Chiều 7-8, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo thường kỳ. Chủ trì buổi họp báo là Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình.
Phóng viên trong và ngoài nước dự họp báo - Ảnh: Việt Dũng |
Những vấn đề dư luận quan tâm là tình hình lao động Việt Nam đang làm việc tại Libya.
Như thông tin mới nhất mà Bộ Ngoại giao thông báo đến tối 5-8, còn khoảng 1.550 lao động Việt Nam đang làm việc tại 15 địa phương trên lãnh thổ Libya (Tripoli, Ghademesh, Jalut, Misrata, Sirte, Qubbah, Ras Lanuf, Naffora, El Sharara, Amal, Brega, Ajdadbya, Benghazi, Sebha, Ubari).
Cho đến nay, đa số lao động Việt Nam vẫn đang ở những khu vực chưa xảy ra chiến sự. Đã có 209 lao động Việt Nam rời khỏi Libya về nước an toàn và 182 lao động ra khỏi khu vực có xung đột là Tripoli và Benghazi.
Hiện nay, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và 12 công ty, doanh nghiệp phái cử lao động sang Libya đã chuẩn bị đưa các lao động Việt Nam ở gần các khu vực nguy hiểm về nước và trong trường hợp xảy ra những diễn biến xấu, phức tạp tại Libya, sẽ rút toàn bộ.
Những người lao động còn lại vẫn đang trong khu vực an toàn và giữ được liên lạc với các cơ quan ngoại giao, quản lý lao động của Việt Nam.
Lao động Việt Nam tại Libya hoặc thân nhân đang ở Việt Nam có thể liên lạc theo các đường dây nóng của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao +0084.918370497 hoặc +0084.948948458 để được hỗ trợ, giúp đỡ.
Bên cạnh đó, thông tin về chuyến công du của Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ John McCain và Sheldon Whitehouse tới Việt Nam sẽ được báo chí quan tâm trao đổi với đại diện Bộ Ngoại giao.
Theo thông tin từ đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, hai Thượng nghi sĩ sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo Việt Nam nhằm trao đổi các vấn đề song phuơng, khu vực, bao gồm vấn đề an ninh, thương mại và nhân quyền.
Thượng nghị sĩ John McCain và Sheldon Whitehouse sẽ tổ chức họp báo bàn tròn để trả lời các câu hỏi về chuyến thăm của đoàn, quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam, và các vấn đề khu vực.
Tại họp báo, phóng viên các báo đã đặt nhiều câu hỏi về các vấn đề nóng mà dư luận đang quan tâm.
* Liên quan đến tình hình của công dân Việt Nam ở miền Đông Donetsk (Ukraine), Bộ Ngoại giao có giải pháp gì để đảm bảo an toàn cho người Việt ở đây?
- Ông Lê Hải Bình: Ngay từ khi tình hình ở Ukraine có những diễn biến phức tạp, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam ở Ukraine liên hệ và quản lý cũng như có những hình thức liên hệ chặt chẽ với cộng đồng người Việt ở Ukraine.
Bộ Ngoại giao cũng đề nghị các cơ quan chức năng của Ukraine bảo đảm an toàn cho cộng đồng người Việt ở Ukraine. Cho đến nay, đại sứ quan của Ukraine vẫn đang duy trì mọi nỗ lực của mình trong công tác bảo hộ công dân, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình ở Đông Ukraine vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.
* Phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc đo đạc điều tàu khảo sát dầu khí Hải Dương Thạch Du khảo sát địa chất và dầu khí ở Biển Đông? Phản ứng của Việt Nam về việc .
- Ông Lê Hải Bình: Về việc Trung Quốc điều tàu khảo sát Thạch Du, tôi xin trả lời mọi hoạt động của các bên ở Biển Đông cần phải tuân thủ luật pháp Quốc tế, nhất là công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển.
Còn về việc Trung Quốc đo đạc thực địa tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, chúng tôi đang tích cực xác minh thông tin này. Tuy nhiên, như chúng tôi đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Vì vậy mọi hoạt động của Trung Quốc ở hai quần đảo này đều là bất hợp pháp và vô giá trị.
* Về chuyến thăm của hai Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ John McCain và Sheldon Whitehouse tới Việt Nam, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh có tiếp hai vị này không và có chủ động đề cập đến việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam hay không?
- Ông Lê Hải Bình: Theo thông tin chúng tôi có được, từ ngày 7 đến 10- 8, đoàn Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ John McCain và Sheldon Whitehouse cùng với các cố vấn và trợ lý của mình sẽ tới thăm và làm việc tại Việt Nam. Chuyến thăm sẽ nhằm mục đích trao đổi những vấn đề quan hệ song phương và những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.
Cùng thời gian này, tại Myanmar đang diễn ra hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao AMM và các hội nghị bộ trưởng Ngoại giao liên quan, Phó thủ tướng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đang dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các hội nghị này.
* Tình hình Lao động Việt Nam ở Libya hiện nay như thế nào? Tính đến nay có bao nhiêu lao động đã về nước và kế hoạch tiếp theo để đảm bảo an toàn cho các lao động Việt Nam ở Libya là gì?
- Ông Lê Hải Bình: Tính đến ngày hôm nay 7-8, số lao động rời Libya là 246 người. Hiện nay Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Libya, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Algeria đang phối hợp chặt chẽ với các công ty phái cử cũng như các doanh nghiệp sử dụng người lao động Việt Nam ở Libya triển khai tích cực các phương án, biện pháp để đảm bảo an toàn cho người lao động.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã gửi công hàm cho đại sứ quán Philippines và đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam để đề nghị hai nước này cùng phối hợp hỗ trợ trong việc đưa công dân của Việt Nam ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở Ai cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Algeria cũng đang làm việc tích cực với các cơ quan để tạo điều kiện thuận lợi cho số lao động Việt Nam quá cảnh qua các nước này có thể về nước.
Trong thời gian tới, có thể có đợt đưa lao động Việt Nam từ Libya về nước qua đường hàng không.
* Trung Quốc vẫn trì hoãn hợp tác cùng ASEAN ký kết bộ quy tắc ứng xử COC. Việt Nam có biện pháp gì để thúc đẩy việc ký kết văn bản này trong diễn đàn an ninh khu vực ARF lần này diễn ra vào ngày 10-8 ở Myanmar?
- Ông Lê Hải Bình: Tại diễn đàn ARF lần này, Việt Nam sẽ có những đóng góp thiết thực vào việc tăng cường vai trò của ARF trong đối thoại và hợp tác xây dựng lòng tin ở khu vực, đẩy mạnh thực hiện các biện pháp ngoại giao phòng ngừa và tăng cường hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống trên cơ sở các nguyên tắc đã được thỏa thuận.
Việt Nam chia sẻ quan điểm chung của ASEAN rằng cần sớm phải có một bộ quy tắc ứng xử COC có tính tổng thể, ràng buộc nhằm đảm bảo hòa bình ổn định và an toàn hàng hải ở biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là công ước quốc tế về Luật Biển 1982.
Các bên cần quyết tâm và nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy tham vấn một các tích cực và thực chất nhằm tiến tới đạt được bộ quy tắc ứng xử này.
* Đầu tháng 8 có gần 9.000 tàu cá của Trung Quốc trở lại biển Đông. Bộ Ngoại giao có bình luận gì?
- Ông Lê Hải Bình: Quan điểm nhất quán của Việt Nam là mọi hoạt động của các bên ở biển Đông cần phải theo luật pháp quốc tế, nhất là công ước quốc tế về Luật Biển 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các bên ở trên biển.
* Giữa tháng 6 có hơn 100 người ở Yên Thủy (Hòa Bình) bị Trung Quốc bắt? Việt Nam có nhận được thông tin này không và có biện pháp như thế nào?
- Ông Lê Hải Bình: Chúng tôi sẽ xác minh thông tin này một cách tích cực và sớm nhất có thể. Nếu việc này có xảy ra thì Bộ ngoại giao Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để đề nghị Trung Quốc có những biện pháp phù hợp.
* Trung Quốc và Thái Lan đã đưa dân từ các nước có dịch bệnh Ebola về nước, Việt Nam có tính đến việc này hay không?
- Ông Lê Hải Bình: Ngay sau khi có thông tin về dịch bệnh Ebola lan rộng, Bộ Y tế đã họp và có những biện pháp khẩn cấp để Việt Nam có thể tránh dịch bệnh này.
* Việc đưa thi thể ba nạn nhân người Việt trong vụ tai nạn máy bay MH17 tiến hành đến đâu rồi?
- Ông Lê Hải Bình: Đến nay việc xác định ADN của các thi thể nạn nhân của vụ MH17 đang rất tích cực tiến hành tại Hà Lan.
Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan cũng đang tích cực phối hợp với các cơ quan của Hà Lan để sớm có những thông tin và thực hiện các thủ tục cần thiết để đưa thi thể về nước.
L.THANH (Tuổi trẻ)