Theo bảng lương mới vừa được Vietnam Airlines công bố,lương phi công người Việt sẽ được tăng lên xấp xỉ75-80% thu nhập phi công nước ngoài.
Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Vietnam Airlines (VNA) tại buổi trao đổi với báo chí chiều 12-1 - Ảnh: Tuấn Phùng
Tổng giám đốc Vietnam Airlines (VNA) Phạm Ngọc Minh cho biết, Vietnam Airlines đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì phi công lãn công tập thể trong buổi trao đổi với báo chí chiều 12-1.
Sáu ngày có 117 lượt phi công xin báo ốm
Ông Minh cho biết, trong đợt Tết Dương lịch, từ 30-12-2014 đến 4-1-2015, đã có 117 lượt phi công của VNA báo ốm nhưng chỉ có 10 trường hợp có xác nhận của cơ quan y tế.
Số lượng này gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm 2013-2014, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của VNA trong mùa cao điểm.
Ngoài ra, hơn 30 phi công của đội bay A321 nộp đơn xin thôi việc là một sự việc nghiêm trọng. Có tới hơn 90% số phi công xin nghỉ bệnh thuộc đội bay Airbus A320, trong khi không có kỹ sư xin thôi việc đang làm ở các bộ phận liên quan đến máy bay Boeing 777 và ATR 72.
Cũng theo ông Minh từ đầu năm 2014, thấy có hiện tượng kỹ sư thợ máy nộp đơn xin nghỉ việc, lãnh đạo VNA đã làm công tác tư tưởng, vận động, thuyết phục nhưng đến nửa cuối năm 2014 phi công bắt đầu nộp đơn xin nghỉ việc.
Ông Minh đánh giá việc phi công báo ốm hàng loạt bất thường là hiện tượng lãn công tập thể thông qua báo ốm.
"Với vai trò nòng cốt của vận tải hàng không quốc gia thì điều này không chỉ ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh mà cả tư tưởng, tâm lý của phi công, kỹ sư và đội ngũ kỹ thuật cũng như cán bộ nhân viên toàn tổng công ty. Đồng thời đe dọa an ninh kinh tế của đất nước nói chung và hoạt động của VNA dưới vai trò là lực lượng chủ lực nòng cốt đang thực hiện nhiệm vụ chính trị và dự bị an ninh quốc phòng." - Ông Minh nói.
Trước sự việc trên, VNA tiếp tục báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không. Từ ngày 25-6-2014, VNA cũng báo cáo dự báo nguy cơ trên với Bộ trưởng Đinh La Thăng và được chỉ đạo xây dựng các phương án về điều chỉnh thu nhập hợp lý cho lực lượng lao động đặc thù.
Vừa rồi Bộ trưởng yêu cầu hoàn thành việc này trong quý I-2014 hiện nay chúng tôi xây dựng xong và trình phê duyệt.
Ông Minh cho biết về ngắn hạn cũng như lâu dài, hiện tượng trên ảnh hưởng đến an ninh - an toàn khai thác, các nhiệm vụ được Thủ tướng và Bộ GTVT trực tiếp chỉ đạo là phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, phục vụ các nhiệm vụ chính trị.
Tổng giám đốc VNA cũng cho biết, việc một hãng hàng không quốc gia bị lâm vào tình trạng như VNA hiện nay không phải có tiền lệ. Trong hầu hết các trường hợp, chính phủ các nước đều can thiệp.
Tăng thu nhập bằng 80% phi công nước ngoài
Liên quan đến việc các phi công lãn công vì lương thấp hơn so với phi công nước ngoài mà VNA đang thuê, ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính kế toán của VNA cho biết từ 2008, VNA đã xây dựng lộ trình cải cách tiền lương.
Trong lộ trình này, thu nhập của phi công sẽ tăng dần và khi kết thúc sẽ đạt đến mức 75%-80% thu nhập phi công nước ngoài mà VNA thuê. Đến năm 2015, sau 5 lần cải cách, thu nhập của phi công Việt Nam sẽ bằng xấp xỉ 75% thu nhập phi công nước ngoài mà VNA đang thuê. Năm 2015, VNA sẽ có 2 lần cải cách tiền lương nữa vào 6 tháng đầu năm và vào tháng 7-2015.
“Đến nay chi phí nhân công của VNA chiếm 8% tổng chi phí của hãng. Các hãng nước ngoài chi phí nhân công chiếm 12% nên VNA vẫn có dư địa để tăng lương phi công, trước mắt chưa lo ảnh hưởng đến quỹ lương nếu tăng lương phi công. Nhưng nếu tăng mãi không phụ thuộc vào lộ trình cải cách tiền lương thì câu chuyện còn nhiều vấn đề cần trao đổi”, ông Hiền cho biết.
Theo Tuổi trẻ