Vinh dự 6 lần được gặp Bác Hồ

02/09/2021 14:30

Vinh dự 6 lần được gặp Bác Hồ, ông Nguyễn Hữu Ninh ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) luôn ghi nhớ, coi những lời dạy của Bác là “kim chỉ nam” trong cả đời công tác của mình.


Hơn 50 năm qua, ông Ninh vẫn trân trọng bức ảnh Bác về thăm công trường đại thủy nông Bắc Hưng Hải, trong đó ông Ninh được đứng gần Bác

Giản dị, dễ gần

Ông Ninh sinh năm 1930 tại thị trấn Nam Sách. Học hết tiểu học, ông lên Hà Nội học trường Phan Chu Trinh. Năm 1946, Bác Hồ đến thăm trường. Trong tiết học tiếng Anh, Bác đi đến bàn cậu học trò tên Ninh ngày ấy ngồi và hỏi: “What’s your name?” (Tên cháu là gì?). Lần đầu được nói chuyện với Bác, ông Ninh muốn thể hiện thật tốt nên trả lời “I am Uyên Ưu Nin”. Bác cười nói: “Tên tiếng Việt thì phải đọc theo tiếng Việt chứ!”.

Sau này ông Ninh may mắn được gặp Bác Hồ thêm 5 lần nữa, lần nào ấn tượng về Bác cũng là vị lãnh tụ giản dị, dễ gần, thương dân như con. Lần cuối cùng ông gặp Bác vào năm 1965 khi Người về thăm xã Hồng Thái (Ninh Giang). Lúc này, ông Ninh đang công tác tại Ty Thủy lợi. Trưa hôm đó, chiếc xe chở Bác không về trụ sở Tỉnh ủy mà rẽ vào ngã tư Đông Thị (cũ) để về trụ sở UBND tỉnh. Ông Ninh cùng một số nhân viên của Ty Thủy lợi vừa ăn cơm xong, đang ra sân rửa bát thì nhìn thấy Bác (lúc đó sân Ty Thủy lợi và sân UBND tỉnh chỉ cách nhau một cửa ngách và một chiếc cầu). Thấy Bác, ông Ninh và những người khác vội sang sân UBND tỉnh, Bác hỏi: “Các chú ở cơ quan nào?”, “Chúng cháu ở Ty Thủy lợi”, “Hôm nay Bác cũng đi kiểm tra công tác thủy lợi, thế ở đây nói chuyện với Bác”. Vừa nói chuyện, Bác vừa trải tấm bạt dưới gốc cây bàng, bỏ cặp lồng cơm ra ăn, bên cạnh chỉ có một đồng chí bảo vệ...

Những câu nói giản dị, dễ gần từ vị cha già kính yêu của dân tộc in sâu trong tâm trí ông Ninh từ đó đến nay. 


Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm công trường đại thủy nông Bắc Hưng Hải vào năm 1958 (ảnh tư liệu)

Lấy hiệu quả công việc làm trọng

Ngoài 2 lần kể trên, 4 lần còn lại ông Ninh may mắn được gặp Bác trong thời gian ông làm việc tại công trường đại thủy nông Bắc Hưng Hải. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Giao thông công chính năm 1958, ông được điều về công tác tại công trường này, có nhiệm vụ cùng những người khác thiết kế, tổ chức thi công công trình. Giữ nhiệm vụ quan trọng nên những lần Bác về thăm công trường, ông Ninh là một trong những người thường đi cùng đồng chí Hà Kế Tấn, lúc đó là Trưởng Ban Chỉ huy công trường thuỷ nông Bắc Hưng Hải để báo cáo tình hình.

Lần đầu Bác đi thăm công trường năm 1958 tại vị trí gần với cống Xuân Quan hiện nay. Lần đó, Bác đến nhưng không báo trước. Khi Bác mở cửa xe bước xuống, ông Ninh và những người khác òa lên vui sướng vì bất ngờ. Sau khi nghe đồng chí Hà Kế Tấn báo cáo sơ bộ, Bác dặn dò: Với dân công phải tổ chức tốt, lãnh đạo tốt, từ thôn xóm đến công trường phải tổ chức sẵn sàng. Dân công cũng như quân đội phải có lãnh đạo và kỷ luật chặt chẽ. Cán bộ phải có quyết tâm khắc phục khó khăn, hoàn thành thắng lợi công trình Bắc Hưng Hải…

Lần thứ hai Bác về thăm công trường Bắc Hưng Hải khi kênh dẫn phía ngoài cống Xuân Quan đã bắt đầu đổ bê tông. Lúc này, Người hỏi đồng chí Hà Kế Tấn tại công trường nếu có dân công miền Nam thì cho Bác gặp để động viên họ. Ngay sau khi gặp Người, những dân công miền Nam nói “Chúng con xin đi làm”... Khi những người này rời đi, Bác ngạc nhiên hỏi họ không đi làm à. Hóa ra những dân công ấy bãi công do chưa nhận được áo bông và chăn do công trường cấp. Trước đó, họ làm tại Nhà máy Chè Phú Thọ chưa nhận được áo bông và chăn, khi đến công trình mới cũng vậy. Ngay lúc đó, Bác chỉ đạo đồng chí Hà Kế Tấn hỏi lại phía công trường Nhà máy Chè Phú Thọ xem đã cấp phát cho dân công chưa, nếu chưa thì làm ngay. “Việc nhỏ thì coi như không có, việc khó thì đơn giản đi để giải quyết, câu nói của Bác in sâu trong tâm trí tôi đến tận bây giờ”, ông Ninh chia sẻ.

Lần thứ ba Bác về đúng lúc trời mưa, đồng chí Hà Kế Tấn mời Bác đến thăm mô hình công trình thì Bác nói: “Tôi đã về đến đây rồi sao chú không cho tôi thăm cống thật mà lại cho tôi xem cống gỗ?". Ngay sau đó Bác đi thăm công trình, cả người ướt hết. Khi Bác quay lại, ông Ninh đã nhanh trí rút một bộ quần áo khô đang phơi ở đầu hè đưa cho đồng chí bảo vệ của Bác để Người mặc tránh cảm lạnh. Rồi Bác về phòng phát thanh khen ngợi công trình đạt tiến độ, động viên cán bộ, dân công tại đây phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Lần thứ tư Bác đến vào buổi trưa. Sáng hôm đó, đồng chí Hà Kế Tấn đã đến Phủ Chủ tịch báo cáo về tiến độ công trình theo định kỳ hằng tháng. Khi Bác đến nơi, đồng chí Hà Kế Tấn chưa đến công trường, Bác hỏi ông Ninh: “Bác về hôm nay có điều lạ, chú giải thích cho Bác. Ở công trường này có đơn vị nào nhiều phụ nữ mà một ngày gánh được 60 khối đất? Bác muốn hỏi 1 khối đất nặng bao nhiêu?”, “1 khối đất tự nhiên bằng khoảng 1,5-1,6 tấn Bác ạ!”, “Thế một người con gái Việt Nam thân hình nhỏ bé thế kia mà một ngày thế nào lại gánh được 60 khối đất các cậu có để ý không?”. Hóa ra báo cáo do người phụ trách thi đua của đơn vị thực hiện, nguyên nhân là 1 m3 đất tại làng Bát Tràng khi đó có lẫn rất nhiều mảnh sành, sứ, bát đĩa vỡ nên người này đã tính 1 m3 đất bằng 5 m3 đất thông thường, các nữ dân công không gánh mà dùng mai bẩy xuống bè chuối dưới sông. “Nghe rõ câu chuyện, Bác bảo sao lại làm rắc rối thế, sao không đặt tiêu chuẩn thi đua cứ mấy khối mảnh bát thì đạt yêu cầu, lại còn phải đổi sang đất?”, ông Ninh nhớ lại.

Vinh dự nhiều lần được gặp, lắng nghe lời dạy bảo của Bác, sau này ông Ninh luôn giữ tác phong giản dị, tiết kiệm, lấy hiệu quả công việc làm trọng dù nhiều năm ở vị trí phụ trách quản lý xây dựng các công trình thủy lợi của tỉnh. 

VIỆT QUỲNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vinh dự 6 lần được gặp Bác Hồ