Viettel Hải Dương: Nhiều giải pháp giúp ngành giáo dục chuyển đổi số

20/11/2021 10:30

Từ thỏa thuận hợp tác toàn diện về công nghệ thông tin, viễn thông được ký kết với Sở Giáo dục và Đào tạo hơn 4 năm trước, Viettel Hải Dương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp góp phần thúc đẩy chuyển đổi số ngành giáo dục của tỉnh.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Viettel Hải Dương và Sở Giáo dục và Đào tạo tháng 4.2017, mở ra chương mới về hợp tác giữa 2 bên (ảnh tư liệu)

Tháng 4.2017, Viettel Hải Dương và Sở Giáo dục và Đào tạo đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), viễn thông. Bản thỏa thuận đã mở ra giai đoạn mới trong sự phối hợp chung giữa 2 đơn vị, qua đó góp phần từng bước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục của tỉnh.

Hiện thực hóa từng nội dung hợp tác, năm 2018, Viettel Hải Dương đã triển khai 2 giải pháp công nghệ phục vụ giáo dục. Ứng dụng đầu tiên là phần mềm học tập trực tuyến có tên Viettel Study, phục vụ việc học tập của học sinh các khối lớp THPT và tại các trung tâm giáo dục thường xuyên. Bằng sự tiện ích, ổn định, Viettel Study đã được 67 trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên trong tỉnh sử dụng, đạt tỷ lệ 100%.

Tuy nhiên, dù là phần mềm nhiều tiện ích nhưng vẫn bộc lộ một số hạn chế nhất định, nhất là đối với các khối lớp Tiểu học và THCS. Để phục vụ tốt hơn việc học tập trực tuyến cho tất cả học sinh, Viettel đã nghiên cứu và xây dựng phần mềm K12. Tại Hải Dương, K12 được thay thế cho Viettel Study vào đầu năm 2021. Kết quả, đã có trên 200 trường Tiểu học, THCS, THPT trong tỉnh đăng ký sử dụng.

Ứng dụng thứ 2 được Viettel Hải Dương triển khai từ năm 2018 là hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ ngành giáo dục toàn tỉnh. Anh Bùi Văn Long, chuyên viên thuộc bộ phận Khách hàng doanh nghiệp (Viettel Hải Dương) cho biết: “Thông qua hệ thống này, lãnh đạo ngành giáo dục có thể truy xuất dữ liệu về giáo viên, học sinh, kết quả học tập của học sinh cũng như các thống kê giáo dục khác. Việc truy xuất có thể thực hiện ở bất kỳ thời điểm nào”. Dữ liệu từ hệ thống này được đồng bộ với cơ sở dữ liệu dùng chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. “Đây là một trong những giải pháp giúp các trường học trong tỉnh thay thế hoàn toàn việc nhập liệu thủ công, đồng thời chuẩn bị sẵn dữ liệu phục vụ các yêu cầu báo cáo chuyên ngành”, anh Long nói thêm.

 Hệ thống giám sát kỳ thi THPT quốc gia góp phần nâng cao chất lượng kỳ thi 

Trên thực tế, hệ thống cơ sở dữ liệu nói trên không chỉ có sự tham gia của Viettel Hải Dương mà còn từ nhiều đơn vị viễn thông khác trên địa bàn tỉnh. Để thống nhất trong sử dụng, tạo điều kiện tối ưu hóa hiệu năng của hệ thống, đầu năm 2019, đơn vị đã phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai ứng dụng quản lý trường học trực tuyến Smas trên phạm vi toàn tỉnh. Sau hơn 2 năm vận hành, Smas đã trở thành công cụ hữu hiệu giúp các trường có thể quản lý hồ sơ, phân công chuyên môn, sổ điểm, xếp loại học sinh, tổ chức các kỳ thi… Ứng dụng còn giúp phụ huynh học sinh tra cứu bài giảng, điểm học, điểm thi của con em mình qua internet hoặc điện thoại thông minh.

Theo thầy giáo Mạc Đức Hưng, giáo viên Tin học, phụ trách CNTT của Trường THPT Nam Sách, tất cả các quy trình nghiệp vụ đều được thực hiện thông qua Smas, giúp Ban Giám hiệu, nhất là các giáo viên thuận lợi trong quản lý và giảng dạy. “Được xây dựng trên nền tảng điện toán đám mây, Smas cho phép quản lý tập trung dữ liệu, giúp quá trình xử lý dữ liệu linh hoạt, đáp ứng nhu cầu liên thông liên kết thông tin giữa các trường, khối lớp”, thầy giáo Hưng cho biết. Cũng từ nền tảng điện toán đám mây, Smas là hệ thống được đánh giá có tính an toàn, độ bảo mật cao. Nhờ đó, kho dữ liệu về nhà trường, học sinh, phụ huynh đều được bảo mật tuyệt đối.

Smas còn giúp nhà trường tổng hợp, báo cáo các số liệu thống kê theo yêu cầu của các cấp quản lý. Với tính năng chia sẻ thông tin, các dữ liệu có thể được tích hợp vào cổng thông tin điện tử hoặc website của các trường nhằm phục vụ công tác tra cứu.

Các giải pháp phần mềm hỗ trợ tốt hơn cho việc dạy và học trực tuyến

Ông Lê Hồng Phong, Phó Giám đốc Giải pháp CNTT (Viettel Hải Dương) cho biết, bên cạnh ứng dụng học tập trực tuyến Viettel Study (nay là K12), hệ thống quản lý dữ liệu giáo dục Smas, hàng loạt ứng dụng khác đã được Viettel Hải Dương phối hợp cùng ngành giáo dục triển khai. Điển hình như hệ thống hội họp trực tuyến V-Meet, hệ thống tập huấn bồi dưỡng giáo viên trực tuyến, hệ thống tuyển sinh đầu cấp dành cho các trường THPT… “Tất cả vì sự đổi mới trong giáo dục. Trong kỷ nguyên số, giáo dục là ngành cần được coi trọng trong đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ. Chỉ khi ngành giáo dục chuyển đổi số mới có thể đào tạo đội ngũ nhân sự công nghệ trong tương lai. Đây vừa là mục tiêu của ngành giáo dục, đồng thời cũng là một trong những định hướng phát triển của Viettel”, ông Phong chia sẻ.

Ngoài những ứng dụng, giải pháp phần mềm, Viettel Hải Dương cũng tích cực tham gia xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông nói chung, hạ tầng phục vụ ngành giáo dục nói riêng. Trên cơ sở hợp tác giữa Viettel và Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viettel Hải Dương đã hỗ trợ lắp đặt miễn phí hơn 700 đường truyền internet cáp quang cho hơn 700 cơ sở giáo dục, tương đương gần 80% tổng số các cơ sở giáo dục trong tỉnh.

Thời gian tới, Viettel Hải Dương nói riêng, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội Viettel nói chung sẽ từng bước nâng cấp những giải pháp hiện có; trong đó sẽ triển khai hệ thống hồ sơ điện tử (gồm giáo án, học bạ học sinh, sổ ghi đầu bài, sổ chủ nhiệm…) tích hợp trên Smas; hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục, dịch vụ công trực tuyến…

HÀ KIÊN

(0) Bình luận
Viettel Hải Dương: Nhiều giải pháp giúp ngành giáo dục chuyển đổi số