiệm cho người hiến máu tình nguyện thay cho việc trao tặng những món quà lưu niệm như trước đó. Cụ thể, những tình nguyện viên tham gia hiến máu sẽ được thực hiện các gói tổng phân tích máu, thăm dò chức năng tế bào của gan, thận, chẩn đoán hình ảnh...
Hiến máu cứu người - nghĩa cử cao đẹp
Trong nhiều năm qua, nhờ có những giọt máu của hàng triệu người tình nguyện hiến, hàng triệu người khác đã được chữa trị và cứu sống. Hiến máu tình nguyện đã trở thành một phong trào tốt đẹp, đầy ý nghĩa, được lan tỏa trong cộng đồng.
Theo Bộ Y tế, phong trào hiến máu tình nguyện ở nước ta được khởi đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước. Mặc dù muộn hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới nhưng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 235/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện (tháng 2.2008).
Tính trong 10 năm (2008-2017), tổng lượng máu vận động và tiếp nhận của toàn quốc đạt hơn 10 triệu đơn vị. Tổng lượng máu cả nước tiếp nhận năm 2017 là gần 1,5 triệu đơn vị tăng hơn 3 lần so với năm 2008 (500 nghìn đơn vị); tỷ lệ hiến máu tình nguyện cũng tăng từ 71,6% năm 2008 lên 98% năm 2017; tỷ lệ dân số hiến máu tăng từ 0,61% năm 2008 lên gần 1,6% năm 2017.
Năm 2018, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận được 1.336.842 đơn vị máu (quy đổi về thể tích 250ml là 1.576.933 đơn vị máu), trong đó 98,3% lượng máu tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện, tương đương 1,68% dân số tham gia hiến máu, tỷ lệ hiến máu nhắc lại đạt 42,5%. So với năm 1994, lượng máu tiếp nhận được năm 2018 tăng 11,5 lần.
Đến nay, mạng lưới công tác vận động hiến máu tình nguyện toàn quốc đã dần hoàn thiện với 100% các tỉnh, thành phố có Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện và 79% số xã, phường có Ban Chỉ đạo.
Công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện được đẩy mạnh, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, từ đó nâng cao nhận thức, quan niệm của người dân về hiến máu tình nguyện.
Cùng với đó, nhiều chiến dịch và sự kiện cũng phát huy hiệu quả tích cực trong phong trào hiến máu tình nguyện, như: Chiến dịch Vận động hiến máu dịp tết và Lễ hội Xuân hồng, chương trình Chủ nhật Đỏ, chiến dịch "Những giọt máu hồng hè” và Hành trình Đỏ, Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện (7.4), Ngày Quốc tế người hiến máu (14.6)…
Kết quả của phong trào hiến máu tình nguyện đã cung cấp lượng máu ngày càng lớn, căn bản đáp ứng đủ nhu cầu về máu phục vụ cấp cứu và điều trị người bệnh, hàng triệu người bệnh nhờ đó đã được cứu sống. Bên cạnh đó, những bước phát triển nhanh chóng của phong trào hiến máu tình nguyện hằng năm đã góp phần rất lớn vào sự phát triển chung của ngành truyền máu Việt Nam cũng như nền y học hiện đại.
Theo TTXVN