Vừa đủ tuổi đăng ký kết hôn, thằng Tuân đã đòi bố gọi điện cho mẹ ở Đài Loan về để tổ chức lễ cưới cho nó bằng được.
Ông Tuần bất ngờ, không tin được thằng con trai vốn tẩm ngẩm tầm ngầm, tướng tá như trẻ con, ngơi việc phụ xe ra là sà vào quán net chơi game hoặc đi câu cá xuyên trưa mà giờ lại đòi lấy vợ. Ông trợn mắt quát nó: “Vắt mũi chưa sạch, chịu khó làm ăn đi, dăm năm nữa lấy vợ cũng chưa muộn”. Nó đỏ bừng mặt, ghé tai bố lí nhí: “Nhưng mà bố sắp lên chức ông nội rồi. Bố không tổ chức nhanh cho con thì người ta đến bắt đền đấy”. Ông Tuần sững người. Ông không ngờ sự thể lại đến mức ấy. Thì ra thằng con trai ông yêu con bé Thu ở xóm bên. Hai đứa bằng tuổi nhau, chơi thân với nhau từ hồi học cấp hai, thỉnh thoảng con bé vẫn đến nhà ông chơi, chí chóe như trẻ trâu. Ai ngờ…
Từ ngày bà Cúc, vợ ông đi xuất khẩu lao động, cô con gái lớn lấy chồng xa, nhà chỉ còn ông và thằng Tuân, kể cũng buồn nhưng hai bố con chẳng mấy khi ngồi trò chuyện tâm tình. Ông tự trách mình vô tâm, không sát sao dạy bảo để con trai dám “vượt rào”, giờ không cưới con nhà người ta thì thật là tàn nhẫn, thằng Tuân sẽ mang tiếng là kẻ vô trách nhiệm. Vì vậy, ông tức tốc điện cho vợ thu xếp công việc về nước ngay để làm đám cưới cho con.
Về được hai tuần lo việc đại sự cho con trai xong, bà Cúc lại sang Đài Loan vì hợp đồng lao động còn mấy năm nữa. Cái Thu, vợ thằng Tuân thì ốm nghén, người xanh như tàu lá. Ông Tuần và con trai vụng về, không biết chăm sóc phụ nữ thai nghén nên ông bà thông gia đến xin đón con gái về chăm sóc. Tuân cũng theo vợ về bên ngoại ở luôn, thành ra bố mẹ vợ của Tuân phải cơm nước, phục dịch cả con gái lẫn con rể. Nhiều hôm, sáng sớm hai vợ chồng trẻ đã to tiếng từ trong phòng vọng ra, người nọ thúc giục người kia dậy nấu ăn sáng nhưng rút cục chẳng ai chịu dậy, cho đến khi mẹ Thu gõ cửa, mời hai vợ chồng ra ăn thì cả hai mới “bình minh”.
Chỉ vì chuyện giặt giũ, dọn dẹp mà đôi vợ chồng trẻ cũng cãi nhau. Thời tiết chuyển sang nóng bức, phải lột chăn ga gối đệm giặt giũ, phơi phóng, cất đi nhưng không ai chịu làm. Thu lấy cớ bụng to, đùn cho chồng, còn Tuân cứ giả điếc, lờ đi. Thu bảo chồng: “Đồ lười” còn Tuân mắng vợ: “Này! Đừng cậy đây là nhà mình nên muốn nói gì thì nói nhé”. Mẹ Thu nghe con rể, con gái cãi nhau, tị nạnh trước mặt mình mà đau hết cả đầu. Bà nghĩ, mình làm cố một chút là xong nên nhận hết việc về mình. Thành ra vợ chồng Tuân và Thu quen thói ỷ lại, dựa dẫm. Mẹ nấu ăn, làm việc luôn chân luôn tay mà con gái, con rể cứ ngồi gác chân xem ti vi hoặc lướt Facebook. Từ khi có con, Tuân càng thích đi chơi, ít về nhà với vợ vì con quấy khóc làm Tuân mất ngủ, khó chịu. Việc pha sữa, thay bỉm cho con khiến Tuân chẳng thích thú gì. Tuân nghĩ, biết thế này thì chả lấy vợ sớm. Nhiều hôm Tuân chơi game đến khuya mới về. Thu không chịu được, vừa mở cửa phòng đã nổi cáu, nói thẳng vào mặt chồng: “Muộn thế này anh còn về đây làm gì. Anh đi đi!”. Cuộc khẩu chiến diễn ra giữa đêm khuya làm cả nhà thức giấc. Không ai nhịn ai, cho đến khi bố Thu yêu cầu con gái: “Im ngay! Bố bảo im ngay kẻo làng xóm người ta cười cho kia kìa” thì Tuân vùng vằng dắt xe ra khỏi nhà bố mẹ vợ, để mặc vợ khóc, con khóc.
Ba ngày sau, Tuân vẫn dỗi vợ, không thèm qua nhà bố mẹ vợ ăn cơm như trước nữa. Ông Tuần thấy lạ, hỏi đầu đuôi thì Tuân bảo: “Con định bỏ”. Ông Tuần nổi trận lôi đình: “Mày tưởng vợ là cái áo à, thích thì mày đòi cưới bằng được, không thích thì mày bỏ à. Đi! Đi sang xin lỗi bố mẹ vợ rồi đón vợ con về đây. Ở bên đó được ông bà ấy nuông chiều nên có lớn mà không có khôn”.
Ông Tuần chưa kịp dẫn con trai sang nhà ông bà thông gia để xin lỗi thì bố mẹ Thu đã đưa cả con và cháu về để xin lỗi ông. Thì ra, sau mấy ngày suy nghĩ, bố mẹ Thu quyết định không “chứa chấp” con gái, con rể nữa. Để chúng có trách nhiệm với gia đình, với con cái thì tốt nhất là chúng phải tự làm những việc của mình. Cũng may là mọi chuyện được ông bà hai bên quan tâm giải quyết, khắc phục sớm chứ nếu để tình trạng vợ chồng trẻ con kéo dài thì có lẽ tình cảm của đôi trẻ sẽ sứt mẻ, khó mà hàn gắn được.
NAM HỒNG