Video thể hiện tình cảm mặn nồng của ông Lưu Hiểu Tông - chồng bà Mạnh Vãn Chu - với vợ sau ba năm xa cách trở thành video được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.
Ông Lưu Hiểu Tông (ngoài cùng bên trái) - chồng bà Mạnh Vãn Chu - vẫy tay đón vợ tại sân bay Thâm Quyến, Trung Quốc tối 25.9
Theo báo South China Morning Post, ngay sau khi máy bay chở bà Mạnh, Giám đốc tài chính toàn cầu của Tập đoàn Huawei - hạ cánh xuống sân bay Thâm Quyến, Trung Quốc tối 25.9, ông Lưu - đứng trên đường băng giữa đám đông khoảng 100 người - vẫy tay và hét lên "Anh yêu em".
"Em yêu anh", bà Mạnh đáp lại và vẫy tay với chồng.
Cư dân mạng Trung Quốc ngây ngất trước màn thể hiện tình cảm mặn nồng của đôi vợ chồng này, sau khi video ghi lại cảnh họ trao nhau những lời yêu thương đầy cảm xúc lan truyền trên mạng xã hội.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đã phát sóng video nói trên, ghi lại cảnh ông Lưu Hiểu Tông (45 tuổi) đứng giữa đám đông khoảng 100 người đang chào đón bà Mạnh (49 tuổi). Buổi phát sóng trực tiếp khoảnh khắc bà Mạnh đáp xuống sân bay Thâm Quyến đã thu hút gần 100 triệu người xem.
Trong đoạn video, ông Lưu kiễng chân, vẫy tay và hét lớn "Anh yêu em" sau khi bà Mạnh có bài phát biểu ngắn tỏ lòng cảm ơn với Chính phủ Trung Quốc.
Bà Mạnh Vãn Chu vẫy tay với đám đông đang chào đón bà tại sân bay Thâm Quyến, Trung Quốc tối 25.9
Trong cả buổi sáng ngày 26.9, màn thể hiện tình cảm của vợ chồng bà Mạnh trở thành nội dung được tìm kiếm nhiều nhất trên Weibo. Đoạn video thu hút khoảng 400 triệu lượt xem và 14.000 bình luận, trong đó có nhiều ý kiến ca ngợi "tình yêu bất tử" của hai người.
Một lý do nữa khiến video thu hút sự chú ý của nhiều người là do ở Trung Quốc hiếm khi được chứng kiến những màn thể hiện tình cảm công khai như vậy.
"Thật khó để một thanh niên nói 'Anh yêu em' trước một đám đông, vậy mà một người đàn ông ở tuổi tứ tuần đã làm điều đó. Thật đáng quý biết bao", một người dùng trên Weibo bình luận.
Ông Lưu đã làm việc khoảng 10 năm tại Huawei trước khi kết hôn với bà Mạnh hồi năm 2007. Họ có với nhau một cô con gái. Bà Mạnh có ba con trai với người chồng trước.
Từ tối 24.9, việc bà Mạnh sẽ được về nước đã là chủ đề được bàn tán nhiều nhất trên mạng xã hội Trung Quốc. Truyền thông Trung Quốc mô tả sự kiện này là một chiến thắng ngoại giao của chính phủ.
Bà Mạnh đã về đến Thâm Quyến - nơi đặt trụ sở của Tập đoàn công nghệ Huawei - sau gần ba năm bị quản thúc tại gia ở Canada. Bà được phóng thích sau khi đạt được thỏa thuận với các công tố viên Mỹ.
Ngày 1.12.2018, bà Mạnh bị bắt giữ tại sân bay Vancouver, Canada theo yêu cầu của Mỹ. Washington cáo buộc bà đã lừa gạt Ngân hàng HSBC của Mỹ và lập công ty bình phong để Huawei làm ăn với Iran.
Theo Tuổi trẻ