Sáng 12-6, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội tổ chức lễ trao giải Văn học- Nghệ thuật năm 2011.
Việc tổ chức và xét cấp giải thưởng này đã được sự đồng thuận nhất trí của UBND Thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng như sự hỗ trợ của các Sở Nội vụ, Sở Tài chính. Qua tuyển chọn công phu và nghiêm túc, Hội đồng nghệ thuật đã chọn được 20 công trình và tác phẩm của 20 tác giả và tập thể tác giả, thuộc 8 thể loại VHNT để trao giải. Trong 9 ngành nghệ thuật của Hội, chỉ duy nhất năm nay không có giải cho ngành kiến trúc. Về lĩnh vực Văn học, 3 tác phẩm được tôn vinh danh hiệu. “Tập thơ tuyển của Dương Kiều Minh”. Dù bị bệnh nặng, đã ra đi nhưng những tác phẩm của anh để lại vẫn lay động được người đọc bởi những suy tư thấm đậm chất phương Đông của một hồn thơ nhiều trăn trở, suy tư và thao thức về thân phận con người.
Từ trái qua, Nhà thơ Vi Thùy Linh, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi, Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Thái, người thân của cố Nhà thơ Dương Kiều Minh và Nhà thơ Bằng Việt tại Lễ trao giải sáng 12-6 |
Hay nữ nhà thơ Vi Thùy Linh- gương mặt khá tiêu biểu trong đội ngũ sáng giá của thơ trẻ Hà Nội. Ở tập thơ “Phim đôi, tình tự chậm”, cô vẫn nồng nàn cảm xúc, thăng hoa trong tình yêu, nhưng lại có thêm nhiều hơn, đậm hơn chất đời của những gì mình đã ngộ ra và trải nghiệm.
Còn Nhà nghiên cứu- Tiến sỹ Nguyễn Thị Minh Thái gây chú ý đặc biệt với cuốn tiểu luận và chân dung “Đánh đường tình hoa”. Đây chính là cái nhìn sâu sắc và mới mẻ của tác giả trong hành trình khám phá cái đẹp và những giá trị tinh thần từ phía những người làm ra cái đẹp và cả những người hưởng thụ cái đẹp đó.
Về lĩnh vực Âm nhạc, Nhạc sĩ Doãn Nho đã có cống hiến với tác phẩm Thanh xướng kịch "Hoa Lư- Thăng Long, bài ca rời đô”. Tác phẩm khá ấn tượng và hoành tráng này là sản phẩm hưởng ứng cuộc sáng tác nhân dịp kỷ niệm Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội và đã được biểu diễn tại Nhà hát lớn, gây tiếng vang tốt đẹp và được đánh giá cao về mặt nội dung cũng như thư pháp nghệ thuật.
Phần trao giải thưởng về âm nhạc |
Hay ca khúc “Dòng trăng lung liếng” của nhạc sỹ Ngô Quốc Tính với giai điệu đẹp, tiết tấu khoan hòa, cảm xúc trữ tình, hòa quyện con người với thiên nhiên một cách tinh tế. Đặc biệt, ở lĩnh vực âm nhạc, chúng ta còn phải kể đến ca khúc thiếu nhi “Rồng rắn lên mây, Chi chi chành chành” của tác giả Nguyễn Văn Bằng. Có thể nói, đây là một tác phẩm có dấu ấn, giai điệu vui và dễ nhớ, rất được các em nhỏ yêu thích. Trong lĩnh vực Nhiếp ảnh, có 2 tác phẩm được nhận giải. Với tay nghề vững chãi, bố cục hài hòa, “Em yêu hòa bình” của tác giả Nguyễn Như Hảo chính là một tác phẩm đẹp, minh họa cho một ý tưởng lớn và bao quát.
Trao giải thưởng về nhiếp ảnh |
Và tập sách ảnh nghệ thuật “Thăng Long- Hà Nội, Việt Nam…ký” của tác giả Hoàng Kim Đáng chính là một tập ảnh ký sự công phu, được tái hiện bằng nghệ thuật ảnh, tiêu biểu cho cảnh sắc và gương mặt của một người con Hà Thành.
Ở lĩnh vực Sân khấu, vở Cải lương “Yêu là thoát tội” của Nhà hát Cải lương Hà Nội đã được vinh danh bởi câu chuyện là cái nhìn tự do, phóng khoáng từ một câu chuyện trong dã sử để nhìn vào thân phận con người trong triều đại nhiều bi kịch. Vở Cải lương này đưa đến cao trào những đỉnh điểm của bi kịch cá nhân trong một thời đại lịch sử đầy phức tạp của chế độ phong kiến.
Trao giải thưởng về sân khấu |
Vở chèo “Chuyện tình người mất tích” của Nhà hát Chèo Hà Nội thể hiện phẩm chất bộ đội cụ Hồ, lòng nhân ái, thủy chung của người phụ nữ Việt Nam,… đã đoạt giải thưởng Văn học- Nghệ thuật Thủ đô lần này.
3 tác phẩm đoạt giải ở lĩnh vực Mỹ thuật gồm “Tiếng vọng” của Bùi Anh Hùng, “Thiên Đô” của Nguyễn Đình Huống và tác phẩm “Hà Nội, chiến lũy và hoa” của Nguyễn Doãn Sơn.
Về lĩnh vực Văn nghệ dân gian, 3 tác giả: Nguyễn Huy Hồng, Trần Lâm Biền- Trịnh Sinh và Lê Trung Vũ nhận giải nhờ các tác phẩm tương ứng “Nghệ thuật múa rối dân gian”, “Nghệ thuật biểu tượng trong di sản văn hóa Thăng Long- Hà Nội” và “Hội làng Thăng Long- Hà Nội”.
Lĩnh vực Điện ảnh xướng tên các gương mặt xuất sắc nhất nhận được giải Văn học- Nghệ thuật Thủ đô lần này chính là Đạo diễn Nguyễn Hữu Ứng với phim tài liệu “Quê hương Thái Tổ Lý Công Uẩn”, Đạo diễn Văn Bích Thủy với “Phải đẹp trong mỹ thuật xưa và này” và Đạo diễn Nguyễn Đức Tuấn với “Sơn Tây vùng đất di tích danh thắng”.
Và ở lĩnh vực Múa, nghệ sỹ múa Lê Ngọc Canh với tác phẩm nghiên cứu đoạt giải “Nghệ thuật múa Hà Nội truyền thống và hiện đại”.
Kim Dung (VOV)