Trong khi nhiều gia đình bỏ ruộng thì vợ chồng chị Bùi Thị Hằng và anh Bùi Văn Sơn ở thôn Chi Khê, xã Tân Trường (Cẩm Giàng) lại đi gom những thửa ruộng hoang để cấy...
Sau mỗi vụ gặt chị Hằng (bên trái) đều xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học
Trong khi nhiều gia đình bỏ ruộng không cấy thì vợ chồng chị Bùi Thị Hằng (sinh năm 1979) và anh Bùi Văn Sơn (sinh năm 1976) ở thôn Chi Khê, xã Tân Trường (Cẩm Giàng) lại đi gom những thửa ruộng hoang để cấy với tổng diện tích lên đến hàng chục mẫu.
Sau khi kết hôn, vợ chồng chị Hằng ra ở riêng với hơn 3 sào ruộng khoán. Năm 2010, số người trong xã vào làm việc trong các khu công nghiệp ngày một nhiều. Đến ngày mùa, nhiều nhà muốn thuê người gặt cũng khó nên vợ chồng chị quyết định dồn vốn và vay thêm ngân hàng để mua máy gặt đập liên hợp với giá trên 240 triệu đồng để đi gặt thuê. Năm ấy, khi đi gặt trên cánh đồng thôn Chi Khê thấy nhiều ruộng bỏ hoang cỏ mọc um tùm, vợ chồng chị đã xin được khai hoang để cấy. Một chiếc máy gặt không thể đáp ứng được công việc, năm 2011 vợ chồng chị lại vay tiền mua thêm một chiếc máy gặt và một chiếc máy cày loại vừa. Trong lúc đi cày thuê, gặt thuê, thấy ở đâu có ruộng hoang anh chị lại xin để cấy. Chị Hằng cho biết: "Mình là nhà nông thấy ruộng bỏ hoang thì tiếc nên thấy chỗ nào bỏ ruộng thì lại xin cấy. Có những khu do bỏ hoang lâu nên cỏ mọc nhiều, tôi phải đầu tư hàng chục triệu đồng mua thuốc diệt cỏ".
Năm 2015, tổng diện tích gieo cấy của gia đình chị đã tăng lên hơn 20 mẫu, vụ chiêm xuân 2016 là hơn 40 mẫu. Vụ mùa này chị phải trả lại hơn 10 mẫu để quy hoạch mở rộng khu thương mại dịch vụ Ghẽ nên chỉ còn hơn 30 mẫu. Trước đây chị chủ yếu gieo vãi nhưng do chân ruộng thấp nên lúa hay bị đổ. Cuối năm 2015, vợ chồng chị đã mua thêm chiếc máy cấy loại nhỏ với giá 80 triệu đồng.
Chị Hằng cho biết thêm, nếu gieo cấy manh mún và phải thuê nhân công thì lãi không nhiều nhưng khi gieo cấy theo vùng lớn, các khâu đều sử dụng máy và chịu khó chăm bón, theo dõi sát tình hình sâu bệnh thì hiệu quả sẽ cao hơn nhiều.
Từ 3 sào ruộng khoán, sau 6 năm anh chị đã "đánh thức" hơn 40 mẫu ruộng hoang trên các khu đồng của xã Tân Trường. Anh chị hiện cũng sở hữu 2 máy cày, 2 máy gặt và 1 máy cấy, trong đó có 1 máy gặt Kubota trị giá 600 triệu đồng. Vụ mùa năm 2015, với hơn 20 mẫu ruộng sau khi trừ chi phí, gia đình chị Hằng thu lãi hơn 100 triệu đồng. Vụ chiêm xuân năm nay do thời tiết lúa bị chết nhiều và phát triển chậm nên năng suất giảm nhưng gia đình chị vẫn thu lãi 100 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi vụ gia đình chị cũng thu lãi khoảng 120 triệu đồng từ 2 chiếc máy gặt.
Trong khi ngày càng có nhiều hộ bỏ ruộng không gieo cấy thì việc làm của vợ chồng chị Hằng, anh Sơn cần được khuyến khích và động viên nhân rộng.
TUẤN SỸ